Cúng tết Trung Thu thường diễn ra vào đêm Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Theo phong tục người Việt, ngoài các hoạt động dành cho trẻ em, trong dịp này người ta còn làm mân cỗ bày trước sân để cúng mặt trăng. Mâm cỗ được chuẩn bị khá chu đáo, có đủ hoa quả, trà, bánh, nhang đèn và bánh in là lễ vật chính không thể thiếu trong đêm cúng trăng.
Từ hình ảnh trăng tròn trong đêm rằm tỏa sáng, người ta liên tưởng đến việc cúng những loại bánh có hình tròn. Đồng thời, tròn còn với ý nghĩa là viên, biểu tượng của sự trọn vẹn, viên mãn cho nên nhiều người còn gọi đây là bánh “đoàn viên”, bánh vầng trăng hay nguyệt bính.
Bánh in được làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường cát, nước cốt dừa, đúc trong khuôn gỗ hình tròn, có hương vị đậu xanh, cacao, dứa và sầu riêng. Ngày xưa, mọi người chỉ cúng bánh in màu trắng thể hiện sự sáng rực của vầng trăng. Ngày nay, bánh in cúng trăng tròn đa dạng mẫu mã và nhiều hương liệu hơn với một số loại như bánh in vàng đậu xanh, bánh in dứa sữa, bánh in ca cao sữa.... Bánh in cúng trăng thường có kích thước lớn hơn so với các loại bánh in thông thường, có thể gần bằng chiếc mâm, với ý nghĩa thể hiện sự to lớn, sáng vằng vặc của ánh trăng, cầu mong cho cuộc sống luôn được tươi sáng, tốt đẹp.
Đối với người Khmer Sóc Trăng, bánh in cũng là loại bánh được dùng làm lễ vật để cúng tạ ơn Mặt Trăng đã ban cho con người sức mạnh, mùa màng tươi tốt trong mỗi dịp lễ hội Ooc - om - boc.
Có thể nói, Trung thu là cái tết đoàn viên, là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau. Trẻ em tung tăng với những chiếc lồng đèn hình ông sao, cá chép…, nô đùa vui hát dưới ánh trăng, những người lớn tuổi trong gia đình thì ngồi kể chuyện sự tích chú Cuội, chị Hằng, cha mẹ thì cầu mong những điều tốt lành cho con cái…/.
TTT