Lễ hội Cúng Phước Biển là lễ hội chủ yếu của người Khmer vùng biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Người Khmer gọi là Chrôirum check, dân gian quen gọi là Lễ Cúng Phước Biển, được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, thu hút rất nhiều du khách.
Ảnh: TCL
Lễ Cúng Phước Biển Vĩnh Châu tồn tại hàng trăm năm nay, với ý nghĩa nhằm tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản quý giá và cầu nguyện cho người đi biển được bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Ban đầu lễ này chỉ diễn ra tự phát với quy mô nhỏ, hình thành từ ý tưởng của một nhà sư người Khmer tên là Tà Hu. Lúc đầu, ông dựng một ngôi tháp trên giồng cát, gần chùa Cà Săng (Srei Krosang) ở làng biển xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nay cũng là nơi tổ chức lễ hội để đồng bào Phật tử đến thắp hương, thành tâm khấn bái. Ông chọn ngày rằm tháng 2 âm lịch (tức rằm tháng 11 của người Khmer) để lập đàn làm phước, vì đây là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp tôm cá. Sau đó dần dần buổi làm phước này được nhiều người dân quan tâm, nhiệt tình hưởng hứng vì nó đáp ứng được tâm nguyện của họ. Từ đó, Lễ Cúng Phước Biển hình thành và trở thành một lễ hội truyền thống không chỉ của người Khmer mà còn của cả người Việt và người Hoa sống quanh vùng này.
Ngày nay, Lễ hội Cúng Phước Biển được tổ chức tại chùa Cà Săng: bắt đầu bằng lễ cầu siêu, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với dân làng. Sau đó, người ta rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến khu vực hành lễ, nơi dựng sẵn một cái rạp với chiều dài 8m, ngang 18m. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và chư tăng thuyết pháp. Sau các nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo là những hoạt động hội hè, giải trí. Nhiều trò chơi dân gian giàu tính truyền thống của dân tộc Khmer được tổ chức như đua bò kéo xe, đua ghe ngo trên cạn, thi đua tưới rẫy, đẩy xiệp, thi lượm củ hành,... Ngày hội cũng có những chương trình biểu diễn văn nghệ với những điệu múa uyển chuyển, điêu luyện của các cô gái Khmer và cả vũ điệu cổ truyền như múa gà, múa khỉ của các nghệ nhân Khmer.
Tuy diễn ra trong vòng hai ngày, nhưng Lễ hội Cúng Phước Biển Vĩnh Châu hết sức tưng bừng, náo nhiệt, rộn ràng với lời ca, tiếng hát, qua đó cho ta cảm nhận được tấm lòng tri ân biển cả của đồng bào Khmer ở vùng biển này.
TTT - Trung tâm TTXTDL tỉnh Sóc Trăng