Tết Nguyên Đán hay gọi là Tết âm lịch, mở đầu cho mùa Xuân và năm mới với rất nhiều niềm tin, hy vọng về những thay đổi tốt lành trong cuộc sống của mỗi con người. Những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống được thể hiện trong ngày Tết của dân tộc Việt Nam mang nhiều ý nghĩa vô cùng cao quý.
Chùa Phật Học - TP. Sóc Trăng
Tết đến là dịp để mọi người nghỉ ngơi và sum họp với người thân, bạn bè. Vào mấy ngày đầu Xuân mọi người đều tập trung đến thăm, chúc Tết, mừng thọ ông bà, cha mẹ, bà con thân bằng quyến thuộc, chúc Tết thầy cô, bạn bè,..
Tục đi lễ chùa, xin lộc đầu năm, cầu nguyện cho gia đình, người thân, lớn hơn là cầu nguyện cho quốc thái dân an là một trong những biểu hiện tốt đẹp của người Việt. Đi chùa đầu năm còn là để tìm đến cửa Phật, soi rọi lại mình, phát huy điều lành, điều tốt, tránh xa điều ác, điều xấu.
Trong trang phục chỉnh tế, người người đến lễ chùa, thành tâm thắp nén hương cúng bái, dâng hoa, dâng lễ vật và cầu nguyện phước lành trong năm mới. Thường thì mỗi chùa đều chuẩn bị sẵn một bó nhang nhỏ có thể là 5, 7, 9 nén nhang hay nhiều hơn nữa để khách thập phương thuận tiện thắp nhang và cầu nguyện.
Sau đó, mọi người thường xin lộc của nhà chùa để cầu mong cho gia đạo hạnh phúc và khỏe mạnh. Thông thường lộc có thể là một ít hoa hay hoa quả đã cúng Phật. Có người còn xin xâm để cầu vận mạng trong năm mới.
Một góc chùa La Hán - TP. Sóc Trăng
Tại thành phố Sóc Trăng, các chùa đều đón nhận đông đảo Phật tử và khách thập phương đến viếng. Trong những ngày Tết, đông nhất là ở các chùa Khánh Sơn, Hương Sơn, chùa La Hán, Chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Ông Bổn, chùa Phước Nghiêm, chùa Phật Học,... để cầu phước, thỉnh cầu điều may mắn, an lành, cho gia đạo hạnh phúc tràn đầy trong năm.
Ngày nay, dù xã hội có văn minh, tiến bộ hơn trước, với đa số người dân theo đạo Phật, đi lễ chùa đầu xuân vẫn là nét đẹp cao quý của dân tộc ta. Không chỉ người cao tuổi mà trung niên, thanh niên, thiếu niên đều dành thời gian cho nghi lễ tốt đẹp này./.
HD