Xuất hiện cách nay trên dưới 100 năm, trên cơ sở tiếp biến hát bội của người Hoa, cải lương của người Việt, và khá nhiều sự cộng hưởng khác về nghệ thuật khác, sân khấu Dù Kê là sản phẩm nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ, mà cái nôi sinh ra là ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định “Sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... mang đặc trưng riêng của người Khmer” (Dương Anh--Theo Hồ sơ di sản, Tư liệu Cục Di sản văn hóa). Ngay cả nhạc cụ, nghi lễ biểu diễn của loại kịch nói này cũng rất phong phú và hết sức bải bản...
Trải qua những thăng trầm theo thời gian, Dù Kê từng bước khẳng định vị thể loại hình nghệ thuật này trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con Khmer Nam bộ. Không những vậy, Dù Kê còn được giới thiệu ở đất nước Campuchia trước năm 1975 và được giới văn hóa nghệ thuật, người dân ở đất nước chùa Tháp tiếp nhận và ca ngợi là môn nghệ thuật hấp dẫn, sáng tạo của người Khmer Sóc Trăng-Nam bộ Việt Nam. Sau năm 1975, sân khấu Dù Kê từng được đi diễn ở nhiều Liên hoan, Hội diễn, Ngày hội các dân tộc trong cả nước, kể cả giới thiệu ra một số nước trên thế giới. NTSK Dù Kê đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Nghệ thuật Sân khấu Dù kê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL, ngày 25/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có NTSK Dù Kê). Đặc biệt, nghệ thuật SK Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ nằm trong danh sách 12 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ VH-TT&DL dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016.
Giới thiệu tóm tắt như vậy, để chúng ta cùng khẳng định, nghệ thuật sân khấu Dù Kê đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc Khmer Nam bộ và của Việt Nam, cần được bảo tồn phát huy, nâng cao vị thế hơn nữa trong hiện tại và tương lai. Trước hết là có thể đưa nghệ thuật sân khấu Dù Kê tại Sóc Trăng gắn với các hoạt động du lịch của tỉnh nhà.
Đoàn quay fim VTV chụp hình với diễn viên múa Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng
Theo nội dung nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng và Chương trình hành động 06 của UBND tỉnh thực hiên nghị quyết này, đã xác định tiềm năng và thế mạnh của du lịch Sóc Trăng, đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh tín ngưỡng, . . . giới thiệu đời sống văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer, dân tộc Hoa trong tỉnh đến với du khách. Ngoài thế mạnh về nội dung của các Lễ hội diễn ra hàng năm như Lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo, Lễ Sen Đônta, Tết Chol-chnam- thmay, Lễ Cùng Phước Biển, Lễ Cúng Dừa . . thu hút đông đảo du khách, thì nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu Rô băm, Dù Kê lại chưa được chú ý giới thiệu trong các tour du lịch khi du khách đến Sóc Trăng. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự hạn chế này như sự liên kết giữa Đoàn nghệ thuật Khmer với các đơn vị trong ngành và với cả các công ty lữ hành tỉnh bạn, chưa điều tra xã hội học về nhu cầu của du khách trong và ngoài nước đôi với loại hình nghệ thuật này, kinh phí đầu tư ban đầu để giới thiệu, thiếu sân khấu biểu diễn để phục vụ du khách, giá cả của 1 chương trình biểu diễn . . . chưa tương xứng với mức độ đầu tư của Đoàn nghệ thuật và chi phí của du khách, nhất là du khách đi theo đoàn chỉ 10 đến 15 người.
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo để giới thiệu nghệ thuật sân khấu Dù Kê đến với du khách. Để đưa vào thực hiện cần có sự phối kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhất là có sự tự thân vận động, linh hoạt của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh nhà để có thể đưa loại hình này vào hoạt động du lịch.
Trước hết, cần có sự bố trí chương trình kế hoạch chi tiết của 1 chương trình biểu diễn ca múa nhạc chung với trích đoạn sân khấu Dù Kê với thời lượng chung từ 45 phút đến 60 hoặc 75 phút, nhiều nhất không quá 90 phút. Cần tính tóan, sắp xếp các tiết mục biểu diễn thật hợp lý, sinh động từ đầu đến cuối chương trình. Mỗi khung chương trình tính toán giá cả hợp lý từ ban đầu là để bù vào chi phí đầu tư giới thiệu, chưa cần phải tính toán nhiều đến hiệu quả kinh doanh.
Tiếp theo cần có sự liên kết với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch để kết nối với các công ty lữ hành, tổ chức các đoàn Famtrip về Sóc Trăng để khám phá điểm đến và giới thiệu chương trình nêu trên của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh. Đại biểu các công ty lữ hành sẽ góp ý hoàn chỉnh để có thể đưa chương trình này vào tour du lịch, xem như là một sản phẩm mới độc đáo chỉ có ở Sóc Trăng. Dĩ nhiên, cần phải linh động, trong quá trình biểu diễn sẽ tạo điều kiện cho du khách tham gia ca, múa, hòa mình vào sân khấu nghệ thuật này, bố trí thời gian cho du khách chụp ảnh với diễn viên, nghệ sĩ của đoàn hay hướng dẫn một số điệu múa đơn giản hoặc có thể mặc trang phục cưới của dân tộc Khmer để chụp ảnh.. .. Tất cả có thể đưa một phần vào chi phí dịch vụ của tour . . .
Vấn đề không kém phần quan trọng là sân khấu biểu diễn. Địa điểm biểu diễn cần được bố trí phù hợp để nâng tầm giá trị của sân khấu Dù Kê. Địa điểm cần được bố trí thuận lợi cho du khách đến thưởng thức, kết nối thuận lợi với các điểm đến khác. Vấn để là sân khấu biểu diễn phải phù hợp với số lượng khán giả, để tránh sự trống vắng, hoặc quá chật chội tạo cảm giác không hài lòng cho du khách. Không gian sân khấu có thể kết nối với các điểm chùa Khmer có điểu kiện nêu trên để có thể giới thiệu thêm các các sản phảm quà lưu niệm, ẩm thực đặc sản của dân tộc Khmer đến với du khách.
Ngoài ra, đối với nội dung ca múa nhạc và trích đoạn sân khấu Dù Kê, cần thiết nên giới thiệu nội dung trước cho du khách hiểu và theo dõi chương trình. Những bài hát có thể có dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trích đoạn Dù Kê có thể giới thiệu tóm tắt tuồng tích và phần trích đoạn để khán giả thuận tiện theo dõi. Ngoài chi phí suất diễn nằm trong chi phí chung của tour, có thể chuẩn bị các nhánh hoa để du khách có thể tặng cho diễn viên. Điều không kém phần quan trọng là thái độ và phong cách giao tiếp trước trong và sau khi biểu diễn của diễn viên sẽ góp phần quan trọng cho buổi diễn và có thể để du khách đến lần sau nữa hay không. Vui vẽ, bặt thiệp, cởi mở, thân thiện vùa phải . .. sẽ là những yêu cầu hết sức cần thiết trong quá trình giao tiếp và biểu diễn.
Trích đoạn kịch bản "Tình bất phân ly", (ảnh: LP)
Để có thể đưa vào phục vụ hoạt động du lịch và cũng để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc Khmer, chúng ta cũng không thể cầu kỳ khi đòi hỏi sự khắt khe về sân khấu hay địa điểm, hoặc thời gian hay số lượng du khách, mà cần có thể linh động bố trí hoạt động để phục vụ du khách. Dĩ nhiên là cần bảo đảm cho sự cân bằng chi phí để hoạt động lâu dài và phát triển sau này.
Đưa nghệ thuật sân khấu Dù Kê vào chương trình chung để phục vụ du lịch không phải đơn giản, đòi hỏi có sự kiên trì và linh hoạt. Không thể hạ thấp giá trị của nghệ thuật mà cần có sự giới thiệu để du khách thấy rõ giá trị vô giá của nghệ thuật sân khấu Dù Kê Nam bộ. Cần có sự quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang web của tỉnh, gởi kế hoạch chương trình đến các công ty lữ hành gắn với các điểm đến và hoạt động du lịch khác trong tỉnh. Cần bố trí chương trình biểu diễn theo lịch thường xuyên hàng tháng và hàng tuần, như vào cuối tuần hay cuối tháng để các công ty lữ hành biết giới thiệu với du khách biết và đặt tour. Cũng có thể có chương trình, sô diễn theo sự đặt hàng của các công ty lữ hành và du khách. Địa điểm biểu diễn cũng có sự linh động nhưng cần bảo đảm không gian tối thiểu của 1 chương trình nghệ thuật. Nếu diễn được buổi tối kết hợp với các điểm đến khác sẽ góp phân giữ chân du khách lại với Sóc Trăng ban đêm. Và như vậy, chi tiêu của du khách cũng có điều kiện tăng lên. Đặc biệt là góp phần giới thiệu được sản phẩm du lịch mới, giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc Khmer của Tỉnh và Nam bộ đến với du khách.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là tuồng tích biểu diễn cần đa dạng phong phú hơn. Tuồng cũ phải có kèm với những sáng tác mới mang tính hiện đại gắn với truyền thống để có thể đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của người xem. Phải phát triển từ 163 làn điệu, bài ca của sân khấu Dù Kê đã có, thêm những làn điệu, bài ca mới và gia công đầu tư giới thiệu giá trị nhân văn, ý nghĩa đối với cuộc sống của từng loại tuồng là cần thiết để du khách hiểu được cốt lõi bên trong của vỡ diễn.
Tất cả chỉ là mới khởi đầu. Và còn nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng nếu có quyết tâm và nỗ lực cao, sự quan tâm của Trung ương và Tỉnh, kết nối với nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh, tin tưởng rằng, nghệ thuật sân khấu Dù Kê sẽ là sản phẩm du lịch mới độc đáo hấp dẫn du khách khi đến Sóc Trăng. Hy vọng, trong tương lai, Sóc Trăng sẽ có Nhà hát nghệ thuật sân khấu Dù Kê, như tỉnh Bắc Ninh vừa thành lập Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh vậy/.
TS.Trịnh Công Lý