CHÙA MAHATUP - ĐÀN DƠI VỀ CÀNG NHIỀU

16/03/2023 378 0

  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có một số địa điểm là nơi sinh sống của các loài dơi Ngựa; trong đó, đáng kể nhất là khuôn viên chùa Mahatup (chùa Dơi) và khu vực rừng bần phòng hộ thuộc xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung). Đáng chú ý là số lượng cá thể ở các địa điểm trên ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng săn bắt trái phép và chặt phá sinh cảnh.

          Vì vậy, vấn đề  bảo tồn đàn dơi, nhất là tại chùa Mahatup luôn được lãnh đạo các cấp ngành quan tâm. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã mời nhiều nhà khoa học cùng thực hiện dự án bảo tồn đàn dơi nhằm nghiên cứu, theo dõi, điều tra, đánh giá hiện trạng của đàn dơi Ngựa ở khuôn viên chùa Mahatup và các vùng phụ cận về thành phần loài, số lượng cá thể trong đàn hiện tại, loại thức ăn, phạm vi kiếm ăn, biến động số lượng và mức độ suy giảm trong những năm gần đây. Từ đó, xây dựng và đề xuất những giải pháp bảo tồn cấp bách và lâu dài đàn dơi Ngựa ở chùa Mahatup.

Một góc đàn Dơi

          Theo kết quả điều tra và nghiên cứu bước đầu cho thấy đàn dơi sinh sống trong khuôn viên chùa Mahatup (chùa Dơi) có 02 loài, đó là dơi ngựa lớn và dơi ngựa Thái Lan với số lượng thường xuyên thay đổi theo mùa, tập trung từ tháng 9 đến hết tháng 3 năm sau, trung bình cao nhất khoảng 1.800 và thấp nhất từ 200 - 300 cá thể. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có sự tác động của con người nên số lượng đàn dơi ngày càng suy giảm và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc di dời sang vùng khác rất cao như trình trạng của ngôi chùa tại Thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề).

          Mặc dù vậy, vào khoảng cuối tháng 9/2013 đến nay thì số lượng đàn dơi đã có sự chuyển biến tích cực hơn, dơi về sinh sống trong khuôn viên chùa ngày một tăng lên đáng kể, điều này khiến cho các sư sãi, khách du lịch, người dân sinh sống gần chùa hết sức phấn khởi vì đàn dơi đang dần khôi phục trở lại. Theo lời sư Kim Rêne - trụ trì chùa: "việc dơi tập trung về sinh sống trong khuôn viên chùa ngày càng nhiều là một điều đáng vui mừng vì dơi đã gắn bó với ngôi chùa, các sư sãi và bà con xung quanh vùng. Đồng thời, chùa cũng là trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan và chiêm nguỡng".

          Hy vọng rằng, với việc sẽ tăng cường bảo vệ đàn dơi tại chùa Mahatup bằng nhiều biện pháp, ngăn cấm, xử lý kịp thời các vụ việc săn bắn và buôn bán dơi, giảm ô nhiễm môi trường quanh khu vực dơi sinh sống, sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn đàn dơi quý hiếm tại chùa. Đặc biệt về lâu dài và hiệu quả chính là việc thường xuyên cập nhật thông tin cho du khách hiện trạng về số lượng dơi, các hoạt động gây tổn hại đến dơi, tuyền truyền, giáo dục trong nhà trường, người dân, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc bảo vệ loài dơi, góp phần gìn giữ bền vững một di sản văn hóa cấp quốc gia là chùa Mahatup./.

                                                                                                                                                                                                          Nguyễn Dũng

Related Post

Sample Plan