CỐM DẸP - SÓC TRĂNG

21/02/2023 491 0

LỄ VẬT QUAN TRỌNG TRONG  LỄ CÚNG TRĂNG

NHÂN LỄ HỘI OOC OM BOC CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

     Trong lễ hội Oóc-om-bóc của đồng bào Khmer diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, có một nghi thức quan trọng, đó là Lễ Cúng Trăng. Ngoài các loại trái cây, bánh, mứt còn có thức cúng không thể thiếu được trong lễ vật cúng Trăng đó là Om – Bóc hay còn gọi là cốm dẹp.

     Lúa được dùng để làm cốm dẹp phải là loại lúa nếp hạt dài, dẻo, thơm, vừa đỏ đuôi. Đầu tiên, nếp đem đi rang trong chảo gang, phải giữ lửa nhỏ đều. Khi thấy hạt nếp hơi giòn và ngã màu vàng nhạt là cho vào cối giã cho đến khi những hạt nếp dẹp lại gọi là “cốm dẹp”. Độ dẻo ngon của cốm phụ thuộc chủ yếu vào công đoạn rang và giã nếp. Sau đó, bỏ hết cốm ra nia sàng sạch trấu, cám cho cốm được ngon và để cốm ráo tơi ra.

     Cốm mới giã khá giòn và dẻo ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám nạo, ít nước dừa và đường cát trắng. Trung bình khoảng 1kg cốm dẹp thì dùng một trái dừa rám đã nạo, nước dừa và ½ kg đường. Dùng một cái thau rộng trộn cốm dẹp, đường và rưới nước dừa vào để khoảng 30 phút cho nước dừa và đường thấm đều vào cốm hơi mềm là dùng được. Khi ăn để thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn hoặc mè sẽ tăng thêm phần hấp dẫn và độ béo. Muốn để ăn lâu ngày hoặc đem làm quà cho bà con, bè bạn, người ta gói cốm đã trộn sẵn trong lá chuối, lá dừa như đòn bánh tét, bánh dừa đem nấu hoặc hấp. Khi đó, ta có bánh tét cốm dẹp, ngon và lạ miệng so với bánh tét bình thường.

     Từ đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, cốm dẹp có bán nhiều ở các chợ huyện và Tp. Sóc Trăng. Riêng xã Phú Tân, huyện Châu Thành còn có làng nghề cốm dẹp, gần như cung cấp quanh năm cho khách hàng loại thức ăn đặc trưng này./.

Tân Thị Trang - Trung tâm TTXTDL Sóc Trăng

Related Post

Sample Plan