STO - Mấy chục năm trước, ở một số vùng nông thôn trong tỉnh Sóc Trăng, mỗi khi cơn mưa xuất hiện, nước lênh láng đồng là bà con nông dân thường rủ nhau chèo xuồng đi hái bông điên điển đem về làm thuốc hoặc chế biến hàng chục món ăn như: canh chua bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển chấm mắm kho, cá kho ăn kèm bún cá, bún riêu cua, bún nước lèo, dưa chua. Đặc biệt có nhiều gia đình người Khmer dùng bông điên điển làm bánh đi lễ chùa vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây và gọi nó là bánh bông điên điển treo cành.
Bánh bông điên điển treo cành được làm theo trí nhớ của tác giả. Ảnh: NGỌC NHÂN
Theo truyền thuyết: "Ngày xửa ngày xưa, khi thần hoa điên điển bắt gặp thần bướm bay qua bay lại toan hút mật, thần bông điên điển mới nghĩ cách hẹn thần bướm sáng mai mặt trời mọc hãy đến hút để cho hoa thêm lớn, thêm xinh. Thần bướm nghe lời. Ngay lúc đó, thần bông điên điển liền báo mộng cho các cô gái mau đến hái trước khi mặt trời mọc. Thần bướm đến trễ tức giận nên đẻ trứng vào bông, trứng nở ra thành sâu".
Vì vậy, để có được những nhánh hoa tươi đẹp, tươi ngon vừa mới hé nhụy, nhiều bông nhất, các cô gái được các dì, các mẹ dạy phải hái buổi chiều, lúc trời chạng vạng, khi đó bông chưa nở tròn đầy nên vẫn giữ được sự tinh túy. Thế mới có câu đồng dao "Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa/Vàng soi đáy nước tóc buông xòa/Chàng trai ve vãn: Chờ em nhé/Lố dạng trời hồng em sẽ qua".
Bông sau khi hái đem về, nhúng nguyên cành vô bột gạo nêm muối, đường đã trộn trứng vịt pha chế sẵn, sau đó các cô gái kéo sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ, bánh giữ nguyên hình dáng của cành bông điên điển. Bánh bông điên điển treo cành là món ăn dân dã nhưng không kém phần thuần khiết, bánh mang nét đặc trưng của người nông dân nghèo ở nông thôn khi xưa. Bởi tất cả những thứ nguyên liệu tạo nên chiếc bánh khi đó đều có sẵn nơi vườn, ruộng, ao nhà. Sau hàng giờ làm việc vất vả trên đồng, bà con nông dân bụng đói cồn cào, tạm nghỉ tay, tạt vô đám tre, bụi trúc gần đó, lấy xuống miếng bánh bông điên điển mang theo, treo trên cành hồi sáng, rồi đưa lên miệng cắn một miếng, cái vị béo ngậy thơm ngon của bánh tứa ra đầu lưỡi khiến người ăn không kịp nhai đã vội nuốt, rồi tu một hơi hết cả chai nước, thế là đủ sức để tiếp tục công việc cho đến chiều tối.
Bánh bông điên điển treo cành thời gian dài là món ăn nhanh của người lao động trong giờ đồng áng, vừa thơm ngon lại vừa chắc bụng. Nhiều người nhận xét vị của bánh hao hao giống món chả tép. Nhưng ở đây người nông dân không dùng tép mà thay bằng bông điên điển.
Hiện nay, loại bánh này thỉnh thoảng mới xuất hiện trong gian bếp của gia đình người Khmer một số nơi và rất hiếm người biết đến sự tồn tại một thời của nó. Khi mọi người muốn ăn bông điên điển thì họ sẽ hái vào bất cứ giờ nào trong ngày, sau khi hái về để nhẹ vô thau nước có pha muối, ngâm khoảng 10 phút để cho sâu bọ, bụi bẩn trôi ra hết, rồi vớt ra để chế biến.
Bông điên điển rất ngon, mùi vị cũng rất riêng, lại là một món ăn đơn sơ, mộc mạc mang nhiều ký ức và hoài niệm đối với người dân vùng nước nổi quê tôi. Ngày nay, bông điên điển không những trở thành một thực đơn quen thuộc trong các nhà hàng, quán ăn mà còn đi vào thơ, ca dao thật đậm đà và thi vị. "Điên điển mà đem muối chua/Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm", hay "Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình ăn chẳng biết ngon". Tuy không phải sơn hào hải vị nhưng chính cái hương vị bình dị thân quen ấy đã khơi gợi lại những hình ảnh thân thương trong ký ức tôi về mái ấm gia đình miền Tây Nam Bộ xưa, một thời ông bà, chú bác, cô dì còn tụ họp sum vầy.
NGỌC NHÂN
Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/nho-banh-bong-dien-dien-treo-canh-64612.html