Giá: Miễn phí
Số điện thoại:
Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút
Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH
Email: xtdulichsoctrang@gmail.com
Địa chỉ: Xã An Thạnh Nam, Huyện Cù Lao Dung, Tỉnh Sóc Trăng
Cù Lao Dung, như tên gọi của nó, là một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu. Chính mảnh đất này đã tạo nên ba nhánh của sông Hậu trước kia đổ ra biển qua ba cửa: Định An, Bassac, Trần Đề. Nhưng hiện nay, cửa Bassac ở giữa đã bị mất do phù sa bồi đắp và dòng chảy đã bị điều chỉnh sang cửa Trần Đề.
Nhắc đến Cù Lao Dung, người ta luôn nghĩ đến vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, đến dãy đất cù lao xanh thẩm mượt mà, với những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía bạt ngàn, những vuông tôm thẳng tắp, những rặng rừng bần xanh ngan ngát...Tất cả những hình ảnh đó đã phác họa nên một bức tranh tổng thể tuyệt vời về vùng đất thanh bình, yên ả, nên thơ; đồng thời cũng rất giàu tiềm năng, tài nguyên về du lịch với nét văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn, mang nét đặc trưng về văn hóa đặc sắc của vùng đất Phương Nam..Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp cho Cù Lao Dung có đủ điều kiện để phát triển du lịch một cách bền vững.
Về địa lý, Cù Lao Dung có vị trí thuận lợi để giao thương với các vùng lân cận và các tỉnh trong khu vực. Cù Lao Dung chỉ cách thành phố Cần Thơ khoảng 47km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, cách tỉnh Trà Vinh một con sông, mất khoảng 10 đến 15 phút đi phà; cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 20km theo đường quốc lộ 60; phía Nam Cù Lao Dung giáp với biển Đông và là nơi tiếp giáp với hai vùng kinh tế biển quan trọng: Khu kinh tế biển Định An của Trà Vinh và Khu kinh tế biển Trần Đề của Sóc Trăng, nơi có dự án Tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, một dự án rất hấp dẫn và có tính khả thi cao, vì từ Trần Đề đi Côn Đảo chỉ bằng một phần hai đoạn đường và chỉ mất một nửa thời gian so với Vũng Tàu đi Côn Đảo.
Trái cây ở An Thạnh Nhứt
Về khí hậu và môi trường, Cù Lao Dung là một hòn đảo xanh với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình ở Cù Lao Dung luôn thấp hơn các vùng lân cận một vài độ C. Có lẽ vì thế mà nhiều người từng đến Cù Lao Dung đều có chung nhận định: khi qua đến Cù Lao Dung thấy mát hơn nhiều so với bên đất liền. Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên ở Cù Lao Dung thật tuyệt vời: không khí luôn trong lành với những cơn gió mát mang hơi nước từ sông Hậu đưa vào, toàn dãy cù lao phủ một màu xanh biếc với các loại cây xanh tỏa ra không gian lượng oxy rất lớn, nguồn nước sạch và dồi dào, không khí không bị ảnh hưởng bởi những khói, bụi của các nhà máy, không gian không bị ảnh hưởng bởi âm thanh và tiếng ồn. Đây thật sự là một vùng quê yên lành, thơ mộng rất phù hợp với những người thích du lịch khám phá và nghỉ dưỡng.
Về cảnh quan thiên nhiên, Cù Lao Dung được bao bọc bởi bốn bề sông nước, địa hình bằng phẳng, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú, hấp dẫn. Ở đầu dãy cù lao, du khách sẽ bị ngỡ ngàng, lôi cuốn bởi những vườn cây ăn trái oằn sai nằm ở xã An Thạnh Nhứt và An Thạnh Tây. Cây trái nơi đây có rất nhiều chủng loại với hương vị đặc trưng, ngọt ngào, nồng đượm khó quên như: xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô (hồng xiêm), măng cụt, dâu, mận, ổi, dừa, chuối....Trong đó, có một loại trái cây đặc sản mà khi đến đây, du khách rất thích thú và thường mua về làm quà, đó là Xoài Đài Loan -An Thạnh Nhứt. Đây là giống xoài mới được trồng khoảng chục năm trở lại đây. Hình như loại xoài này thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên cho trái rất to, khoảng từ 1 đến 2kg, võ có màu tím, vàng, xanh rất đẹp và hương vị rất thơm ngon.
Xuôi về phía cuối dãy cù lao, du khách sẽ thích thú khi ngắm nhìn những cánh đồng mía thênh thang xen lẫn hàng dừa cao xanh mướt, những hàng mía cao to, thẳng tắp, những rẫy hoa màu xanh tươi tạo nên những nét chấm phá độc đáo cho bức tranh làng quê của vùng Cù Lao Dung.
Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung là xã An Thạnh Nam, nơi đây có khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500 ha. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã như khỉ, rái cá, kỳ tôm, rắn, tôm, cua, cá, vọp, ba khía....Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng, làm tổ đầy trong rừng, có những tổ ong rừng rất to, có thể vắt lấy được hàng chục lít mật ong. Một điều rất thú vị là hiện tượng “ba khía hội” vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Đây là một hiện tượng tự nhiên, vào đêm “ba khía hội” có rất nhiều con ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân của những cây bần, thường ở một đoạn ven sông. Những người dân chỉ lấy tay hốt ba khía bỏ vào bao và đem về chứ không phải bắt từ con như bình thường. Cũng chính từ đây, người dân đã tạo ra rất nhiều món ăn hấp dẫn từ cây bần như: canh chua cá bống sao, cá ngát, cá bông lau, cá tra bần nấu với trái bần chín; gỏi (nộm) bông bần; trái bần sống ăn với mắm sống....
Những năm gần đây, ở Cù Lao Dung đã hình thành cơ sở sản xuất nước cốt bần, sản phẩm này đang được nhiều người ưa thích và tiêu thụ tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, ở đây còn có một bãi nghêu giống tự nhiên, rộng hàng trăm hec-ta, đang được khai thác hàng năm theo hình thức thủ công. Nơi đây sẽ là điểm đến du lịch tuyệt vời cho những du khách yêu thiên nhiên, thích du lịch sinh thái, thích khám phá, nghiên cứu và trãi nghiệm. Vì thế, vào tháng 5/2012, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định số 69/QĐ-UBND, ban hành Danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có Dự án Khu du lịch sinh thái rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung, có tổng diện tích là 200 hec-ta.
Bên cạnh những tiềm năng về tài nguyên tự nhiên, Cù Lao Dung cũng có nhiều thế mạnh về tài nguyên văn hóa. Người dân Cù Lao Dung rất kiên cường trong đấu tranh giữ nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, hiền hòa, chất phát, thật thà trong cuộc sống và đặc biệt là rất hiếu khách. Đến nhà nào, bạn cũng sẽ được mời những đặc sản có trong vườn nhà như một trái dừa mát ngọt, một rổ cam hay một chùm nhãn…Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa khẩn hoang, be bờ, mở đất, chuyện đánh Tây bằng tầm vông, mã tấu, chuyện đánh Mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây thép bắt “bo bo”…
Thêm vào đó, Cù Lao Dung còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, là những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, rất thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn cội, về một thuở hào hùng của ông cha ta trong đấu tranh giữ nước và dựng nước. Điển hình là Đền thờ Bác Hồ, tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông. Đây là một trong tám di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận vào ngày 28/12/2001. Đền thờ Bác được xây dựng vào năm 1970, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, dến năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định đầu tư tôn tạo Đền thờ Bác với kinh phí trên 30 tỷ đồng, với các hạng mục như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ, cây xanh....trên diện tích rộng 2,2 hec-ta và đã tổ chức lễ khách thành vào ngày 02/6/2013. Nơi đây đã trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cho nhân dân trong tỉnh và là điẻm đến du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến đây.
Kế đến là Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già ở thị trấn Cù Lao Dung, di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi đã diễn ra chiến công oanh liệt của quân và dân Cù Lao Dung nói riêng, Long Phú nói chung trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã được cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương thể hiện trong bài ca “Du kích Long Phú”:
... Ai về Cù Lao Dung
Nhớ ghé viếng Rạch Già
Nhớ về An Thạnh Nhứt
Hỏi Tây chết mấy thằng...
Tuy rất giàu tiềm năng về du lịch, nhưng Cù Lao Dung còn là huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngân sách còn nhiều khó khăn, các yếu tố hạ tầng còn nhiều hạn chế, hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển nhiều, từ con đường chính là tỉnh lộ 933b đến các con đường khác đều hẹp, mặt đường xấu, chỉ phù hợp với loại xe 2 bánh và ô tô 16 chỗ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển của khách du lịch. Tại khu vực Dự án khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cù Lao Dung, nằm ở xã An Thạnh Nam chưa có bến phà, chưa có đường giao thông dẫn vào khu vực dự án, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư. Huyện cũng chưa có đề án quy hoạch về phát triển du lịch, nhất là khu vực vườn cây ăn trái ở xã An Thạnh Nhứt, An Thạnh Tây và một số điểm có thể phát triển du lịch…
Một góc Đền thờ Bác
Đế đánh thức tiềm năng du lịch dồi dào ở Cù Lao Dung, thiết nghĩ huyện cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác khảo sát, quy hoạch, xây dựng đế án phát triển du lịch của huyện, nhất là các dự án phát triển các điểm đến du lịch; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Kế đến, cần quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ và người dân địa phương, từng bước hình thành đội ngũ nhân sự làm công tác du lịch có tính chuyên nghiệp cao. Tiếp theo, cần sớm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Cù Lao Dung, tránh trùng lắp với các địa phương khác song song với việc phát huy đúng mức các truyền thống tốt đẹp, các nét văn hóa độc đáo, các món ăn ngon, các đặc sản, quà lưu niệm.. của địa phương. Đồng thời, huyện cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hợp lý nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư váo các dự án du lịch, nhất là việc động viên, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những những nét hấp dẫn, độc đáo về vùng đất và con người Cù Lao Dung; đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác với các công ty lữ hành, xây dựng các tuyến, tour du lịch hấp dẫn để tổ chức đưa du khách đến với Cù Lao Dung.
Ngoài việc nổ lực, phấn đấu của địa phương, Cù Lao Dung cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư kinh phí của cấp trên, của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, thiết nghĩ trong tương lai không xa, Cù Lao Dung sẽ trở thành “hòn ngọc xanh”, sẽ là điểm đến du lịch thân thiện, hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch Cù Lao Dung sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách huyện, thúc đẩy tích cực sự phát triển kinh tế - xã hội ở Cù Lao Dung./.
Quốc Quân
Khoảng cách: 10,99 km
Khoảng cách: 11,78 km
Khoảng cách: 18,34 km
Khoảng cách: 2,84 km
Khoảng cách: 0 m
Khoảng cách: 1,14 km
Khoảng cách: 8,88 km
Khoảng cách: 10,64 km
Khoảng cách: 16,71 km
Khoảng cách: 19,63 km