BẢO TỒN NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA LỄ HỘI ĐÌNH TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KINH GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRONG TỈNH

10/03/2020 1110 0

 Nói đến Sóc Trăng, là nói đến vùng đất nổi tiếng về các ngôi cổ tự, đình miếu với nhiều kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của từng dân tộc. Đình của người Kinh không chỉ là không gian tôn giáo, nơi phục vụ các hoạt động thờ cúng, tâm linh, nơi con người thể hiện đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, in dấu những hương ước, lệ làng, những thiết chế lâu đời của nền văn hóa xa xưa.

         Theo số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng năm 2012, toàn tỉnh có 75 ngôi đình, rải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, Kế Sách là huyện có số lượng đình nhiều nhất 20 ngôi, huyện Long Phú 16 và Mỹ Xuyên 10 ngôi; huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị là mỗi địa phương 8 ngôi; thị xã Vĩnh Châu 04 và Ngã Năm 05; nơi có ít đình nhất là thành phố Sóc Trăng và huyện Cù Lao Dung mỗi nơi có 02 đình.

          Từ lâu, đình được xem là không gian thiêng liêng, nơi diễn ra những lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội và do nhiều nguyên nhân khác nhau, những ngôi đình và các lễ hội đình ở một số nơi nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang dần bị mai một. Vì thế việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đình ở Sóc Trăng đang là một vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp thiết thực.

          Cũng như các địa phương khác trong cả nước, các ngôi đình của người Kinh ở Sóc Trăng thờ một vị thần mang tính ước lệ là thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, nghĩa là vị thần che chở cho dân làng của cả một vùng, hoặc để thờ các vị anh hùng dân tộc, người có công với quê hương, được vua sắc phong....

           Ngoài những đặc điểm trên, một số đình làng Sóc Trăng còn là các di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 04 ngôi đình được công nhận là di tích, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia và 03 di tích cấp tỉnh. Ngoài vai trò là nơi góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng của người Kinh, đình còn là điểm đến cho du khách gần xa tham quan thưởng ngoạn, tìm hiểu kiến trúc, nét sinh hoạt. Đình Hòa Tú (ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) là một trong 8 di tích cấp quốc gia của tỉnh được công nhận vào ngày 16/6/1992. Xưa kia, Đình có tên là Đình thần của làng Hòa Tú, một ngôi đình anh hùng trong thời kỳ kháng chiến, dấu ấn lịch sử quan trọng nơi nổ ra khởi nghĩa Nam kỳ vào ngày 23/11/1940, do đồng chí Văn Ngọc Chính – Bí thư chi bộ lãnh đạo đã giành được thắng lợi. Trong khuôn viên của Đình Hòa Tú ngày nay còn lưu giữ bia lưu niệm ghi danh những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khởi nghĩa Nam kỳ. Tiếp theo phải kể đến là Đình thần Mỹ Xuyên tọa lạc tại ấp Chợ Bãi Xàu, làng Hòa Mỹ, Tổng Phong Nhiêu, thuộc tỉnh lỵ Ba Xuyên. (Nay đình thuộc địa bàn ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng). Đình được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX khi hương chức và nhân dân trong làng phấn khởi thỉnh sắc phong “Bổn cảnh Thành Hoàng” do Vua Tự Đức phê tặng vào ngày 29 tháng 11 năm 1852 (âm lịch). Đình thần Mỹ Xuyên là một công trình kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng dân gian còn giữ được khá nguyên vẹn mô típ kiểu kiến trúc đình làng xưa của người Kinh ở Nam Bộ. Ngày 12 tháng 5 năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra Quyết định số 655/QĐHC.04-CTUBT, công nhận Đình thần Mỹ Xuyên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là một di tích tiêu biểu nhất trong các đình làng ở Sóc Trăng.

           Đình thần Khánh Hòa tọa lạc tại khóm Trà Niên, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trong những năm kháng chiến Đình thần Khánh Hòa là một trong những vị trí quan trọng của xã Khánh Hòa, góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đình đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh vào ngày 29 tháng 8 năm 2012. Tại Sóc Trăng, có rất nhiều ngôi đình thờ thần Nguyễn Trung Trực khắp các xã trong toàn tỉnh, trong đó có một số ngôi đình có tuổi thọ hơn một trăm năm như Đình Thần Nguyễn Trung Trực ở ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Đình được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp quyết định công nhận là di tích lưu niệm danh nhân cấp tỉnh năm 2004.

          Mỗi ngôi đình nơi lưu giữ những giá trị tâm linh tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nơi tụ họp vui chơi giải trí sinh hoạt cho người dân trong vùng. Hàng năm, theo phong tục tại các ngôi đình ở Sóc Trăng đều tổ chức những lễ hội cúng đình gắn liền với đời sống lao động của cư dân vùng trồng lúa nước, thường có các lễ chính như Kỳ Yên, Thượng điền, Hạ điền.... Lễ Hạ điền, được cử hành vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như khai trương việc cày cấy, trồng trọt. Lễ Thượng điền, được cử hành vào cuối mùa mưa, lúc mùa màng đã có kết quả. Hai lễ này mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt, nhưng ngày càng bị mất dần.

           Tại các ngôi đình ngày nay, chỉ tồn tại lễ hội chính đó là lễ hội Kỳ Yên. Các lễ hội khác cũng được tổ chức nhưng đơn giản hơn và nhiều nghi thức bị lược bỏ. Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức vào các tháng của đầu năm mới, với ý nghĩa là lễ tế thần Thành Hoàng, lễ cầu an, làng xóm thịnh vượng. Đây là dịp để bà con dân làng tề tựu đông đủ sau một năm lao động và thu hoạch mùa màng, để có dịp ôn lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của tổ tiên và cũng là dịp để tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

Đình Hòa Tú

           Lễ hội Kỳ Yên thường tổ chức trong 03 ngày, bao gồm các lễ chính sau: Túc yết, Đàn cả (quan trọng nhất) và Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền.

          Ngày thứ nhất, tổ chức lễ rước Tổ hát bội. Ngay từ sáng sớm, Ban quý tế cử người bưng một khay gỗ có trầu, rượu, nhang, đèn, tiền lễ cùng 4 quân hầu cận cầm 4 món thuộc lỗ bộ và ban nhạc lễ ra tận cổng để rước Tổ hát bội vào đình, rồi đặt trang trọng sau hậu trường võ ca. Sau đó, đình tiến hành lễ thỉnh sắc thần. Đúng 12 giờ trưa, một đám rước với đầy đủ chiêng, trống, cờ, lộng, long đình, cùng đội nhạc lễ, đội lân... đi đến chỗ cất giữ Sắc thần (thường thì để ở trong một ngôi nhà kiên cố của một vị chức sắc có uy tín). Đến nơi, người có trách nhiệm vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế ngắn gọn, rồi đem sắc đặt vào long đình, rước về. Về đến đình, phải cử hành nghi thức an vị, gồm: một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà, rồi mới đưa tráp đựng sắc phong để trên bàn thờ thần nơi chánh điện.

          Ngày thứ hai và thứ ba, lễ Túc yết (hay còn gọi là lễ Yết) là lễ hương chức tề tựu lại để ra mắt thần, trình cáo với thần về việc tổ chức lễ tại đình. Lễ Đàn cả là lễ chính để tế thần với ý nghĩa tạ ơn thần. Lễ Tiền hiền Hậu hiền là nghi lễ tế các vị tiền nhân có công lập làng, lập đình, khai lộ và các vị anh hùng liệt sĩ địa phương… 

          Trong lễ hội Kỳ Yên, mỗi buổi tối tại đình, có phục vụ hát bội hay còn gọi là hát tuồng. Ban quý tế đình sẽ thuê một gánh hát bội về trình diễn gọi là hát chầu, trước để cúng thần (chức năng chính), sau để giúp vui cho dân làng. Tuồng diễn (thường là 3, 4 tuồng) đều phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy phạm chính thống. Điều này thể hiện rõ trong hầu hết mọi nghi thức, nhất là phần lễ tôn vương. Nói chung, các vở diễn đều phải biểu hiện cho được ý nghĩa: “trung thắng nịnh, chính thắng tà” và kết thúc bằng một màn tôn chân chúa (tôn vương) hay tôn soái. Tuồng hát bội mà các đình thường chọn hát là San Hậu (tôn vương), Trưng Nữ Vương, Lưu Kim Đính, Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quí (tôn soái)... Cuối cùng là lễ hồi Sắc tức đưa Sắc thần về nơi cũ. Nghi thức lễ diễn ra tương tự như khi thỉnh. Sau lễ này, các lư hương của chư thần trong lễ Nghinh cũng hoàn về nơi thờ phụng họ.

          Thời gian sau này, một số loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian trong lễ hội đình dần dần bị mai một. Một số đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được trùng tu vì thiếu kinh phí. Một số khác tuy được trùng tu, ngôi đình đã được làm mới hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại, nên đã mất đi những giá trị văn hóa xưa. Hơn nữa, ngày nay, các ngôi đình làng chỉ thật sự đông đúc và có khách viếng thăm thường vào những ngày có lễ tết; những ngày thường, cửa đình gần như khép kín quanh năm. Theo nhận định của nhà văn Sơn Nam: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền...” . Hiện nay, giá trị và chức năng của những ngôi đình không còn được như nhận định trên, vấn đề này rất cần những công trình nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và các biện pháp để cứu vãn.

Gian thờ đình Mỹ Xuyên

          Trong khuôn viên mỗi ngôi đình thường có diện tích khá rộng, có nhiều cây xanh rợp bóng và hàng rào bao phủ. Đình làng thường cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc, vì thế, đình thường được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, mỗi ngôi đình đều có người phụ trách chăm sóc, hương quả hàng ngày. Một số ngôi đình tiêu biểu như đình thần Nguyễn Trung Trực (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên); Đình thần An Thạnh Nhứt (huyện Cù Lao Dung); Đình thần Năm Ông (thành phố Sóc Trăng), Đình thần Mỹ Xuyên (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên)...

          Lễ hội đình là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tỏ lòng thành kính đối với người có công bảo vệ xóm làng, thể hiện tinh thần nhớ về nguồn cội. Đặc biệt là cách thức giáo dục cho các thế hệ trẻ biết được những truyền thống văn hóa quan trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, tính liên kết cộng đồng, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Việc khôi phục các lễ hội ở đình làng cũng là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, điểm vui chơi giải trí của đông đảo dân làng mỗi kỳ lễ hội. Đồng thời, các ngôi đình ở Sóc Trăng còn là điểm đến độc đáo hấp dẫn, có truyền thống văn hóa lịch sử, kiến trúc tinh tế... tất cả kết hợp lại làm nên một điểm tham quan du lịch thú vị cho khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.

          Bên cạnh những ngôi đình cổ kính là các tín ngưỡng văn hóa khác liên kết lại trong quá trình cộng cư sinh sống giữa các dân tộc trong tinh Sóc Trăng. Về thị trấn Mỹ Xuyên, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều đình, chùa miếu mạo, những quần thể kiến trúc này được xây dựng bề thế, uy nga và tráng lệ với lối kiến trúc đặc trưng tiêu biểu đại diện cho cả 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, có thể phát triển thành một tuyến du lịch hấp dẫn du khách nếu được đầu tư và quảng bá. Ngôi chùa đầu tiên dọc theo tuyến tham quan là chùa Ba Thắc, tên gọi của một cửa sông đã mất trong 9 cửa sông Mê Kông đổ ra biển Đông thuộc địa phận xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Phía bên trong chùa có bàn thờ Ông gọi là Ông Ba Thắc, hình Ông không có nhưng có một tảng đá gọi là cốt để thờ Ông. Tiếp theo là chùa Luông Bassac Bãi Xàu của người Khmer, một ngôi chùa cổ, có nhiều công trình kiến trúc đẹp mang đậm màu sắc văn hóa – tâm linh của người Khmer Nam Bộ. Theo lối kiến trúc đình miếu với những khung cửa bằng những tảng đá xanh lớn vững chắc nổi bật cùng gam màu đỏ rực rỡ nhiều dòng chữ Hán là Chùa Thiên Hậu Quảng Châu và chùa Thiên Hậu Triều Châu, xây dựng vào khoảng năm 1890. Ngoài ra, còn có chùa Ông Bổn, chùa Xén Cón,… tạo nên sự đa dạng về nét văn hóa của người Hoa trên vùng đất Bãi Xàu xưa. Chùa Phước Lâm, của người Việt xây dựng vào khoảng năm 1886, theo đường lối Trúc lâm thống nhất của Phật giáo Việt Nam. Nhà chùa còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện khác như: xây dựng nhà tình thương; cấp gạo, mì gói cho người nghèo trong vùng.... Đặc biệt, Đình thần Mỹ Xuyên tọa lạc tại một khuôn viên rộng khoảng 800m2. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng dân gian theo mô típ kiểu kiến trúc đình làng xưa của người Việt ở Nam Bộ. Cùng với các công trình tôn giáo tín ngưỡng lân cận khác, đình thần Mỹ Xuyên đã tô đậm thêm nét độc đáo nền văn hóa từ lâu đời của ba dân tộc anh em nơi đây. Về thị trấn Mỹ Xuyên, ngoài việc thưởng thức những món ăn đặc sản như bún nước lèo, bún gỏi dà, du khách có thể khám phá các quần thể kiến trúc cổ kính trên, ẩn chứa nhiều truyền thuyết văn hóa từ thời khai hoang. Hãy đến vùng đất này để cảm nhận một không gian trầm lắng, tĩnh mịch, để nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng... Để du khách biết đến các ngôi đình, phải đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh, lễ hội với nhiều hình thức, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý tốt các di tích, giữ gìn bảo vệ giá trị lịch sử văn hóa dân tộc./.

Tân Trang

Related Post

Sample Plan