Price: Free
Phone: 0
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 7:00 AM - Close Time: 6:00 PM
Email: xtdulichsoctrang@gmail.com
Address: Ấp Hòa Phú, Xã Xuân Hòa, Huyện Kế Sách, Tỉnh Sóc Trăng
Trong gần 100 chùa Phật thuộc hệ phái Bắc tông tại Sóc Trăng có ngôi chùa Giồng Đá thuộc ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa (Kế Sách) được xây dựng cách nay trên 100 năm. Nhìn ngôi chùa được xây dựng khang trang như hiện nay, ít ai biết đến nguồn gốc, sự đóng góp của ngôi chùa trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là một số di tích, hiện vật, truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa.
Cổng chùa Giồng Đá; Ảnh: Lý Thị Phương
Chùa Giồng Đá là tên gọi theo vị trí xây dựng chùa nằm cạnh giồng đá nhô lên khỏi mặt đất với những tảng đá khá lớn. Người ta truyền tụng nhau rằng, đây là những hòn đá nổi lên mặt đất một cách tự nhiên vì nơi đây mới chính là một trong những điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những dãy đá nối tiếp nhau chắc chắn còn ẩn sâu trong lòng đất. Trong quá khứ, một số người địa phương đã lén đến khai thác đá nhưng sau đó, như là một suy nghĩ tâm linh, xem như là tài sản của ngôi chùa nên không ai dám đến khai thác nữa.
Tượng Phật Địa Tạng cưỡi Đế Thính
Chùa Giồng Đá (hiện nay được gọi tên chữ là Thiên Phước Cổ tự) được xây dựng ban đầu vào năm 1880 với quy mô nhỏ và xây dựng nới rộng thêm vào năm 1893 do Hòa thượng Thích Thiện Nhựt chủ trì cũng chỉ bằng tre lá trên nền đất vườn rộng rãi. Đến năm 1923, Hòa thượng Thích Thiện Nhựt viên tịch, thầy Thích Thiện Huệ trụ trì chùa đến năm 1946 thì thầy Thích Thiện Tiến thay thế. Năm 1952, hòa thượng Thích Niệm Đức trụ trì cho đến khi hiệp định Genève được ký kết. Trong kháng chiến chống Pháp, Chùa bị đốt cháy một lần, một số tài sản của chùa bị hư hại. Sau đó, Chùa được sửa chữa xây dựng mới và mở rộng diện tích hơn trước.
Hoà thượng Thích Trí Phát giới thiệu với tác giả tại địa điểm
đoàn khảo cổ Viện Viễn Đông Bác Cổ đã đào hố thám sát
Sau khi hiệp định Genève được ký kết 7/1954, đến cuối năm đó, theo chỉ đạo của chính quyền cách mạng xã, Hòa thượng Thích Niệm Đức về chùa Thiên Cơ để trụ trì và là cơ sở hoạt động bí mật của chi bộ xã. Chùa Giồng Đá được giao lại cho một người đệ tử của Hòa thượng chăm sóc. Năm 1958, chùa được xây dựng lại bằng gạch, lợp ngói. Vì là vùng nông thôn sâu, đi lại khó khăn, chung quanh chùa đều là nhà dân vùng giải phóng, nên cơ quan Thông tin Văn hóa huyện mượn ngôi chùa làm cơ sở để in ấn tài liệu. Chùa cũng là cơ sở ăn nghỉ, hội họp của chi bộ và chính quyền cách mạng, của các đoàn thể xã, có khi cũng là điểm dừng chân của các đoàn cán bộ của huyện và tỉnh. Theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, Chùa đã ủng hộ cho kháng chiến 1 đại hồng chung bằng thau nặng khoảng 50 kg cùng nhiều đồ vật bằng đồng, thau khác để đúc vũ khí. Nắm được thông tin về ngôi chùa trong vùng cách mạng quản lý và những hoạt động của vị trụ trì cùng Phật tử của chùa, địch đặt chùa vào diện phải hủy diệt, thường xuyên vào ruồng bố hoặc bắn pháo từ tàu quân sự trên sông Hậu. Năm 1966, chùa bị máy bay Mỹ ném bom làm ngôi chùa bị sụp đổ hoàn toàn, nhiều tài sản, tượng Phật không còn. Chùa bị bỏ hoang phế dưới đống đổ nát.
Khúc “xương tay cọp” đã hoá thạch
Một truyện kể được truyền lại từ người này sang người khác và được Hòa thượng trụ trì hiện nay kể lại về sự linh thiêng của một Tượng Phật Địa Tạng cưỡi Đế Thính, tượng cao khoảng 0,5m được tạo tác khá tinh xảo, sắc nét. Số là khi bị bom Mỹ bỏ tàn phá ngôi chùa, các đồ đạc, tượng Phật trong chùa đều bị văng đi tứ tung. Một số thì bị bể nát. Trong một trận càn vào vùng này, quân lính địch bị lực lượng du kích và địa phương quân huyện bao vây. Địch phải lui quân, tháo chạy. Bị quân ta truy đuổi, một tên lính chém vè dưới dòng sông, hai bên là lùm bụi ô rô, cóc kèn, bần, dừa nước. Vô tình, tay tên lính bắt gặp một vật cứng dưới bùn. Y mò lấy, phát hiện một tượng Phật Địa Tạng cưỡi Đế Thính, chỉ cao khoảng vài tấc. Tên lính mừng rỡ, rửa sạch Tượng Phật và thầm khấn nguyện nếu Phật che chở cho về đến chợ An Lạc Thôn an toàn sẽ thỉnh Tượng vào thờ trong chùa Bà. Sau đó, trời tối, tên lính men theo bờ sông rậm rạp, vừa cuối đầu lom khom lội dưới sình lầy, vừa ôm Tượng Phật, đi khoảng vài km thì ra đến xã An Lạc Thôn an toàn. Mừng rỡ vì đã thoát nạn, tên lính đã làm đúng lời nguyện, đưa Tượng Phật vào thờ ở ngôi chùa Bà tại xã An Lạc Thôn.
Cán bộ Tuyên huấn xã Xuân Hoà (Kế Sách) chụp cùng với Đội Văn công xung kích.
Ông Năm Riềng người đứng thứ 2 (bên trái qua).
Chị Linh Phượng ngồi ở vị trí thứ 2 (bên phải qua)
Mãi đến tháng 11 năm 1975, Thầy Thích Niệm Đức trở về cùng một số Phật tử dọn dẹp đống đổ nát và dựng lại ngôi chùa bằng tre lá. Bà con phát hiện còn sót lại dưới đống gạch ngói vụn là một tượng Thích Ca cao 0,8m, 2 tượng ông Nam Tào, Bắc Đẩu chiều cao khoảng 0,8m, đều bằng gỗ. Bấy giờ ông Từ của chùa Bà, trước đó là Trưởng ban Hội từ chùa Giồng Đá mới thỉnh Tượng Phật này về chùa Giồng Đá. Như vậy, ngôi chùa bị bom Mỹ phá hủy, còn Tượng Phật thì chỉ văng xuống sông, nhưng vẫn còn nguyên vẹn sau 10 năm lánh nạn.
Đến năm 1990, Thầy Thích Niệm Đức viên tịch và Thầy Thích Trí Phát chịu trách nhiệm trụ trì đến ngày nay. Hòa thượng Thích Trí Phát giữ gìn Tượng Phật này xem như là một trong những bảo bối của nhà chùa.
Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại từ năm 2003 và hoàn thành vào đầu năm 2014, với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo của gần 150 Phật tử chính thức và khoảng 700 tín đồ trong xã Xuân Hòa và các xã lân cận. Điều đáng quý là hòa thượng Thích Trí Phát, trụ trì hiện nay của chùa vẫn còn lưu giữ một số hiện vật quý của chùa, dù trải qua chiến tranh nhưng nhờ bà con Phật tử ủng hộ nhà chùa bảo vệ giữ gìn như tượng Phật xưa, các nồi đất, xương thú rừng được phát hiện do quá trình đào vét con sông trước chùa vào những năm sau giải phóng 30/4/1975. Những xương thú rừng, nồi đất xưa được phát hiện chứng tỏ rằng vùng đất này hàng trăm năm trước là rừng hoang rậm rạp, có nhiều thú dữ. Đây cũng có thể là nơi mà con người đi khai phá vùng đất mới phương Nam từng đến cư trú.
Với bề dày hơn 130 năm hình thành và phát triển, có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến, Chùa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất vào năm 1997. Từ sau giải phóng đến nay, chùa nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Hiện nay, sư trụ trì chùa có nguyện vọng đề xuất lãnh đạo huyện lập hồ sơ đề nghị tỉnh xét công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Với kiểu kiến trúc khá mới và hiện vật còn lại, cùng nhiều tượng Phật mới, môi trường cảnh quan xanh tươi, khí hậu trong lành, chùa Giồng Đá có thể xem xét đưa vào địa điểm tham quan mới của tỉnh.
ĐI CHƠI XUÂN HÒA
Vào những năm 1990 tới khoảng năm 2004, chợ xã Xuân Hoà vô mùa thì ít nhất mỗi ngày tập trung hơn 100 ghe, xuồng lớn nhỏ. Hàng hoá chủ yếu là trái cây các loại mà nhà vườn chở ra. Ghe lớn lấy mối, cân sỉ rồi đổ hàng về các chợ đầu mối khác như Ngã Bảy, Ngã Năm, Trà Ôn, Cần Thơ... Chợ Xuân Hoà khi đó cũng có tiếng trong các chợ nổi mua bán trái cây ở miệt Hậu Giang. Bây giờ ít nhộn nhịp vì các thương lái đã vô tới tận vườn, gọi là “mua tận ngọn” bởi kênh rạch giờ đã thông thương tốt, đường xá đi lại thuận tiện hơn trước nhiều. Chỉ cần một cú điện thoại hẹn ngày là nhà vườn tổ chức hái, vô thùng… Xong xuôi là có ghe vô tới bến chở đi. Nhiều nhà vườn bây giờ cũng đã mở rộng thành điểm “vựa trái cây”. Tiện lợi và đỡ tốn kém chi phí hơn trước nhiều.
Từ Bác vật Lang đến khúc xương cọp, bộ xương voi...
Về Xuân Hoà hôm nay, hẳn không ít người sẽ bất ngờ khi được biết rằng vùng đất này ngày xưa vốn là vùng “nê địa” với những vạt rừng tràm, rừng chồi, lau, chấp mọc dày, thi thoảng mới gặp một dải đất giồng nhỏ. Dưới triều vua Thiệu Trị, Xuân Hoà mới chỉ là 1 thôn thuộc tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Được chính thức gọi là làng Xuân Hoà từ ngày 05/01/1876, thuộc hạt Sóc Trăng quản lý. Những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất này khi ấy vừa phải chiến đấu với muỗi mòng, rắn rít để khẩn hoang, vừa phải canh chừng thú dữ. Cụ Nguyễn Hùng Cường (90 tuổi) ở ấp Hoà Phú hào hứng kể lại cùng chúng tôi câu chuyện dựng nhà sàn trong rừng để khai mở đất. Người lớn đi làm thì rào lại sàn cao để phòng tránh cọp. Con rạch Giồng Đá hình thành là do voi đi. Phần xương voi hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa Giồng Đá (Thiên Phước Cổ Tự).
Cụ Cường kể: “Thời bà nội tui còn nhỏ thì nhà của ông cố là nhà sàn cất trên cọc tràm lớn, ngoài hàng rào thì cửa nẻo đều làm song chắn để ngăn con nít leo xuống khi người lớn đi ruộng hòng ngăn cọp. Ông bà cố tui khi đó đi ruộng là phải cột bà nội lại ở trong nhà. Mà cất nhà hồi xưa ở xứ này thì chỉ ước chừng chớ hổng có lấy thước đo. Ông bà mình tin rằng nếu đo bằng thước thì “ông ba mươi” (cọp - PV) ổng biết ổng canh, ổng nhảy lên tới! Còn chuyện Bác vật Lang tới đây đào đồ cổ ở Chùa Giồng Đá thì lớp tụi tui còn biết, còn nhớ. Khi đó con rạch Giồng Đá còn nhỏ xíu và cạn xìu. Tàu Tây phải đậu ở ngoài đầu vàm Cái Cau và đi ca - nô vô. Nghe đâu họ đào và lấy được một bàn tay phật bằng đá tím, rồi vàng dây, rồi một nải chuối bằng vàng...?”
Con rạch Giồng Đá hiện nay lớn hơn con rạch ngày trước nhiều vì đã trải qua nhiều lần nạo vét bằng cơ giới. Nằm bên con rạch là Thiên Phước Cổ Tự mà người dân ở đây vẫn quen gọi là chùa Giồng Đá. Chùa được xây dựng trước năm 1880, khai sáng bởi Hoà Thượng Thích Thiên Nhựt và đến nay đã trải qua 6 đời trụ trì. Trải qua 2 thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, ngôi chùa là cơ sở của nhiều cơ quan thuộc Khu 8, Khu 9, đặc biệt là công việc in ấn tài liệu. Vào lúc cao điểm, có ngày các chị, các cô đã xay tới 5 - 7 giạ bột để phục vụ cho việc in ấn. Tấm Huy chương kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng nhà chùa được treo trang trọng đã nói lên tất cả.
... Và ước nguyện chưa thành của trụ trì Thiên Phước Cổ Tự
Trụ trì Thiên Phước Cổ Tự (Chùa Giồng Đá) hiện nay là Hoà thượng Thích Trí Phát. Ông dẫn chúng tôi ra địa điểm mà vào những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, bác vật Lưu Văn Lang và đoàn khảo sát của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã khai quật ở đây. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm được tài liệu nào mô tả chi tiết về chuyến khảo cổ này, nhưng theo các bậc cao niên ở đây kể mà Hoà thượng Thích Trí Phát ghi chép lại thì 2 hiện vật quý giá nhất mà họ đã mang đi là 1 bàn tay Phật tạc bằng đá tím và 1 chiếc búa được đúc bằng vàng hoặc bằng đồng? Ở ngay địa điểm hố khai quật này, Hoà thượng Thích Trí Phát đã có mở rộng đôi chút. Ông dự định nếu sau này có dịp, sẽ dựng ở đây 1 nhà thuỷ tạ và cũng là điểm để trưng bày những hiện vật xưa, quý hiếm, minh chứng cho một thời mở đất gian khó của cha ông, thuở mới đến khẩn hoang, lập làng mà nhà chùa còn giữ được. Với riêng tôi thì suy luận rằng: Đây có thể là một trong những đợt khảo sát của Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện do Louis Malleret chủ trì trong đợt khảo sát những di chỉ của Văn hoá Óc Eo trong những năm 30 - 40 theo suốt một vệt từ vùng Ba Thê (An Giang) dọc theo Hậu Giang rồi xuống tận Bạc Liêu (Tháp Vĩnh Hưng).
Hoà thượng Trí Phát đã “hé lộ” cùng chúng tôi đôi chút về kho tàng mà ông đang lưu giữ. Đó là những mảnh xương cọp, gạc nai, xương voi và 2 nồi đất cổ. Những mảnh của bộ xương voi còn giữ lại được là hơn 20 đốt xương sống, xương ống, xương bẹ... do đám trẻ nít ở đây nhặt được và đem đến vào 1 đợt nạo vét rạch Giồng Đá trong những năm 1980 - 1990. Mảnh gạc nai vẫn còn nguyên dáng và có vẻ như đã hóa thạch? Còn một đốt xương hoá thạch thì Hòa Thượng Trí Phát tin chắc là xương ống trước của “tay cọp”... ông kể về “cái duyên” của ông với đoạn xương này trong tâm thế thật hứng khởi:
“Trong lúc làm cỏ trong khuôn viên thì thầy gặp một bụi cỏ lớn mà rễ ăn khá sâu. Mình chặt thì rồi nó cũng lên tiếp nên thôi thì đào rễ nó luôn. Vậy là đụng phải 1 khúc đen đen giống như khúc cây mà hổng phải? Nghi ngờ nên thầy mang nó xuống mé rạch rửa... càng rửa thì càng thấy lạ, càng khẳng định nó là 1 khúc xương. Đem vô cất và phải mất một thời gian dài nghiên cứu thì mới ngộ ra được đây là 1 khúc xương cọp bởi đặc thù của 2 lỗ thông nhau ở khớp. Dấu chỉ phải có trong “bộ xương ống tay cọp” mà những người nấu cao hổ cốt đã đúc kết. Xứ này có nai, có cọp, có voi càng có căn cứ hơn vì chính ông nội của thầy từng kể rằng: hồi những năm 30, cứ vào tháng tháng 8, tháng 9 âm lịch là vạn săn ở vùng Mang Cá, Phụng Hiệp thường mở đợt săn nai... lúc này người dân ở vùng này vẫn còn đón bắt được những con nai chạy dạt ra tới đây. Thầy cũng đã đọc được tài liệu nói rằng - những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, vùng Phụng Hiệp, Ngã Bảy còn là cánh đồng đầy lau sậy với voi đi hàng đàn. Trong bài phân tích nghiên cứu về Sóc Trăng của một tác giả người Pháp, không có nói có voi ở tỉnh Sóc Trăng, chỉ nhắc đến cọp và nai rừng.”
Ông còn cho chúng tôi chiêm ngưỡng 2 nồi đất rất xưa cũng được lấy lên từ rạch Giồng Đá: 1 chiếc đã mẻ một phần ở vành miệng có nhiều mảng đã đen sạm, 1 chiếc còn nguyên màu trắng. Ông suy đoán: “Coi bộ 2 cái nồi đất này thì 1 cái đã dùng để nấu nướng còn 1 cái thì chưa”? Cũng vui vui với suy đoán này vì ông đâu phải là một nhà khảo cổ? Nhưng quan sát 2 hiện vật bằng gốm này thì chúng tôi đặt ra giả thuyết đây là 2 hiện vật gốm của nền văn hoá Óc Eo?! Không chỉ vậy! Thiên Phước cổ tự vẫn còn khá nhiều hiện vật khác mà Hoà thượng Thích Trí Phát đã bỏ công sưu tầm là những bộ vòng gặt đủ kiểu, các kiểu dao phát cỏ, lưỡi cày, v.v.. Tin rằng chỉ trong thời gian gần đây thôi, ước nguyện giản dị nhưng cũng rất thiết thực của ông là sẽ lập được một chỗ để lưu giữ những hiện vật của một thời “mở đất, khẩn hoang ở thôn Xuân Hoà và vùng phụ cận” trở thành hiện thực.
Đường về miệt vườn Xuân Hoà giờ đã dễ đi, dù là ngược từ hướng Kế Sách lên hay từ tuyến đường Nam sông Hậu rẽ vô! Những mảnh vườn cây ăn trái nối nhau trải dài dọc theo con đường quê giờ đã lót đal bằng phẳng, ấp liền ấp. Ven bờ kênh, ẩn hiện dưới tàn lá rợp mát là những căn nhà xinh xắn... nhà lá, nhà tường đủ cả. Tháng 5, trời nắng như đổ lửa... nhưng trên con đường làng, lữ khách vẫn thoải mái dạo chơi dưới bóng mát của những tàn cây rợp mát, thả hồn mình trong tiếng ve mùa hạ.
Miếu Thổ thần...
Rong ruổi theo những con kênh, bờ đập ở Xuân Hoà, chúng được nghe câu chuyện vui về những cái miếu thổ thần ở Xuân Hoà. Ngay đầu bờ đập Năm Riềng, dọc theo con rạch Tây Phương là những miếu thờ thổ thần được đặt ở ngay mỗi đầu ranh đất. Thuở trước đất rộng, người khẩn hoang chỉ cần bỏ công sức khai phá... tới chừng cảm thấy mảnh đất của mình đã vừa đủ sức làm thì đánh dấu ranh đất của mình bằng cách cất một miếu thổ thần ngay đầu ranh đất. Mọi người tin rằng, vị Thổ thần không chỉ làm chứng cho công sức khai khẩn mà còn giúp cho người chủ đất sản xuất trúng mùa, cây trái xanh tươi. Giai thoại về vị thổ thần ở vùng đất này cũng là một giai thoại vui, giản dị và chân tình như tấm lòng của người miệt vườn vậy. Bên ly “trà quạu”, lão nông cố cựu Năm Riềng (Trần Văn Riềng), năm nay đã 72 tuổi ở ấp Hoà Phú vui vẻ giải thích cùng chúng tôi về chuyện tại sao thổ thần chỉ ở đầu doi, đầu bãi chớ không được vô nhà:
Theo ông bà mình kể lại thì mọi chuyện đều bắt đầu từ ông học trò khó. Lúc còn nghèo chuẩn bị lên kinh ứng thí tay ôm tay xách giỏ qua cầu, vừa đi vừa cạp miếng dưa mà người ta cho. Bước xuống cầu thì lật đật làm sao đó để rớt miếng dưa. Thổ thần khi ấy đang gác cầu liền mắng “Thằng hư! Đã nghèo rớt mồng tơi mà có miếng ăn còn hổng biết giữ”. Chuyến ấy, học trò khó thi đậu điểm cao được triều đình bổ về làm quan. Làng liền mở tiệc “Vinh quy bái tổ” cho quan trạng. Trong lúc ăn tiệc quan trạng gắp và làm rớt miếng thịt heo... nhưng miếng thịt chỉ rớt tới ngang lưng thì không rớt xuống nữa? Hoá ra là Thổ thần đứng kế bên “Quan trạng làm rớt thì có em đỡ”. Quan trạng bèn mắng Thổ thần “Cái thằng này đúng là “chúa nịnh”! Lúc quan còn là “học trò khó” thì hở một chút là nó mắng, chửi... tới chừng làm quan thì đi đâu nó cũng kè kè để “bợ đỡ”. Cái thứ này từ giờ trở đi chỉ cho nó ở đầu doi, đầu bãi chớ dứt khoát hổng cho vô nhà...”.
Và cách đặt địa danh “rặt Miền Tây”
Câu chuyện vui, pha chút hài nhưng đậm tính nhân văn và chen vào đó là cả một bài học về lẽ sống của người Nam bộ. Dù những chiếc miếu Thổ thần chỉ đặt ở đầu doi, đầu bãi nhưng mỗi khi ở nhà có đám tiệc, cúng quải... gia chủ cũng không bao giờ quên phần của Thổ thần. Thổ thần cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều... nhà khó thì Thần ở trong cái miễu tre lá đơn sơ, nhà khá giả thì xây tường Thần cũng chịu. Vật phẩm cúng tế thần cũng chẳng đòi hỏi, điều mà Thổ thần cần chính là tấm lòng của gia chủ.
Cách đặt tên, gọi tên những con rạch, bờ đập ở xứ này cũng giản dị, trực quan, dễ nhớ. Con rạch có tên Tây Phương mới nghe cứ tưởng như gắn liền với truyền thuyết về con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không? Nhưng thực ra chẳng phải vậy. Thực ra là khi xưa, ở hai bên bờ rạch có 2 ông chủ đất tên là Tây và Phương. Hai ông sau này kết thông gia và con cháu của họ đã góp phần không nhỏ để mở mang vùng đất hai bên con rạch này nên cư dân trong vùng lấy tên 2 ông đặt luôn cho con rạch để dễ nhớ. Còn bây giờ thì bờ đập ở đầu con rạch này được gọi là rạch “Năm Riềng” - chính là tên của lão nông Trần Văn Riềng! Chuyện là ngày trước, cả trong thời chống Mỹ và sau này, ông Năm Riềng là một trong những người bám trụ kháng chiến ở đất này. Sau năm 1975, có thời gian ông đã giữ chức Phó chủ tịch xã Xuân Hoà. Là người có uy tín, quen biết rộng, ai cũng biết, nhà lại ở ngay đầu bờ đập nên cái bờ đập này “chết danh”... 5 Riềng!
Hoá ra cách đặt tên địa danh ở xứ này cho tới bây giờ vẫn mang đậm dấu ấn của “ông bà xưa” thời mở đất! Mà có sao đâu! Nó gần gũi, dễ nhớ và thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. Với tôi thì cách đặt tên địa danh này có phần còn hơn cách lựa chọn “chữ nghĩa cao siêu” nhưng khó hiểu như kiểu ghép thêm chữ tân, chữ lộc, chữ gì gì đó... với nhau để rồi chỉ có những bậc “túc nho” ngồi luận chữ với nhau. Qua những câu chuyện từ ông Năm Riềng kể, chúng tôi cũng biết rằng đất Xuân Hoà trong kháng chiến chống Mỹ là vùng căn cứ chịu nhiều bom đạn cày xới. Đồn giặc đóng ken dày để thực hiện thủ đoạn “tách dân ra khỏi vùng căn cứ”. Những đoàn cán bộ của Khu 8, Khu 9, của tỉnh Sóc Trăng vẫn thường xuyên qua lại vùng này, nhiều cơ quan đã đóng quân ở đây trong những giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tôi đã gặp lại chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Phượng và dấu ấn của chồng chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Wày qua 2 bức ảnh mà gia đình ông Năm giờ đã lưu giữ như kỷ vật quý của thời chiến.
Bức ảnh trên được chụp bởi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Wày vào năm 1971 và chị Linh Phượng đã trao lại cho gia đình vào năm 2000, trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, ông Năm khi ấy là cán bộ Tuyên huấn xã Xuân Hoà chụp cùng với Đội Văn công xung kích. Trong bức ảnh này ông Năm là người đứng thứ hai tính từ bên trái qua, còn chị Linh Phượng ngồi ở vị trí thứ hai - tính từ bên phải qua. Những câu chuyện hấp dẫn của miền đất Xuân Hoà vẫn còn nhiều, nhiều lắm. Những ai muốn khám phá về vùng đất này, sẽ có cơ hội tiếp cận những bằng chứng sống động, một thời mở đất hào hùng của cha ông, vẫn được người dân Xuân Hòa lưu giữ qua những chuyện kể và hiện vật tại Thiên Phước Cổ Tự - một vùng quê yên bình được bao bọc bởi con sông hiền hòa, thơ mộng./.
Tài liệu tham khảo:
[1].http://caobaquat.com.vn/?cao-ba-quat=ban-can-biet&id=722&thu-vien-hoc-vien-vien-dong-bac-co-.html
[2]. Chân Lạp phong thổ ký. Tác giả Châu Đạt Quan. Bản dịch của Ngô Bạc.
[3]. Người Việt gốc Miên. Lê Hương. Hồng Anh Thư Xá. Xuất bản năm 1969.
[4]. Gia Định Thành Thông Chí. Hậu học Lý Việt Dũng (dịch và chú giải). Tiến Sĩ Huỳnh Văn Thới Hiệu đính và giới thiệu. NXB Tổng Hợp Đồng Nai. Tái bản lần thứ nhất năm 2006.
[5]. Kỷ yếu hội thảo: Giá trị của di sản Văn hoá Óc Eo - An Giang Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh - trường Đại Học KHXH&NV, UBND tỉnh An Giang, BQL Di tích Văn hoá Óc Eo. An Giang ngày 15-01 năm 2016.
[6]. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. Sơn Nam. NXB Trẻ 2/2014.
[7]. Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn. An Giang (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng). Nguyễn Đình Đầu. NXB TP. Hồ Chí Minh 1995.
[8]. Hòa thượng là Phó Ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2012 - 2017. Dù tuổi cao sức yếu nhưng Hòa thượng luôn dành thời gian để xây dựng thêm một số hạng mục để ngôi chùa ngày càng khang trang, đồng thời đề nghị huyện, tỉnh xem xét công nhận ngôi chùa là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Công Lý - Thành Long
Distance: 19.49 km
Distance: 0 m
Distance: 5.98 km
Distance: 16.14 km