Huyện Châu Thành là một trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh Sóc Trăng, có vị trí quan trọng nhiều mặt, có quôc lộ IA đi qua và nhiều lộ giao thông liên tỉnh, liên huyện rất thuận tiện đi lại. Huyện còn là cửa ngỏ để vào trung tâm TP. Sóc Trăng.
Huyện có 8 đơn vị hành chính, khoảng 110.000 dân, gồm cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng ngụ cư từ lâu đời, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh tín ngưỡng, văn hóa lễ hội và làng nghề, du lịch cộng đồng, buôn bán các đặc sản cho du khách,... Nhiều lễ hội của 3 dân tộc diễn ra trong năm trên địa bàn huyện, nổi bật là các lễ hội Ooc Om Boc – Đua ghe Ngo, lễ Đôn ta, lễ ThakCôn,...
Một số xã trong huyện có tiềm năng và lợi thế để phát triển các mô hình du lịch nêu trên như Phú Tân, Phú Tâm, Thuận Hòa, An Trạch, An Ninh,... Lượng du khách đến khu vực huyện Châu Thành để tham quan, mua sắm ngày càng tăng, nhất là các điểm dừng chân đón khách du lịch của các lò bánh pía thuộc xã An Hiệp, Phú Tâm, Phú Tân. Hệ thống các chùa của 3 dân tộc có nhiều nét độc đáo, nổi bật như chùa Bốn Mặt, chùa Chăm Pa,...
Từ khi được thành lập vào năm 2008 đến nay, nhu cầu của du khách đến huyện Châu Thành ngày càng tăng, nhưng các điểm đến vẫn chưa phong phú, hấp dẫn. Vì vậy, cần thực hiện quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện và du lịch của xã An Hiệp, Phú Tâm, Phú Tân . . . khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch của huyện. Trên cơ sở quy hoạch và mở rộng hoạt động du lịch, dịch vụ sẽ góp phần tích cực trong giải quyết lao động, việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, cho doanh nghiệp và cho ngân sách của xã, huyện. từ đó, góp phần tăng tỷ lệ GDP từ khu vực 3, thay đổi cơ cấu các khu vực theo hướng phát triển bền vững.
Tượng phật bốn mặt tại chùa Bốn Mặt (Châu Thành - Sóc Trăng)
Điều thuận lợi là huyện đã có nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2010-2015, Quyết định số 71 ngày 29/02/2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng, phê duyệt danh sách nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch và phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020, Quyết định số 201/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng, ngày 29 tháng 9 năm 2014 Ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các ngành liên quan trong huyện đã có nhiều quan tâm đối với việc chỉ đạo, xúc tiến việc soạn thảo dự án quy hoạch phát triển du lịch của huyện Châu Thành và du lịch văn hóa dân tộc làng nghề Phú Tân, để sớm đưa du lịch của huyện và du lịch văn hóa làng nghề dân tộc trở thành một trong những loại hình du lịch mới, đóng góp cho sự phát triển chung của huyện về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Từ đặc điểm về vị trí địa lý, ngành nghề và tiềm năng thế mạnh của địa phương, có thể phân vùng du lịch của huyện với các lĩnh vực cụ thể như sau:
Điểm dừng chân, ăn, uống, mua sắm quà đặc sản: thuộc tuyến quốc lộ I đi qua thị trấn Châu Thành và các xã An Hiệp, Thuận Hòa. Điểm thuận lợi là trên tuyến quốc lộ IA qua xã An Hiệp đã có 03 lò bánh pía đạt chuẩn điểm dừng chân đón khách du lịch là Tân Huê Viên, Công Lập Thành và Tân Hưng.
Vùng du lịch văn hóa tâm linh tín ngưỡng, làng nghề: gồm các xã An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm, An Ninh, Có thể hướng dẫn du khách tham quan các chùa Khmer, Kinh, Hoa. Trọng tâm là chùa Bốn Mặt, Phnoroca, Chăm Pa, chùa Bà Thiên Hậu, tịnh xá Ngọc Hòa, chùa Ông Bổn, Tây Trúc cổ tự,... gắn với các truyền thuyết, lễ hội, nhất là lễ hội của dân tộc Khmer, lễ Thakcôn,... tổ chức cho du khách dự khán các lễ hội, các chương trình biểu diễn văn nghệ của đội văn nghệ xã, ấp, nhà chùa.
Xưởng sản xuất bánh pía (ảnh Lý Phương)
Riêng đối với điểm du lịch của xã Phú Tân, có thể liên kết để phát triển làng nghề như: bánh pía, lạp xưởng, đan đát, cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng,... Đặc biệt là lựa chọn, thí điểm mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay: tổ chức khách du lịch nghỉ trong nhà dân, cùng tham gia sinh hoạt với cộng đồng dân cư, học ca hát, làm bánh trái, lao động sản xuất,...
Dự án được thông qua sẽ làm sáng tỏ hướng đi và phát triển du lịch của huyện, nhất là đối với quy hoạch phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc làng nghề; nêu bật nhiệm vụ và mối liên hệ trách nhiệm của từng ngành huyện và xã, của cộng đồng dân cư trong đóng góp phát triển du lịch của huyện nói chung và du lịch văn hóa dân tộc làng nghề nói riêng tại xã Phú Tân. Điểm đang 1lưu ý là để tạo được các điểm đến du lịch, tour du lịch hấp dẫn đến Châu Thành và xã Phú Tân cần gắn với nhiệm vụ quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các khu du lịch mới đầu tiên của địa phương.
Từ quy hoạch du lịch của huyện được tỉnh phê duyệt, sẽ có nhiều dự án nhỏ được triển khai theo từng bước đi phù hợp như dự án xây dựng du lịch văn hóa làng nghề dân tộc, dự án tập huấn cho hộ dân tham gia các dịch vụ du lịch và du lịch cộng đồng, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm, tuyến du lịch, dự án tu sửa, nâng chất các di tích lịch sử, văn hóa trong huyện,...
Để có thể biến tiềm năng thành hiện thực, Châu Thành cần nhiều giải pháp đồng bộ như dự thảo, trình và phê duyệt quy hoạch; có phương án giải tỏa, đền bù, xây dựng hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại; giải pháp về tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận của cộng đồng, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện. Ngoài ra, còn có giải pháp về vốn và huy động vốn, đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch, tôn tạo các di tích, điểm tham quan du lịch, biên soạn lịch sử các điểm tham quan và làng nghề trong huyện, làm cơ sở để thuyết minh giới thiệu với du khách,...
Dự án sẽ chính thức hoạt động sau khi hoàn chỉnh các điểm đến và mời các đoàn Famtrip gồm đại diện các công ty lữ hành, nhà báo, doanh nghiệp cùng tham gia trải nghiệm và đóng góp ý kiến cho chương trình tour, từng điểm đến trong huyện và các xã.
Hy vọng huyện Châu Thành sẽ khởi đầu năm mới 2015 với quyết tâm triển khai tốt quy hoạch phát triển du lịch của địa phương, tạo nên sức bật mới, đưa ngành công nghiệp không khói vào hoạt động hiệu quả./.
Công Lý