Với người dân Sóc Trăng đã trở nên rất quen thuộc với các món ăn đặc sản như Bún nước lèo, bánh pía, bánh cống, bánh in, mè láo, cùng với các loại mắm như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá rô không xương…. Nhưng gần đây ở Sóc Trăng lại có thêm những món mắm rất “độc đáo”, khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi, muốn được thưởng thức thêm nhiều lần nữa, đó là mắm cua gạch là một trong những sản phẩm của cơ sở Thiên Hương đã đạt chuẩn OCOP 3 Sao của tỉnh Sóc Trăng và đã trở thành sản phẩm được nhiều du khách ưa chuộng mua làm quà tặng sau khi trải nghiệm, tham quan tại tỉnh Sóc Trăng.
Về ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề - nơi ven sông Mỹ Thanh thơ mộng, chúng tôi được giới thiệu đến cơ sở sản xuất mắm vô cùng “độc đáo” mang nhãn hiệu Thiên Hương của anh Lý Thanh Bình (37 tuổi), một chàng kỹ sư thủy sản, hiện đang công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Đề, với các sản phẩm có một không hai là mắm cua gạch, mắm sú cồ và mắm tôm hùm. Trong số các loại hải sản làm mắm, món mắm cua gạch này đã để lại ấn tượng khó quên trong tâm trí thực khách khi ăn với cơm. Mắm cua gạch thơm ngon đáo để, vừa có vị béo của gạch, thịt cua, vừa có chút dai, dẻo của càng, chân, mai cua.
Cua gạch
Chủ cơ sở kể lại phải qua 30 lần thử nghiệm, anh mới thành công bước đầu và thêm 59 lần nữa để có được kết quả mỹ mãn như hôm nay. Để có món mắm cua gạch ngon, công đoạn đầu tiên là chọn cua còn sống, chắc thịt, gạch đầy. Sau đó rửa cua thật sạch, cho vào dụng cụ chứa nhốt cua lại khoảng 1-2 ngày cho cua tiêu hóa hết thức ăn. Tiếp đó cho cua vào ngâm trong nước mắm loại ngon cho đến khi cua chết rồi đem cua ra rửa lại bằng nước mắm. Để có mắm cua ngon, phải nấu nước mắm ngâm cua đến 3 lần và nêm nếm các loại gia vị như nước mắm, đường, bột ngọt, tỏi, ớt (hoàn toàn không sử dụng chất phụ gia). Các loại gia vị này cũng phải đạt chất lượng tốt để cho ra sản phẩm ngon. Đồng thời, món mắm cua còn phải trải qua 3 lần nấu sôi từ trên 100°C đến trên 200°C, thanh trùng nhiệt, diệt vi khuẩn, vớt bọt kỹ, khử mùi tanh nên khi ăn rất ngon, bảo đảm an toàn, không còn mùi tanh của cua và thời gian bảo quản lâu. Từ khi làm mắm cho đến lúc hoàn thành đưa ra thị trường cho mỗi đợt mắm là 50 ngày. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là mắm cua gạch thành phẩm của Thiên Hương là thịt cua vẫn giữ được màu nguyên thủy, vỏ cua mềm, dẻo chứ không cứng như ban đầu, có thể ăn được chứ không phải bỏ như khi luộc, nướng.
Sản phẩm mắm cua gạch
Khi sử dụng, mắm cua gạch của Thiên Hương có thể ăn liền, không cần qua chế biến lại vì tất cả đã đạt đến độ ngon. Ngoài ra, tùy sở thích của khẩu vị thực khách, móm mắm cua gạch cũng có thể ăn kèm với bánh tráng, bún cùng các loại thịt luộc, tép, các loại rau sống gói rồi chấm nước mắm cua gạch ăn cũng rất ngon miệng.
Kim Thu