Có thể bắt đầu với tên gọi Mỹ Xuyên, vùng đất này đã có từ rất lâu đời, cắt nghĩa theo mỹ từ một cách nôm na thì có nghĩa là “sông đẹp”, trong đó xuyên nghĩa là sông, còn mỹ là đẹp. Tên gọi của đơn vị hành chính này nằm trong một chỉnh thể của vùng đất Sóc Trăng xưa. Thời vua Minh Mạng, Sóc Trăng có cái tên rất đẹp là Nguyệt Giang tức là Sông Trăng và sau nữa, thời Pháp thuộc là Ba Xuyên (ý chỉ ba con sông hay ba cửa sông lớn). Đó là những cái tên tuyệt mỹ, thơ mộng, gợi nhiều sự liên tưởng về một vùng đất có nền văn hóa lâu đời và đóng vai trò chủ thể trong nhiều giai đoạn lịch sử của tỉnh Sóc Trăng.
Và hẳn vậy, từ trong những tên gọi đó đã toát lên vẻ đẹp của nhiều yếu tố văn hóa pha trộn mà có lẽ theo tôi nổi bật nhất là văn hóa ẩm thực. Mỹ Xuyên là cái nôi của những món ăn, thức uống làm rạng danh vùng đất Sóc Trăng từ rất lâu đời mà nếu không nhắc lại hẳn sẽ là một sự phủ nhận đáng tiếc và gây nhiều sự lầm tưởng về văn hóa giữa các vùng trong tỉnh Sóc Trăng. Nay có dịp gợi nhớ cũng là để khẳng định rằng Mỹ Xuyên có phong cách văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, tạo được dấu ấn rất riêng cho vùng đất được coi là rộng lớn nhất, nhì của tỉnh Sóc Trăng.
Từ xưa, Mỹ Xuyên vốn là một trung tâm buôn bán nổi tiếng sầm uất với nhiều hoạt động thương mại và nhiều tàu buôn nước ngoài đến đây giao lưu, trao đổi hàng hóa. Có lẽ, nền tảng thương mại từ xưa này đã tạo cho Mỹ Xuyên một vị thế rất riêng về văn hóa ẩm thực?! Vì chính ở thương cảng Bãi Xàu là nơi tập trung đông người rất thuận tiện cho việc buôn bán các món ăn… Dần theo thời gian, đến thời Pháp thuộc, rượu gạo ở Mỹ Xuyên nổi tiếng nhất nhì xứ Nam kỳ mà nhiều người vẫn quen gọi là rượu Công Xi, tiếc là nay không còn nữa!. Vốn xuất phát từ một vùng đất mà điều kiện tự nhiên đã ưu đãi cho con người thuận lợi nhiều trong việc làm nghề nông và nuôi trồng thủy sản, Mỹ Xuyên còn được nhiều người biết đến với nhiều loại bánh, món ăn nổi danh ở khu vực Nam Tây Nam bộ hiện nay.
Bánh tráng bà Lèo. Ảnh tư liệu
Đó là những chiếc bánh tráng mang tên Vịnh Bà Lèo - một thứ bánh thơm ngon, dẻo mềm không thua gì bánh tráng Trảng Bàng của miệt Tây Ninh. Sự ghi nhận đó không phải là hư danh mà được kiểm chứng bằng những sản phẩm tinh tế được làm ra từ bàn tay khéo léo của người dân ở xứ này đã được nhiều người thừa nhận. Rồi những món ăn quen thuộc khác như “bò nướng ngói”, về món ăn này tôi cho rằng, duy chỉ có đất Mỹ Xuyên là độc quyền hơn cả. Ai đã từng ăn món này dù chỉ một lần hẳn sẽ để lại trong lòng những ấn tượng khó phai về thức ăn vừa mang tính dân gian lại vừa hết sức sang trọng. Thịt bò thái mỏng, ướp gia vị rồi để lên miếng ngói nướng trên lò than, đợi đến khi miếng ngói nóng đều đổ mỡ vào cho sôi, thịt bò chín dần, sẵn tay, lấy cái bánh tráng Vịnh Bà Lèo cuốn tròn với rau sống, cho thịt bò còn nóng vào… chấm với nước mắm ngon tuyệt. Nước mắm làm cũng là một độc chiêu của món ăn này vì nó quyết định đến sự thành bại của cái ngon và cả việc kinh doanh nữa. Dấu ấn rất riêng là bạn không bao giờ pha chế được một loại nước chấm như vậy dẫu biết rằng vẫn có mắm nêm, tỏi ớt, gia vị và có khóm trái đâm nhuyễn trộn vào nên nước chấm mới ngon đến vậy… Xưa, người bán món này ở thị trấn Mỹ Xuyên (tục gọi là chợ Cũ) nhà lá lụp sụp, nay lầu cao ba tầng mà món ăn người ta biết và tìm đến mỗi lúc một đông và đều đặn hơn. Có thể nói, món ăn này cùng với món “bánh cống Đại Tâm” và “bún nước lèo” đã làm nên phong vị của vùng đất Mỹ Xuyên.
Bún nước lèo. Ảnh minh họa
Thật vậy, có nhiều người biết đến bún nước lèo Sóc Trăng nhưng nguồn gốc của nó theo tôi bắt nguồn từ Mỹ Xuyên, vì qua các thời kỳ lịch sử Mỹ Xuyên luôn là trung tâm văn hóa ẩm thực của tỉnh Sóc Trăng. Vậy nên nói bún nước lèo Sóc Trăng thì cũng chính là nói đến bún nước lèo ở Mỹ Xuyên vậy. Món này là sản phẩm ẩm thực đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Bún được làm từ hạt gạo thơm ngon, con cá lóc, con tôm bạc đất, thịt heo quay để sẵn rồi nấu nồi nước lèo gồm mắm và ít ngải bún cho thơm, chọn thêm ít hẹ, rau muống, bắp chuối thái, rau thơm… thế là đủ thức cho một món bún tuyệt vời. Bún nước lèo ở Mỹ Xuyên có cái riêng so với các vùng khác là vị vừa ăn (không mặn như bún mắm ở Bạc Liêu, Cà Mau) lại có cọng bún rất nhỏ, trắng đục không giống với các vùng khác như ở Hậu Giang, Cần Thơ… cọng bún to, trong vắt… và vị nấu cũng khác nhiều. Ẩm thực mỗi vùng có cái riêng nhưng để cái riêng đó còn lại trong lòng du khách là một bí quyết của cư dân Mỹ Xuyên nên thi thoảng ta vẫn thấy dân thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng khác đến Sóc Trăng phải đi ăn cho kỳ được món bún khoái khẩu này. Và sau nữa, ta lại thấy bún nước lèo Mỹ Xuyên là sản phẩm giao thoa văn hóa ẩm thực của ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer trên cùng địa bàn cư trú. Nước lèo có ngải bún mang đặc trưng ẩm thực của đồng bào Khmer (gần giống món xiêm lo), với món chính là bún gạo là sản phẩm trí tuệ nông nghiệp của người Kinh, và trong thức ăn này có thịt heo quay vốn là món ăn quen thuộc của người Hoa. Như thế, có võ đoán chăng?! Vì mỗi người cảm nhận ẩm thực một cách riêng…
Bánh cóng. Ảnh minh họa
Và sau nữa là món “bánh cóng Đại Tâm”, bánh đổ vào cái cóng chiên lên nên gọi là bánh cóng chăng? Thật khó mà lý giải cho thuyết phục được nhiều người đồng tình với mình nhưng chắc rằng mọi người đều công nhận đây là một loại bánh rất tuyệt của đất Đại Tâm. Vùng Đại Tâm nằm sát Quốc lộ 1A nên món này được nhiều người biết và thưởng thức rất thuận lợi. Có thể nói, món bánh này mang một phong cách độc đáo, rất Đại Tâm, Mỹ Xuyên! Con tôm, con tép đem hòa với bột gạo, bột nếp gia vị rồi đậu xanh đem luộc, củ sắn thái nhỏ trộn lại làm nhân… Bắc chảo mỡ chiên giòn, gói rau sống rồi chấm nước mắm chua ngọt… đưa vào miệng giòn khấu thì không có gì bằng. Ăn xong vẫn chưa thấy đã thèm, có thể mua về thêm chục cái nữa là chuyện vẫn thường thấy ở Đại Tâm. Chiều chiều có dịp đi qua đây hương bánh chiên thơm ngào ngạt một đoạn đường làm ta thấy đói và biết chiều đã buông. Nhìn cái bánh cóng nổi đùn lên con tôm nằm nghiêng nghiêng như mời gọi, bẻ bánh ra, khói bay ngun ngút thơm hương tỏa ra ngây ngất… ăn no nê với cây cải xanh, xà-lách, diếp cá mà cảm giác vẫn cứ thèm như từ lâu lắm chưa được ăn bao giờ?! Ăn cái bánh cóng ngon vẫn là nước chấm - nó cũng được pha chế rất tuyệt, không dễ gì học được bí quyết này. Đặc biệt hơn nữa, khi ăn bánh xong, thực khách có thể nghe câu hát rất đặc trưng của vùng đất này mang âm hưởng độc đáo: “về Đại Tâm thăm người bạn Khmer, nghe hát Dù kê và điệu múa Lâm thol”…
Vậy đấy, Mỹ Xuyên có đời sống văn hóa ẩm thực rất phong phú, đáng để tự hào. Và với nhiều người, hẳn đã đọng lại ít nhiều lưu luyến khi đặt chân đến đất này và được bạn bè, người thân mời thưởng thức qua những món ăn đã gọi nên tên đất, tên vùng: Bò nướng ngói, bún nước lèo, bánh cóng Đại Tâm… mà hương vị đã theo thực khách về đến tận mọi miền. Điều này giải thích vì sao, đến những vùng miền khác người ta vẫn cứ chọn thương hiệu bún nước lèo Sóc Trăng… cũng như đã từng chọn bánh pía, lạp xưởng, mè láo… của đất Sóc Trăng vậy./.
Triệu Văn
Nguồn https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=288702&catname=Du-lich---Dia-danh&title=Tan-man-van-hoa-am-thuc-My-Xuyen