BÁNH GỪNG CỦA NGƯỜI KHMER - SÓC TRĂNG

21/02/2023 622 0

Bánh Gừng là loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ, được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta,... hay đám hỏi, đám cưới. Bánh được trưng trên bàn thờ tổ tiên, với ý nghĩa nhớ đến sự cực khổ của ông bà ngày xưa đã làm ra hạt lúa, hạt nếp cho con cháu ngày nay.

     Nguyên liệu để làm bánh: 1kg bột nếp, 30 quả trứng gà, 01 muỗng canh bột nang mực, một ít nước chanh tươi.

    Cách làm bánh: Đập vỡ trứng, để lòng trứng vào trong thố cho vào một muỗng canh bột nang mực và nước chanh đã chuẩn bị sẵn, đánh đều tay đến khi trứng dậy lên (hay còn gọi nổi rễ tre) thì cho bột nếp vào. Trộn hỗn hợp này lại cho đều rồi dùng tay nhồi cho tới khi có thể nắn bột thành những chiếc bánh có hình thù giống như củ gừng.

     Bắc nồi đáy bằng lên bếp để nóng, đổ dầu vào. Khi nồi dầu đã sôi thả bánh vào chiên cho vàng, gắp bánh nhúng vào chảo đường cát trắng đã thắng sền sệt, tạo thành một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem ra phơi.

     Bánh có thể không dùng trứng gà cũng được nhưng khi chiên bánh chín sẽ có màu trắng.

     Nhờ đôi tay khéo léo của người làm bánh đã tạo thành những chiếc bánh hình củ gừng rất thú vị, nhưng điều đặc biệt ở đây là bánh được chiên bằng nồi không chiên bằng chảo vì như thế bánh mới trơn, láng bóng và không bị cong.

     Vào những dịp lễ, tết của người dân tộc Khmer chúng ta sẽ được thưởng thức hương vị bánh gừng, hấp dẫn với vị giòn tan trong miệng kết hợp với vị béo của trứng vị ngọt của đường.

     Qua hình thù bánh gừng ta có thể hình dung ra đó có thể là một nhánh san hô hay một chiếc gạc nai tuỳ theo cảm nhận của mỗi người./.

Thủy Truyền - Trung tâm TTXTDL Sóc Trăng

Related Post

Sample Plan