DU LỊCH SÓC TRĂNG NHIỀU BƯỚC CHUYỂN MỚI

29/03/2023 339 0

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng có nhiều bước chuyển mới, vươn xa tới thị trường các tỉnh miền Trung, miền Bắc, hình thành nhiều sản phẩm, mô hình du lịch mới phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế đặc trưng của tỉnh.

Thiền viện Trúc lâm Sóc Trăng

      Trong thời gian qua, ngành du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để phát triển, thể hiện qua những chủ trương, chính sách đang thực hiện: Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; đặc biệt là Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động số 06/CTr - UBND, ngày 12/12/2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng năm 2025 đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Khách sạn Quê Tôi

     Nắm bắt được xu thế phát triển, một số doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở lưu trú du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 160 cơ sở lưu trú, trong đó có 69 cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng gồm 01 khách sạn 03 sao, 11 khách sạn 02 sao, 21 khách sạn 01 sao và 36 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, với hơn 1.400 phòng. Một số khách sạn được xây dựng mới theo hướng đạt chuẩn từ 02 đến 03 sao như khách sạn Satraco Royal (khu vực nhà hàng chùa Dơi), khách sạn Quê Tôi, với quy mô 115 phòng. Đồng thời, nhiều loại hình homestay (loại hình du lịch nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương), farmstay (du lịch kết hợp nông trại) bước đầu đang hình thành, phát triển, thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị lữ hành và khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như Zivuu Homestay (phường 10, TP. Sóc Trăng), Sân Tiên Farmstay (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung), Homestay của gia đình bà Đinh Thị Trí (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung)...

Du khách đi tàu trải nghiệm rừng ngập mặn ven biển tại Cù Lao Dung- Ảnh Lý Phương

     Dịch vụ ăn uống, mua sắm cũng đang được đầu tư xây dựng mới: Trung tâm thương mại Vincom Plaza, TP Sóc Trăng; quán Gạo Tẻ Sóc Trăng (khám phá ẩm thực đất Phương Nam); một số quán ăn tuyến đường Lê Duẩn (quán Đông Xuân, quán Tý Ka, quán Hùng Mai), nhiều siêu thị Bách hóa xanh, Vinmart ra đời… đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống về đêm cho du khách. Trong thời gian tới, định hướng sẽ hình thành khu ẩm thực tiêu biểu phục vụ thường xuyên cho khách du lịch thưởng thức các món bánh dân gian truyền thống, ẩm thực đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại Sóc Trăng hứa hẹn sẽ là điểm nhấn giữ chân du khách lưu trú về đêm.

     Bên cạnh đó, với kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích lịch sử, các điểm đến du lịch cũng được đầu tư, xây dựng, tôn tạo góp phần nâng chất, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 44 di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) được xếp hạng, trong đó có 08 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh, bao gồm 26 di tích lịch sử cách mạng, 10 di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 di tích lưu niệm danh nhân, 03 di tích chứng tích chiến tranh, 01 di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ và 01 di tích thắng cảnh; 4 điểm du lịch cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng Sóc Trăng còn có 04 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận: nghệ thuật sân khấu Dù kê (năm 2014); nghệ thuật múa Rô băm của đồng bào dân tộc Khmer (năm 2019); Lễ hội Nghinh Ông (năm 2019) và nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong (2019). Trong đó, một số di tích được trùng tu, tôn tạo mới như điểm du lịch Tân Huê Viên, chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Som-Rong, chùa Quan Âm Đông Hải (Hồ Bể); khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền Viện Trúc Lâm), miếu bà Đen (chùa Dơi)... Bên cạnh đó, Sở VHTTDL còn hỗ trợ kinh phí cho một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng: 20 chiếc xe đạp và làm đường nội bộ cho Khu du lịch cồn Mỹ Phước xã Nhơn Mỹ huyện Kế Sách; xây dựng 02 nhà vệ sinh cho điểm du lịch sinh thái An Nghiệp, xã An Thạnh 3 huyện Cù Lao Dung…

     Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch đang được đầu tư, đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉnh luôn duy trì tham gia các sự kiện du lịch, tăng cường gặp gỡ, tư vấn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Kết quả, hiện tại, có gần 40 công ty lữ hành ở khu vực miền Bắc và 21 công ty lữ hành khu vực miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh đã bán tour đưa khách về Sóc Trăng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành: liên kết cụm phía Tây Sông Hậu; liên kết cụm Bán đảo Cà Mau; liên kết giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); thành phố Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu; Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa...Trong thời gian tới, tỉnh sẽ định hướng liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL, cụ thể: liên kết phát triển du lịch đường sông kết nối với dự án Cảng Nước sâu huyện Trần Đề; phát triển du lịch dọc tuyến sông Hậu (du lịch biển từ Cần Thơ – Kế Sách – Long Phú – Cù Lao Dung – biển Đông); phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và huyện Cù Lao Dung, kết hợp vườn cây ăn trái huyện Kế Sách…

     Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch phục vụ du khách đến tham quan như: hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đăng ký cho khách du lịch xem đua ghe Ngo, lễ Cúng Trăng, Lễ thả Đèn nước; dịch vụ xe điện phục vụ đưa khách tham quan thành phố Sóc Trăng; dịch vụ cho khách chèo xuồng tại chợ nổi Ngã Năm; bơi xuồng tham quan trong Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng; dịch vụ đưa phà cho khách tham quan và vui chơi tại rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung; xây dựng 30 tiết mục văn nghệ tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa có thời lượng từ 5 phút đến 120 phút… để phục vụ du khách.

          Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Sóc Trăng ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan, tăng doanh thu cho ngân sách tỉnh. Năm 2016, tổng lượng khách đến 1.415.161lượt, trong đó khách quốc tế là 56.012 lượt và doanh thu đạt là 397,1 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng lượng khách đến Sóc Trăng là 2.400.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 90.000 lượt và tổng doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng khách lưu trú qua đêm cũng không ngừng tăng lên, năm 2019 là 450.000 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế là 35.000 lượt, trong khi năm 2016 chỉ có 235.100 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế là 19.100 lượt.

     Có thể khẳng định rằng, du lịch Sóc Trăng đang từng bước phát triển đột phá, trở thành điểm đến thân thiện cho du khách gần xa bởi hương vị ẩm thực độc đáo, danh lam thắng cảnh hữu tình và sự chân tình mến khách của cộng đồng 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa./.

Tân Trang

Related Post

Sample Plan