Giá: Miễn phí
Số điện thoại: 02993624694
Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút
Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH
Email: xtdulichsoctrang@gmail.com
Địa chỉ: Số 63/8, Kinh Xáng, xóm Cầu Đen, Phường 8, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng
Khi đã “an cư, lạc nghiệp” và xem nơi ở mới như quê hương của mình, cộng đồng người Hoa xây dựng các thiết chế văn hóa, tôn giáo tại vùng đất cư trú mới vừa làm nơi sinh hoạt ban hội, góp phần cố kết cộng đồng, vừa là địa điểm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Không nằm ngoài quy luật trên, cộng đồng người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng nói chung và TP. Sóc Trăng nói riêng đã xây dựng khá nhiều đình, chùa tại quê hương này. Ở Sóc Trăng, nếu để giới thiệu về một thiết chế mang tính ban hội, chúng tôi xin kể đến Hòa An hội quán (chùa Ông Bổn); còn về thiết chế mang tính tôn giáo (mà ở đây là Phật giáo) thì Phước Nghiêm tự hay Minh Nguyệt cư sĩ lâm sẽ thích hợp hơn... Nhưng nếu phải nói đến một địa điểm thấm đượm màu sắc văn hóa dân gian, biểu đạt cách thức rõ ràng tâm thức, quan niệm về thế giới hữu hình cũng như vô hình của người Hoa thì có lẽ không đâu thích hợp hơn chùa La Hán.
Chánh điện chùa La Hán
Những người lớn tuổi ở gần chùa kể lại, chùa La Hán được xây dựng lần đầu vào năm 1952 với kiến trúc gỗ, lá đơn giản. Đến năm 1956, người dân địa phương quyên góp để xây dựng lại với kiến trúc gạch ngói kiên cố. Trải qua nhiều lần trùng tu, bổ sung thêm các hạng mục nên chùa La Hán có diện mạo khang trang và độc đáo như hiện nay. Là một người Hoa sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng, lúc nhỏ, không biết bao lần tôi cùng gia đình đến viếng chùa, chứng kiến những đổi thay theo năm tháng của khuôn viên nơi đây. Và cũng như rất nhiều người Hoa ở Sóc Trăng, cậu bé khi đó cũng không mảy may suy nghĩ về hệ thống tượng thờ hay chính xác hơn là những nhân vật được thờ tự nơi đây thuộc tôn giáo hay nền văn hóa nào. Vâng, những tư tưởng về “tam giáo đồng nguyên” (3 tôn giáo Nho - Phật - Đạo cùng một gốc), “vạn pháp quy tông” (muôn đạo pháp chung quy về một mối) thấm sâu vào bản sắc văn hóa Hoa đến độ người ta dễ xem đó là điều hết sức bình thường. Trong cuộc “hành trình” lần này, chúng tôi hy vọng phần nào bóc tách các tầng, lớp ẩn sâu trong văn hóa cũng như tâm hồn Hoa và phần nào lý giải hiện tượng văn hóa độc đáo này.
Đại hùng Bửu điện với tượng thờ Phật Thích Ca và bộ tượng 18 vị La Hán
Chùa La Hán tọa lạc tại xóm Cầu Đen, để đến được chùa, có thể vào bằng con hẻm cạnh bờ kè kênh Maspéro hoặc một vài ngõ, hẻm khác. Có lẽ vì nằm ở vị trí hơi khuất mà chùa La Hán cũng ít được biết đến mặc dù có cảnh quan khá kỳ vĩ. Ngay đầu hẻm dẫn vào khu đất của chùa là một cổng chào bằng xi măng được dựng vào năm Đinh Mão (1987), bảng hoành đề 3 chữ Hán khá lớn: “La Hán đàn”. Đàn là chỗ đất bằng phẳng đắp cao để cúng tế. Bước qua cổng chào này, đi chừng khoảng vài mươi thước sẽ đến được chùa La Hán. Con đường và cổng chào chỉ dẫn vào chùa có kích thước khiêm tốn bao nhiêu thì bên trong lại hoành tráng bấy nhiêu. Khối kiến trúc chùa là một tòa nhà hai tầng với mái “trùng thiềm điệp ốc” vươn lên cao. Tuy được xây dựng bằng gạch theo kiến trúc khá hiện đại nhưng với mái ngói lưu ly màu xanh ngọc, đầu hồi trang trí quỳ long (hình rồng cách điệu thành hoa lá), các họa tiết trang trí vòm, khung cửa sổ, cửa thông gió... kiểu truyền thống được kết hợp hài hòa, chùa La Hán vẫn đượm màu sắc dân gian Trung Hoa. Mặt tiền chùa treo 3 bảng hoành. Bảng trên cùng đề “Tung quán tứ phương” tức là vươn lên theo chiều dọc để quan sát bốn phương. Cần lưu ý rằng kiến trúc tự viện của Trung Hoa trước đây thường chỉ có một tầng nên với trường hợp của chùa La Hán (có 2 tầng), bảng hoành này thật sự hợp tình hợp cảnh. Bảng thứ 2 ở tầng trên đề “Vĩnh Thiền tự” tức là chùa Vĩnh Thiền. “Thiền” ở đây tức là “thiền na” (dhyāna) - phép tu chuyên chú tâm vào việc lặng lẽ suy niệm nhằm hướng con người đến sự liễu ngộ chân lý. Bảng ở tầng trệt lại đề “La Hán đàn” tức là nơi cao của các vị La Hán. Trong tiếng Hoa, “tự” thường được dùng để chỉ cơ sở thờ phượng của Phật giáo, trong khi “đàn” lại thường được dùng ở Đạo giáo. Như vậy, ngay từ tên gọi cũng có thể phần nào hình dung được rằng đây là cơ sở thờ tự hỗn dung của ít nhất 2 tôn giáo là Phật giáo và Đạo giáo. Nếu dịch sát tên tiếng Hoa, chùa La Hán phải được gọi là chùa Vĩnh Thiền hoặc đàn La Hán. Nhưng có lẽ do người Tây Nam bộ vẫn có thói quen gọi tất cả cơ sở thờ tự như đình, miếu, chùa,... là chùa và vì cơ sở thờ tự này nổi bật nhất bởi bộ tượng thờ 18 vị La Hán nên lâu dần tên gọi “Vĩnh Thiền tự” cũng chẳng còn được mấy người biết đến mà chỉ còn tên gọi dân dã là “chùa La Hán”.
Rồng được ghép bằng những mảnh đá tinh xảo
Gian thờ tự chính của chùa là gian trước của tầng trên. Ở vị trí trang trọng nhất là “Đại Hùng bửu điện” thờ Phật Thích Ca và 18 vị La Hán đứng chầu 2 bên. La Hán là nói tắt của từ A La Hán (arahant) là quả vị cuối cùng trong “tứ thánh quả” (4 cấp độ đạt đạo theo Phật giáo). Người được gọi là La Hán diệt hết bọn “giặc” phiền não, ô nhiễm; là người đáng được cúng dường; đã đạt Niết bàn (nirvāṇa - cảnh giới cuối cùng của Phật giáo), đoạn diệt sinh tử. Hình tượng 18 vị La Hán xuất hiện đầu tiên trong kinh Pháp Trụ Ký - quyển kinh thư do vị Đại A La Hán Nan-đề-mật-đa-la thuyết tại Tích Lan (Sri Lanka). Tuy nhiên, theo bộ kinh này chỉ có 16 vị La Hán. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, do một số nhầm lẫn mà từ 16 vị đã nâng lên thành 18 vị cho đến ngày nay. Tướng mạo những vị này kỳ lạ khác thường, chẳng ai giống ai: có vị bụng to; có vị gầy như que củi; có vị lông mày dài; có vị mặt đầy vết nhăn; có vị tai to, mũi nhọn; có vị môi dày, răng ít; có vị phong thái đoan trang; có vị ngây ngây, dại dại; có vị cưỡi voi, nai, hổ, rồng,… hình dáng các ngài đều mang đậm sắc thái Ấn Độ, không giống người Trung Quốc. Những bậc La Hán dần dần đi vào tín ngưỡng dân gian do người dân thấy hiếu kỳ và yêu thích hình tướng kỳ lạ khác thường của các ngài. Từ đó phong tục thờ cúng 18 vị La Hán được truyền bá rộng khắp các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Hán học hoặc có cộng đồng người Hoa nhập cư. Đại Hùng bửu điện là gian thờ chính và quan trọng nhất của một ngôi chùa Phật giáo Bắc tông nhưng ở chùa La Hán, ngoài Phật Thích Ca và các vị La Hán, chúng tôi còn nhìn thấy tượng thờ Huê Quang Đại đế (một vị thần tiên của Đạo giáo) với kích thước nhỏ được đặt ngay trước tượng Phật Thích Ca. Phối thờ ở gian phía trước còn có các vị: Lý Đạo Minh Thiên tôn (tức Lý Thiết Quải - một vị trong bát tiên sống dưới thời Hán) và Tống Thiền Tổ sư (một vị đại danh tăng người gốc Triều Châu sống cuối thời Minh đầu thời Thanh). Theo truyền thuyết, Tống Thiền Tổ sư tu theo Phật giáo nhưng lại mộng được Lý Đạo Minh (vị tiên Đạo giáo) điểm hóa, qua đó tham thiền mà đắc đạo. Có lẽ vì có quan hệ “thầy - trò” như vậy mà Lý Đạo Minh và Tống Thiền Tổ sư lại được phối thờ ở hai bên Đại Hùng bửu điện. Khánh thờ Tống Thiền Tổ sư treo bức hoành đề “Vĩnh thiền vạn cổ” (tham thiền mãi muôn đời), phải chăng tên Vĩnh Thiền tự cũng có nguồn gốc từ đây? Cần lưu ý rằng cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng tuyệt đại đa số là người Triều Châu nên việc tôn xưng một vị danh tăng “đồng hương” của mình cũng là một điều dễ hiểu. Hai bên chánh điện còn thờ các vị: Trực Nhật Công Tào (một vị trong bốn vị thần tiên quản về thời gian theo thần thoại Trung Hoa, gồm: Trực Niên, Trực Nguyệt, Trực Nhật, Trực Thời), Địa Tạng Vương Bồ tát, Đạt Ma Tổ sư (theo truyền thuyết đây vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Quốc) và Quan Công (Quan Vũ). Quan Công là vị danh tướng sống dưới thời Tam Quốc, vẫn thường được dân gian Trung Quốc và nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á tôn thờ với nhiều danh hiệu: Quan Thánh Đế quân, Hiệp Thiên Đại đế, Cảm Thiên Đại đế,… Tuy nhiên, ở chùa La Hán, ông lại được thờ với danh hiệu Già Lam Bồ tát. Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa, sau khi chết, Quan Vũ hiển thánh ở Ngọc Tuyền Sơn đòi trả đầu, nhờ vị sư ở đó giác ngộ quy y cửa Phật, trở thành một vị hộ pháp của Phật giáo.
Công trình mô phỏng Vạn Lý Trường Thành
Ở gian trước có sự hỗn dung tôn giáo Phật - Đạo nhưng Phật giáo được thờ tự chính thì ở ngay gian phía sau, Thái Thượng Lão quân (vị thần tiên tối cao của Đạo giáo) lại được thờ tự chính. Ngay trên gian thờ Thái Thượng Lão quân treo bức hoành đề: “Thái hình định ngũ nhạc” (hình thể sơ khai định ra ngũ nhạc). Ngũ nhạc tức là năm ngọn núi thánh của Đạo giáo Trung Hoa, gồm: Bắc nhạc Hằng sơn, Nam nhạc Hành sơn, Đông nhạc Thái sơn, Tây nhạc Hoa sơn, Trung nhạc Tung sơn. Phối thờ ở gian này lại là hai vị thuộc Phật giáo: Đại Phong Tổ sư (danh tăng huyện Triều Dương (thuộc phủ Triều Châu xưa) sống dưới thời Bắc Tống) và Tế Công (tức Tế Điên Hòa thượng, sống dưới thời Nam Tống). Phật giáo tin vào thuyết luân hồi nên họ cho rằng Tế Công chính là hóa thân của Giáng Long La Hán (một vị trong thập bát La Hán) đầu thai. Cuộc sống của vị thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt chó nên người đời gọi ông là Tế Ðiên. Tầng dưới thờ Thiên Hậu Thánh mẫu - một vị nhân thần được thờ cúng nhiều ở các cộng đồng người Hoa hải ngoại. Ở tầng này còn có hai gian hai bên thờ “Tứ phương nam nữ cô hồn” (tức các hồn ma nam nữ khắp 4 phương) và “Tư tiên đường” thờ phượng bài vị những người đã khuất. Như vậy, qua một vòng tham quan những gian thờ tự của chùa La Hán, chúng ta có thể khẳng định đây là một cơ sở tôn giáo hỗn dung của cả Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu chú ý, chúng ta có thể dễ dàng thấy được tất cả danh hiệu của các vị thần, tiên, thánh của các tôn giáo, tín ngưỡng đều được viết sau cụm từ “Nam mô”. Nam mô (namo) là một từ tiếng Phạn dùng để tán thán, thể hiện sự cung kính và thường được dịch ý là đảnh lễ, kính lễ trong Phật giáo. Điều đó phần nào giúp chúng ta có thể khẳng định yếu tố Phật giáo vẫn có phần nổi trội hơn hẳn ở cơ sở thờ tự hỗn dung này.
Không chỉ hấp dẫn bởi hệ thống thờ tự, khuôn viên chùa La Hán cũng không kém phần độc đáo. Trong khuôn viên chùa, phía bên trái là một con phượng hoàng được tạo hình bằng cách ghép những tảng đá to. Đuôi phượng hoàng xòe ra tạo thành một hốc đá thờ Bồ tát Quán Thế Âm. Bên trên khắc 3 chữ “Phổ Đà sơn” tức là một trong bốn ngọn núi linh thiêng của Phật giáo Trung Hoa, gồm: Ngũ Đài sơn là nơi cư ngụ của Bồ tát Văn Thù, Nga Mi sơn của Bồ tát Phổ Hiền, Cửu Hoa sơn của Bồ tát Địa Tạng và Phổ Đà sơn của Bồ tát Quán Thế Âm. Bên phải là một con rồng khổng lồ được tạo hình bằng ximăng cốt thép nhưng được trang trí bằng phương pháp cẩn đá miểng rất độc đáo và tinh xảo. Sát bên là Bát Tiên đình, đây là một nhà hóng mát có tám cạnh trông như những “thập lý đình” mà người Trung Hoa xưa dựng nên để khách bộ hành ghé đến nghỉ chân. Đằng xa là kiến trúc mô phỏng Vạn Lý Trường Thành càng tô điểm cho khuôn viên thêm phần xinh đẹp và hoành tráng. Còn gì tuyệt vời hơn những buổi trưa hè sau khi thăm viếng cảnh chùa được ngồi trong Bát Tiên đình nhìn ngắm những cơn gió lướt nhẹ trên mặt hồ trồng đầy hoa sen trước Vạn Lý Trường Thành và lắng nghe tiếng rì rào của chúng như thầm thì bên những cây Xanh được trồng tại đây?...
Đến chùa La Hán vào các dịp rằm, mồng một và các ngày lễ, tiết của người Hoa, khách tham quan sẽ có dịp được chứng kiến các nghi lễ Phật giáo tại đây. Chùa La Hán không có tăng ni xuất gia nên những nghi lễ Phật giáo đều được cử hành bởi các cư sĩ tại gia. Các bài kinh kệ đều được tụng đọc bằng tiếng Triều Châu với những giai điệu rất riêng cùng sự hòa tấu của dàn pháp khí Phật giáo đặc trưng của người Hoa. Chắc hẳn đó sẽ là những khám phá và trải nghiệm văn hóa thú vị đối với những du khách phương xa. Chuyến hành trình của chúng tôi đến đây có lẽ cũng có thể tạm khép lại. Với hệ thống thờ tự độc đáo của mình, chùa La Hán đã phản ánh cách hữu hình tâm thức cũng như quan niệm của người Hoa về thế giới tâm linh. Nơi đó, khoảng cách giữa các tôn giáo đã trở nên mờ nhạt. Những nhân vật thờ tự dù thuộc tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng đều có một vị trí tương hợp trong cơ sở thờ tự đó hay nói cách khác là trong tâm hồn người Hoa Hạ. Và tất cả đều trở thành những vị phúc thần gia ân, giáng phúc cho cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa tại vùng đất Sóc Trăng này./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Phan An, 2005, Người Hoa ở Nam bộ - NXB Khoa học Xã hội.
[2]. Thiều Chửu, 2009, Hán Việt tự điển - NXB Văn hóa Thông tin.
[3]. Phùng Hữu Lan (Lê Anh Minh dịch), 2006, Lịch sử triết học Trung Quốc (tập 1 và 2) - NXB Khoa học Xã hội.
[4]. Phùng Hữu Lan (Lê Anh Minh dịch), 2010, Lược sử triết học Trung Quốc - NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
[5]. Trương Thuận Lợi, 2013, Tang ma của người Hoa Triều Châu ở Sóc Trăng dưới góc nhìn văn hóa - Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
[6]. Hoàng Tâm Xuyên, 2003, Mười tôn giáo lớn trên thế giới - NXB Chính trị Quốc gia.
[7]. Hội Tương tế người Hoa thị xã Sóc Trăng, 2006, Kỷ yếu Hội Tương tế Người Hoa Thị xã Sóc Trăng 2006 - Sở Văn hóa Thông tin Tỉnh Sóc Trăng.
Anh Thụy
Khoảng cách: 520 m
Khoảng cách: 800 m
Khoảng cách: 950 m
Khoảng cách: 960 m
Khoảng cách: 1,07 km
Khoảng cách: 1,29 km
Khoảng cách: 1,46 km
Khoảng cách: 1,67 km
Khoảng cách: 1,70 km
Khoảng cách: 1,84 km
Khoảng cách: 1,87 km
Khoảng cách: 1,99 km
Khoảng cách: 2,02 km
Khoảng cách: 2,04 km
Khoảng cách: 490 m
Khoảng cách: 730 m
Khoảng cách: 780 m
Khoảng cách: 970 m
Khoảng cách: 990 m
Khoảng cách: 1,03 km
Khoảng cách: 1,03 km
Khoảng cách: 1,09 km
Khoảng cách: 1,12 km
Khoảng cách: 1,12 km
Khoảng cách: 1,20 km
Khoảng cách: 1,45 km
Khoảng cách: 1,49 km
Khoảng cách: 1,51 km
Khoảng cách: 0 m
Khoảng cách: 530 m
Khoảng cách: 590 m
Khoảng cách: 740 m
Khoảng cách: 850 m
Khoảng cách: 1,43 km
Khoảng cách: 1,43 km
Khoảng cách: 1,50 km
Khoảng cách: 1,96 km
Khoảng cách: 2,30 km
Khoảng cách: 3,68 km
Khoảng cách: 4,78 km
Khoảng cách: 5,17 km
Khoảng cách: 5,43 km
Khoảng cách: 1,15 km
Khoảng cách: 1,71 km
Khoảng cách: 1,83 km
Khoảng cách: 1,90 km
Khoảng cách: 1,95 km
Khoảng cách: 2,57 km