Với dân số gần 18 triệu người, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất còn non trẻ, có 4 dân tộc chính cùng cộng cư lâu đời. Đó là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm và một số ít là dân tộc Tày, Nùng .v.v. . . Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, lễ hội văn hóa độc đáo.
Dân tộc Khmer Tây Nam bộ chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số của 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ. với khoảng 1.300.000 người. Chỉ riêng hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tỷ lệ người dân tộc Khmer đông nhất với trên 700.000 người. Hàng năm, dân tộc Khmer có các lễ tết chính như Tết Chôl-chnăm-thmây, Lễ Sen Đôn ta, Lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo. Ngoài ra còn có các lễ nghi tôn giáo khác như Nhập hạ, lễ Dâng bông, lễ khánh thành chính điện (lễ Kiết giới-sima), Lễ xuống tóc đi tu v.v. . .
Trong năm, lễ hội sôi nổi nhất, hấp dẫn nhất, thu hút lượng người đông nhất là Lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo hay còn gọi là Lễ Cúng Trăng, lễ đút cốm dẹp ( theo từ Khmer thì Ooc là đút, còn om-boc là cốm dẹp). Lễ hội này có từ lâu đời và được truyền lại cho đến ngày nay. Có nhiều truyền thuyết để giải thích về hội đua ghe ngo. Đó là bắt nguồn từ thời xa xưa, do nhu cầu đánh nhau giữa các bộ tộc để tranh giành quyền lực, bảo vệ vùng đất chiếm cứ và chiếc ghe ngo là phương tiện chở nhiều người, di chuyển nhanh nhất trên sông nước để chiến đấu. Một truyền thuyết khác bắt nguồn từ việc các phum sóc đua nhau đưa các vị sư về chùa do nước lụt dâng cao, không đi bằng đường bộ được. Những người dân thấy rằng đây là dịp để các phum sóc đua tài, nên hàng năm đều tổ chức. Một lý giải khác bắt nguồn từ quá trình tộc người Khmer sinh sống trên vùng sông nước nên thường xuyên phải chống lại các loài thủy quái, nhất là cá sấu và loài rắn bơi rất nhanh trong nước. Chiếc ghe Ngo chính là sự mô phỏng hình dáng của con rắn khi hoạt động. Lại có sự tích về vua Người và vua Rồng gặp nhau vào ngày 15/10 và thi thố bơi đua giữa hai vua. Vua Người độc ác, đã giết chết vua Rồng để giành lấy vợ của vua Rồng. Sau đó, vua Người chết, vua Rồng được tiên trên trời cứu thoát và đoàn tụ cùng vợ con. Nhưng vợ Vua Rồng nói đã thương vua Người và xin vua Rồng cho tổ chức ngày hội đua ghe vào ngày 15/10 hàng năm để kỷ niệm ngày hai vua gặp nhau v.v. . .
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, Sóc Trăng có sông rạch chằng chịt, thuận lợi cho giao thông thủy và có điều kiện để tổ chức đua ghe Ngo. Vì vậy, Sóc Trăng chính là trung tâm tổ chức Lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo từ trước ngày giải phóng 30/4/1975. Lúc đầu Hội đua ghe Ngo được tổ chức tại vàm Dù Tho rồi dời về Nhu Gia thuộc huyện Mỹ Xuyên, sau đó chính thức dời về khu vực TP. Sóc Trăng hiện nay. Đường đua nằm trên kinh Maspéro, đoạn giáp sông Sung Đinh về tới khán đài đua ghe ngo kế cận trung tâm TP.Sóc Trăng. Khán đài được đầu tư xây dựng với quy mô trên 3.000 ghế. Ngân sách Nhà nước đã đầu tư đường đua dài 2.000m cùng bờ kè hai bên bờ sông, giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí lên tới 214 tỷ đồng, chưa kể khán đài đua ghe Ngo đã xây dựng trước. Với vị trí và tầm vóc của Lễ hội Ooc-om-boc và đua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng, sự hoàng tráng và thu hút công chúng khu vực và cả khách quốc tế, Chính phủ đã quyết định nâng lễ hội lên tầm quốc gia và tổ chức "Fesival đua ghe ngo Sóc Trăng" đầu tiên vào năm 2013.
Lễ hội đua ghe Ngo
Năm 2014, Hội Đua ghe ngo Sóc Trăng, tuy không là Festival theo định kỳ, nhưng đã thu hút trên 60 đội nam, nữ của các tỉnh ĐBSCL tham gia với trên 3.600 vận động viên. Hàng trăm ngàn người, trong đó có nhiều du khách trong và ngoài nước đã dự khán, cổ vũ cho cuộc đua diễn ra trong 2 ngày liên tiếp 5 và 6/11/2014.
Năm 2015, Lễ Hội Đua ghe Ngo (không dùng từ Festival) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng lần thứ 2, được tổ chức quy tụ 53 đội ghe nam và nữ của đội chủ nhà tỉnh Sóc Trăng và 4 tỉnh bạn là Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Hàng trăm ngàn lượt người đến xem và cổ vũ cuộc đua trong 2 ngày 24 và 25/11/2015.
Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và cả quốc tế đều có chung nhận xét: Lễ hội Ooc-om- boc - đua ghe ngo ở Sóc Trăng có những nét độc đáo riêng biệt, hết sức đặc sắc. Tiến sĩ Phú Văn Hẳn - Trung tâm Nghiên cứu dân tộc và tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, có nhận xét: "Đây là một lễ hội độc đáo mang tính dân tộc và cộng đồng rất cao của người Khmer Sóc Trăng. Việc lễ hội này trở thành lễ hội chung của quốc gia là xứng đáng".
Phải khẳng định rằng, Lễ hội Ooc-om-boc - Đua ghe Ngo là lễ hội hoành tráng nhất, là môn thể thao hết sức hấp dẫn, quy tụ đông đảo vận động viên và người tham gia cổ vũ, không chỉ dân tộc Khmer mà cả đồng bào Kinh, Hoa và các dân tộc khác, trong và ngoài khu vực ĐBSCL tham gia, kể cả khá nhiều du khách quốc tế cũng theo tour về Sóc Trăng để hòa mình vào Lễ hội này.
Dàn nhạc lễ tại chùa Dơi
Tuy nhiên, để lễ hội thu hút nhiều hơn du khách, nhất là khách quốc tế, tham gia chứng kiến Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, từ kế hoạch tổ chức, mời gọi các đội tham gia, đến khâu quảng bá, giới thiệu, ít nhất là trước ngày khai mạc từ 3 tháng đến 6 tháng, để các công ty lữ hành giới thiệu tour về Sóc Trăng với du khách quốc tế và trong nước, đến công tác tổ chức ăn nghỉ, tham quan cho du khách. Những năm qua, một số công ty du lịch từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đề nghị Sóc Trăng ưu tiên họ có ghế ngồi cho du khách trên khán đài và có thể tạo điều kiện cho du khách quốc tế “ nhập cuộc”, là tay bơi chứ không phải là khán giả. Địa phương có thể sắp xếp, đáp ứng được nhu cầu ghế ngồi, nhưng để tiếp nhận vận động viên nghiệp dư quốc tế như vậy là khó khăn vì muốn là vận động viên phải được đào tạo bài bản, về tư thế ngồi, cách bơi như thế nào, cần nhất là phải có thể lực, dẻo dai v.v. . . Nếu không đáp ứng thì khó có đội ghe nào có thể nhận vì sẽ ảnh hưởng đến hành tích của đội. Còn nếu tổ chức một đội riêng cho khách du lịch thì lại không đủ người và cũng không thể đua cùng các đội gần như chuyên nghiệp được v.v. . .. Như vậy, giải quyết bài toán này phải có sự tham gia của nhiều ngành.
Đặc biệt để du khách trải nghiệm đua ghe Ngo không đúng thời điểm lễ hội, ngành chức năng cùng kết hợp hướng dẫn du khách cách ngồi, cách cầm dầm, cách bơi . . .Chiếc ghe ngo dài quá cần vận động doanh nghiệp tham gia đóng ghe ngo thu nhỏ để có thể 10-15 du khách có thể điều khiển chiếc ghe và có thể tổ chức thi đấu giữa các đội khách quốc tế và địa phương v.v. . . .
Như vậy, người dân là những vận động viên các ghe sẽ có điều kiện tham gia huấn luyện, hướng dẫn cho du khách. Những dịch vụ ăn, nghỉ, buôn bán sản phẩm, quà lưu niệm cho du khách ở khu vực này sẽ phát triển tốt hơn. Mặt khác để có thể phát huy khán đài và đường đua, ngoài đua ghe Ngo, cần có kế hoạch tổ chức hàng quý các cuộc thi đua thuyền rồng, ba lá, võ lãi, kéo dù bo bo . …
Trong Lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo, ngoài đua ghe ngo còn có phần lễ, hoạt động thể thao, văn nghệ truyền thống hết sức hấp dẫn. Có thể tạo điều kiện cho khách du lịch tham gia các lễ cúng Trăng, lễ thả đèn nước, hướng dẫn cách làm đèn nước, cùng tham gia dự thi; tổ chức cho du khách tham gia các trò chơi, thể thao dân gian như bi sắt, đua ghe ngo trên cạn, bóng chuyền, cờ ốc . . . Ngoài ra, có thể hướng dẫn khách du lịch các điệu múa dân gian Khmer, cách làm bánh ống, bánh gừng, làm các món ăn của người dân tộc v.v. . .
Khách quốc tế đến xem đua ghe Ngo
Nếu tổ chức và kết hợp tốt các hoạt động nêu trên với phát huy loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh tín ngưỡng . .. sẽ làm phong phú thêm loại hình du lịch thu hút du khách đến Sóc Trăng. Người dân địa phương được hướng dẫn, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để tham gia du lịch cộng đồng, xây dựng nhà nghỉ cho khách theo kiểu homestay, hướng dẫn du khách ca, múa, tập đánh dàn nhạc ngũ âm, tập nắn tượng, vẽ tranh, nấu ăn . . . . Từ đó sẽ làm cho các hoạt động du lịch và dịch vụ được đa dạng hơn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tăng thu ngân sách cho địa phương. Hoạt động du lịch, văn hóa, văn nghệ, đời sống tinh thần sẽ ngày càng phát triển, giao lưu văn hóa được tăng cường, mở ra nhiều cơ hội cho người dân nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần.
Để có thể đạt được các mục tiêu nêu trên, công tác quy hoạch du lịch của tỉnh phải được triển khai đồng bộ, các ngành và từng địa phương phải hợp tác chặt chẽ, có giải pháp xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm và nhất là người dân được tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thuận tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương.
Với quy mô của lễ hội Ooc-om-boc – Đua ghe Ngo hàng năm và định kỳ tổ chức Hội Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Sóc Trăng, mời thêm các đội ghe của các nước trong khu vực tham gia, đa dạng các hoạt động du lịch và dịch vụ, có những sản phẩm du lịch mới, không trùng lắp, phát huy tốt sự tham gia của người dân trong hoạt động du lịch, Sóc Trăng sẽ ngày càng tạo được thương hiệu du lịch trong nước và thế giới, trở thành điểm đến không thể thiếu được của các chương trình tour du lịch của các công ty lữ hành./.
Trịnh Công Lý