CHÙA SÊRÂY CRO SĂNG (CHÙA CÀ SĂNG)
CHÙA SÊRÂY CRO SĂNG (CHÙA CÀ SĂNG)

Introdution

Price: Free

Phone: 0

Time to visit a place: 120 phút

Open Time: 7:00 AM - Close Time: 6:00 PM

Email: xtdulichsoctrang@gmail.com

Address: Phường 2, Thị xã Vĩnh Châu, Tỉnh Sóc Trăng

Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng. Chùa tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo hướng Đông – Nam trên tỉnh lộ 11 đến thị xã Vĩnh Châu, từ thị xã Vĩnh Châu đi theo hướng về Vĩnh Hải khoảng 3km là đến. Ngôi chùa nằm ẩn bên trong, cách đường lớn khoảng 150m. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm. Chánh điện      Chùa được xây dựng vào khoảng tháng 4 năm 1576 – Phật lịch 2120, tại thôn Đaysmách với tên gọi chùa Bớs. Sau đó, do yêu cầu của đồng bào phật tử muốn có đất rộng để xây dựng chùa nên các vị sư sãi đã thống nhất di dời địa điểm. Cụ thể, vào năm 1758, Hòa thượng Lâm Muôn dời chùa Bớs sang địa điểm mới thuộc ấp Cà Săng (gần với chùa Sêrây Cro Săng hiện nay) và đặt tên là chùa “Tro-Béc-Prêy” hay còn ... View more

Map

Introdution

×

 Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng. Chùa tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo hướng Đông – Nam trên tỉnh lộ 11 đến thị xã Vĩnh Châu, từ thị xã Vĩnh Châu đi theo hướng về Vĩnh Hải khoảng 3km là đến. Ngôi chùa nằm ẩn bên trong, cách đường lớn khoảng 150m. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm.

Chánh điện

     Chùa được xây dựng vào khoảng tháng 4 năm 1576 – Phật lịch 2120, tại thôn Đaysmách với tên gọi chùa Bớs. Sau đó, do yêu cầu của đồng bào phật tử muốn có đất rộng để xây dựng chùa nên các vị sư sãi đã thống nhất di dời địa điểm. Cụ thể, vào năm 1758, Hòa thượng Lâm Muôn dời chùa Bớs sang địa điểm mới thuộc ấp Cà Săng (gần với chùa Sêrây Cro Săng hiện nay) và đặt tên là chùa “Tro-Béc-Prêy” hay còn gọi là chùa “Som rong khla co kê”. Đến năm 1895, Hòa thượng Trần Chi dời chùa Tro-Béc-Prêy” sang địa điểm chùa Sêrây Cro Săng hiện nay và đổi tên chùa Tro-Béc-Prêy thành chùa Cro Săng. Năm 1956 Hòa thượng Lý Thi được sự đồng tình của phật tử đổi tên chùa Cro Săng thành chùa Sêrây Cro Săng. Như vậy, từ khi tạo dựng đến nay chùa Sêrây Cro Săng đã 03 lần thay đổi địa điểm và 04 lần đổi tên.

Dãy nhà sala

     Chùa có diện tích 22.230m2, tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt và lò hỏa táng,... Từ lúc xây dựng đến nay, chùa đã trải qua 10 đời trụ trì, trong đó Hòa thượng Lekkhanathê trụ trì chùa lâu nhất với thời gian 52 năm, Thượng tọa Triệu Krông trụ trì ít nhất là 18 năm.

     Cổng chùa Sêrây Cro Săng là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu đỏ thẩm, bên dưới cổng gồm 2 cột trụ vuông chống đỡ cho phần mái tháp. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 03 ngọn tháp được đắp nổi họa tiết hoa văn Khmer. Trên đó có ghi tên chùa Sêrây Cro Săng bằng tiếng Khmer với nét chữ màu đỏ được đắp nổi trông rất đẹp mắt.

     Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.

Ban đầu, chánh điện chỉ được xây dựng bằng gỗ, tre, lá đơn giản. Đến năm 1895, dưới thời trụ trì của Hòa thượng Trần Chi, ông đã quyên góp tiền bạc để trùng tu ngôi chánh điện bằng bê tông lợp ngói, nền lát gạch hoa.

Đến năm 2005, dưới thời trụ trì của Hòa thượng Lý Thi, được sự chấp thuận và cho phép của UBND tỉnh Sóc Trăng, ngôi chánh điện của chùa được khởi công xây dựng mới, sau hơn 4 năm 8 tháng chùa hoàn thành và tổ chức lễ kiết giới Si Ma đưa vào sử dụng. Chánh điện được xây dựng trên nền cũ, với hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Giữa mỗi cạnh đều có một vị Phật ngồi tọa thiền quay về 4 hướng với ý muốn: Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp bốn phương. Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật ở mỗi cạnh của chánh điện.

Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt có 05 ngọn tháp, bao gồm: 01 ngọn tháp trung tâm nằm giữa chánh điện cao khoảng 7m, đáy rộng 5m và 04 ngọn tháp nằm ở 4 cạnh có chiều cao khoảng 5m, đáy rộng 3m, tương xứng với vị trí 4 ngọn tháp có 4 vị Phật ngồi tọa thiền phía dưới và các lối cầu thang dẫn lên chánh điện. Chính sự đặc biệt này đã khiến cho mái chính điện trở nên đồ sộ, song không vì thế mà mất đi vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên từng cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer.

Bên trong chánh điện là một không gian rộng để thờ Phật Thích Ca và nhiều tượng Phật khác nhau, mỗi tượng phản ánh một sự kiện quan trọng nhất định trong cuộc đời của đức Phật, điều đó khác hẳn với điện thờ đông đảo gồm: tam thế phật, ngũ hiền bồ tát, già lam,... của chùa phật giáo Bắc tông. Tượng phật đắc đạo là pho tượng chính lớn nhất chiếm vị trí trung tâm của điện thờ ở chính điện, bệ tượng cao vượt hẳn mọi tượng khác, gần trần chính điện. Xung quanh tường bên trong và ngoài chánh điện đều được trang trí hình ảnh về cuộc đời của Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến nhập cõi niết bàn.

Ngoài ngôi chánh điện, trong khuôn viên chùa còn có các công trình kiến trúc khác nằm trong tổng thể kiến trúc của chùa Sêrây Cro Săng đó là Sala, Hôtray (thư viện),... Sala là nơi để sư sãi và các tín đồ làm lễ, hội họp, dâng cơm cho sư sãi và cầu kinh. Đây là nơi quan trọng, song về sự nguy nga và đồ sộ thì không bằng chính điện. Sang phía tây của ngôi chính điện, cách một cái sân to là nơi ở của các vị sư, được xây dựng dưới thời Hòa thượng Lý Thi. Cạnh bên, đó là hôtray với kiến trúc đặc sắc của người Khmer. Sang hướng Bắc của chính điện là một dãy nhà hữu nghị được xây dựng vào những thập niên 70 của thế kỷ XX gồm 5 phòng, dãy nhà này được xây dựng đơn giản hơn các ngôi nhà khác.

Chùa Sêrây Cro Săng là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm tín ngưỡng, giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chùa là cơ sở cách mạng và dần dần trở thành mũi nhọn trong phong trào đấu tranh trực diện với quân thù.

Năm 1954, sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ ra đời, trước sức ép của Mỹ, Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam, Mỹ vào thay thế và xây dựng chính quyền tay sai do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Từ đó, Ngô Đình Diệm lao vào chống phá cách mạng ở Miền Nam. Chính sách tôn giáo của Ngô Đình Diệm đối với đồng bào Khmer Nam bộ là chính sách đồng hóa dân tộc, buộc người Khmer thay tên đổi họ theo người Kinh, cấm dạy chữ Khmer trong các trường công lập. Với chính sách cưỡng bức đồng bào của Mỹ - Diệm, lập tức đã gây nên sự căm phẩn bất bình, các trí thức và sư sãi Khmer coi đây là sự xúc phạm truyền thống tín ngưỡng và nền văn hóa dân tộc lâu đời của họ. Trước tình hình đó, đồng chí Huỳnh Cương và đồng chí Lâm Văn Sang đã tập hợp trí thức, sư sãi và đồng bào Khmer tham gia đấu tranh để vạch rõ âm mưu của địch.

Trước âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, Đảng ta nhất quán theo nguyên tắc của chính sách dân tộc là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau giữa các dân tộc. Song song đó, trong thời kỳ này nhiều đồng bào và sư sãi Khmer tham gia kháng chiến và các ngôi chùa đã trở thành căn cứ cách mạng, là cơ sở che dấu, nuôi chứa cán bộ chiến sĩ, tiêu biểu là chùa Sêrây Cro Săng, chùa Prêy-Chóp,... Đồng thời được sự giúp đỡ, hướng dẫn của đồng chí Huỳnh Cương và đồng chí Trịnh Thới Cang, chùa Cà Săng đã mở nhiều lớp dạy chữ Khmer vừa vận động sư sãi và đồng bào Khmer đấu tranh cách mạng. Từ những cơ sở nhà chùa, sư sãi, lực lượng này đã lớn mạnh và dần dần trở thành lực lượng mũi nhọn cho phong trào đấu tranh trực diện và công tác binh vận của ta.

Chùa Sêrây Cro Săng đã trở thành cứ điểm ẩn trốn của hàng trăm thanh niên trốn lính. Sư sãi đã dựa vào chính sách “tự do tín ngưỡng giả tạo” của địch, để đấu tranh chống địch khám xét chùa và đã bảo vệ được số thanh niên này. Việc vào chùa tu cũng là một hình thức tỏ thái độ chống bắt lính đôn quân của đồng bào, sư sãi Khmer, mặt khác đã thể hiện được tình đoàn kết của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.

Để đàn áp tinh thần đấu tranh của sư sãi và đồng bào Khmer trong huyện, nay là thị xã Vĩnh Châu, ngày 3/4/1973 bọn ác ôn đã lén lút sát hại nhà sư Achar Sơn Thal, trụ trì chùa Prêy-Chóp, xã Lai Hòa. Căm phẩn trước việc sát hại nhà sư, hàng chục ngàn đồng bào Kinh - Khmer - Hoa đã tổ chức biểu tình đưa thi hài Achar Sơn Thal từ Vĩnh Trạch đến Tòa hành chánh Bạc Liêu để đấu tranh chống hành động khủng bố, giết hại sư sãi, bắn phá chùa. Những tội ác mà địch đã gây ra với đồng bào và sư sãi chẳng những không đàn áp được phong trào đấu tranh mà ngược lại còn khoét sâu thêm lòng căm thù sâu sắc của cả đồng bào Kinh - Khmer - Hoa, sư sãi và các tầng lớp trí thức đối với bọn Mỹ - Ngụy.

Tháng 10/1974, địch đã đưa lực lượng cảnh sát vào đàn áp bắt lính, sư sãi chùa Sêrây Cro Săng và lực lượng thanh niên trốn lính cùng đồng bào đã vây bắt đám lính cảnh sát và đã bắt được 04 tên. Biết tin, tên quận trưởng đã dẫn lính đến để giải vây, lập tức có hơn 500 đồng bào và sư sãi của 07 chùa lân cận kéo đến vây chặn quận trưởng và đám lính, buộc chúng phải thả hết số thanh niên bị bắt và làm giấy cam kết với nhà chùa và đồng bào là không bắt sư sãi đi lính, không được bắt người vô cớ. Sau đó, lực lượng đấu tranh mới thả 04 tên cảnh sát. Cuộc đấu tranh tuy diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã gây được tiếng vang rộng lớn.

Chuẩn bị cho đợt tổng tấn công chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, sư sãi chùa Sêrây Cro Săng và nhân dân trong vùng đã góp phần không nhỏ cho công cuộc giải phóng tỉnh nhà và cả miền Nam Việt Nam. Đêm ngày 29/4/1975, các mũi tấn công đều tập kết vào vị trí xuất phát tiếp cận các mục tiêu, đến 5 giờ 30 sáng ngày 30/4/1975 mũi đấu tranh chính trị do đồng chí Lâm Văn Kỷ và Hòa thượng Lý Thi dẫn đầu hàng trăm sư sãi và hàng ngàn lực lượng đã đến chợ Vĩnh Châu. Mũi đấu tranh chính trị phối lợp với lực lượng vũ trang làm cảnh giới để Hòa thượng Lý Thi và đồng chí Lâm Văn Kỷ dẫn đầu đoàn biểu tình vào thẳng dinh quận trưởng gây áp lực buộc thiếu tá của chúng phải đầu hàng vô điều kiện.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 12/5/2004 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định số 655/QĐ.HT.04 công nhận chùa Sêrây Cro Săng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, góp phần phát huy giá trị lịch sử địa phương trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Dũng

* Tài liệu tham khảo:

1/ Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa chùa Sêrây Cro Săng (Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, 11/2003).

2/ Tài liệu ghi chép lại của chùa Sêrây Cro Săng.

3. Các vị cao niên sinh sống quanh khu vực chùa.

Review and Evaluation


Alls
(From total review)