CHÙA KHMER - NƠI LƯU GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT

23/09/2019 4518 0
Về thăm vùng đất Sóc Trăng, du khách sẽ không khỏi cuốn hút bởi những ngôi chùa Khmer, mang nhiều dáng vấp, màu sắc nổi bật. Toàn tỉnh, dân tộc Khmer chiếm khoảng 31 %, tổng dân số trên 1, 3 triệu người, với 92 ngôi chùa.

                Về thăm vùng đất Sóc Trăng, du khách sẽ không khỏi cuốn hút bởi những ngôi chùa Khmer, mang nhiều dáng vấp, màu sắc nổi bật. Toàn tỉnh, dân tộc Khmer chiếm khoảng 31 %, tổng dân số trên 1, 3 triệu người, với 92 ngôi chùa.
 

           

Chùa SaLôn – Một trong những điểm tham quan du lịch thu hút khách của tỉnh Sóc Trăng

           Có thể nói ngôi chùa người Khmer là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Vì vậy, ngôi chùa Khmer là một công trình kiến trúc – trang trí có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, thể hiện nét văn hoá - nghệ thuật và là không gian thiêng liêng nhất.
          Nhìn tổng thể, công trình kiến trúc của ngôi chùa đều có gồm: hàng rào, cổng chùa, chánh điện, nhà sala, nhà tăng, nhà thiêu, tháp để cốt... Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chánh điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.
          Chánh điện quay mặt về hướng Đông, vì người Khmer quan niệm rằng, Đức Phật ngự ở hướng Tây mặt nhìn về hướng Đông để cứu độ chúng sinh, ban phúc. Chánh điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Vì vậy, chánh điện phải được xây dựng theo đúng quy cách, kích thước nhất định. Nhìn những chánh điện chùa Khmer với bộ mái ba lớp, các góc đầu đao đuôi rồng cao vút uốn lượn cho ta cảm giác mềm uyển chuyển, tạo thông thoáng nhiều ánh sáng bên trong chùa.

Chùa Tắc Rồng – Mỹ Xuyên – là một trong những ngôi chùa cổ kín của tỉnh


          Người Khmer quan niệm hình tam giác mang ý nghĩa biểu trưng của con số 3 như: Phật – pháp – tăng; Quá khứ - hiện tại - tương lai,...Không những thế, các cửa sổ và cột chùa là những con số 3 – 5 – 7 – 9. Trên bàn thờ Phật có lọng 3 tầng biểu hiện tam bảo, 5 tầng biểu hiện 5 hoá thân của Phật, 7 tầng là phải qua 7 kiếp người mới chết, số 9 là số không gian nhà chùa. Như vậy tổng thể ngôi chùa được quy vào một tam giác cân như một quy ước có tính tượng trưng triết học.
          Các vách tường bên trong gian chánh điện, nghệ nhân vẽ kín những bức tranh kể về cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi tu thành Phật. Trên trần nóc chánh điện cũng được vẽ tả về cảnh giao đấu giữa các Tiên nữ và Chằn hoặc cảnh Tiên làm lễ, cảnh Ápsara dâng hoa...
          Ở vị trí bệ thờ tượng Phật Thích Ca, có bệ tượng tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ, kỷ lưỡng. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa. Về mô típ tượng Phật, được thờ phổ biến nhất là lúc Phật đắc đạo ngồi tham thiền (đất chúng giám). Mô típ được dùng để thờ phổ biến thứ hai là tượng Phật trong tư thế đứng thẳng, cứu độ chúng sinh. Tượng mặc áo cà sa buông thõng, phủ kín lưng. Tay phải của Phật buông xuôi bên hông, tay trái đưa về phía trước ngực, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tròn, dài thẳng hướng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc là quí tướng của Phật.

Một gốc chùa Som Rong


          Ở các ngôi chùa Khmer, việc điêu khắc – trang trí rất được chú trọng và được dùng khắp mọi chỗ như góc mái, cột, diềm mái...Ở mặt tường ngoài và các cột của chánh điện được đắp nổi đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn (Yeak)...

Ngôi chánh điện chùa Kh’leang


         Đưa hai mô típ Reahu và Chằn vào trang trí nơi cửa Phật với ngụ ý muốn tôn lên ý nghĩa sâu sa của triết lý nhân đạo cao cả Phật Giáo: cái xấu, cái ác cũng không phải là một lực lượng đáng sợ, đáng loại trừ. Với quyền năng tuyệt đối, vô biên, với tấm lòng nhân đạo cao cả của Đức Phật thì cái xấu, cái ác cũng vẫn được cải biến, để trở về phục vụ cho cái thiện, cái có ích. Nhìn vào các hình tượng trang trí này, chúng ta sẽ nhận ra nét đặc trưng về tín ngưỡng dân gian và Bàlamôn là những tín ngưỡng và tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khmer.
    Có thể nói tổng thể kiến trúc ngôi chùa như một tác phẩm điêu khắc. Với ba phần cơ bản là: mái, cột - thân chùa - nền, tam cấp là ba phần khối: thực- hư - thực hoặc đặc - loãng - đặc, khối: dương - âm và dương.
          Riêng phần đỉnh nóc ngôi chánh điện, mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi được bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, được chạm khắc rất công phu người Khmer gọi là “Hô cheang”. Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái thường được đắp các tượng rồng (rồng Khmer), đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc thuyền đua bơi.
          Trong kinh Phật, người Khmer tin rằng rồng là con vật thiêng tự biến thành thuyền đưa Phật vượt sông đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Đưa rồng lên mái chùa, người Khmer cầu mong Đức Phật dừng chân lại ở ngôi chùa của họ để ban phúc cho mọi người. Ở một số chùa, trên chính giữa nóc chùa còn dựng thêm một tháp nóc. Tháp nóc hình quả chuông úp, gồm nhiều tầng, trên đỉnh đặt tượng đầu thần bốn mặt (Mahaprum). Đó là vị thần đại biểu cho sự thông minh, bốn mặt nhìn ra bốn phía để biết hết mọi việc trên đời. Trên đầu tượng là một tháp nhọn, cao vút như một mũi tên cắm vào không trung. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp riêng rất độc đáo của ngôi chánh điện. Một dáng vẻ đồ sộ, lộng lẫy, nhưng không nặng nề mà như một sự vươn cao, thanh thoát. Có thể nói chùa Khmer là một khối tổng thể của sự độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật, tạo nên nét đặc thù riêng và chính nét đặt thù đó, hàng năm đã góp phần tăng lượng khách đến chiêm bái, tham quan và khám phá /.


                                                                                Lý Thị Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu