Đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL có hơn 1.3 triệu người, hiện đang cư trú xen kẻ cùng với người Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, tập trung đông nhất ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang. Là một dân tộc gắn với Phật giáo Nam tông nên trong các phum, sóc của người Khmer đều có chùa để người dân đến thực hiện các nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng.
Chánh điện chùa Kh'leang
Ngôi chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ Phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên và điều mong ước của con người đang sống là khi mất đi được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Phật pháp. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu trong khuôn viên, ẩn mình dưới tán lá của những cây cổ thụ như: cây dầu, cây sao hay cây thốt nốt. Vì thế, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng, lưu giữ những giá trị văn hóa của người Khmer và là nơi các sư sãi sinh sống.
Có thể nói, lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là đạo Phật, con người phải rèn luyện theo đạo pháp. Theo quy định chung, sư sãi phải tụng kinh ngày 3 lần: sáng, trưa và chiều. Còn phật tử mỗi tháng lên chùa tụng kinh 6 lần, nhất là vào các ngày 15, 30 âl hàng tháng. Thông thường ở mỗi sóc người Khmer đều có một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa trung bình có từ 15 đến 30 vị sư. Đời sống của các vị sư được duy trì bằng sự quyên góp, cúng tiến của người dân và đó được xem là một niềm tự hào, hạnh phúc trong cuộc sống của người Khmer.
Tượng Phật trong chùa Dơi
Đối với mỗi người con trai Khmer, dù thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để rèn luyện nhân cách, học giáo lý phật pháp. Về nguyên tắc, đi tu lúc 12 đến 20 tuổi là trả ơn mẹ, từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu là nghĩa vụ và vinh dự của cuộc đời. Qua đó cho ta thấy, ngôi chùa là nơi giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên về phẩm chất và đạo đức.
Chùa bao giờ cũng được xây dựng ở nơi cao ráo, bằng phẳng. Ngôi chánh điện được quy định luôn luôn quay về hướng trời mọc. Chánh điện là nơi cử hành các cuộc lễ lớn: lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Ooc- om-boc, lễ Dolta,…Ngoài ý nghĩa là trung tâm thờ Phật, Chánh điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc và trang trí của người Khmer. Lễ hội thường gắn với các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc như: nghệ thuật sân khấu Dù Kê, kịch múa Rô Băm, múa dân gian Sarawan, Rom vong. Hiện nay, mỗi ngôi chùa của người Khmer thường có phòng đọc sách, trường học chữ, học giáo lý,… Mỗi ngôi chùa đều có bia ghi lại ngày xây dựng, trùng tu chùa, giúp mọi người hiểu được lịch sử quy tụ con người từ buổi đầu khai phá vùng đất mới, lập nên những phum, sóc ngày càng phát triển.
Ngôi chùa trong cộng đồng người Khmer được tạo nên từ những nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, thể hiện sự giao thoa với văn hóa cộng đồng người Kinh – Hoa Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm sự phong phú trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam./.
ND - tổng hợp(http://www.bienphongvietnam.vn)