CHIẾC GHE NGO ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ

30/03/2023 257 0

STO - Sóc Trăng là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là địa phương có số lượng ghe ngo nhiều nhất tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống hàng năm. Đặc biệt năm nay, tại chùa Serey Pro Chum Wongs (Peam Buôl Thmây), Phường 4, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) xuất hiện lần đầu tiên chiếc ghe ngo độc nhất vô nhị, thay vì sơn phết, vẽ như những chiếc ghe ngo khác, nhà chùa lại thuê nghệ nhân Khmer đến đục đẽo tạo hình tượng Naga “Neák” nổi trên toàn thân ghe, góp phần tạo hình ảnh thật sống động, ấn tượng.

Từ chiếc ghe ngo cũ, bỏ quên hơn 20 năm...

Thời gian qua, chùa Peam Buôl Thmây không chỉ thu hút lượng du khách đến cúng bái, cầu bình an... mà ngôi chùa còn là địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để "check-in" những bức ảnh kỷ niệm đẹp lung linh với các công trình kiến trúc độc đáo. Cùng với đó, mới đây lại xuất hiện thêm chiếc ghe ngo “độc lạ” - với hình tượng con rồng nổi uốn lượn theo thân ghe ngo, thu hút những người đam mê ghe ngo đến tham quan, tìm hiểu.

Anh Sơn Na Rít, quê ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cùng với vợ, con đến chùa tham quan và đang ngắm nhìn chiếc ghe ngo, chia sẻ: “Từ trước đến nay, tại các lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của tỉnh và khu vực ĐBSCL chưa có đội nào làm được như vậy. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt thấy chiếc ghe ngo “độc lạ” được nghệ nhân điêu khắc, đục đẽo thành con rồng uốn lượn trên chiếc ghe rất đẹp mắt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc ghe ngo chùa Peam Buôl Thmây được hình thành vào năm 2000, sau đó tham gia tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống tỉnh Sóc Trăng được 4 lần. Những năm sau đó, do chiếc ghe ngo đã xuống cấp, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu lực lượng vận động viên nên không thể tham gia tranh tài. Từ đó đến nay, chiếc ghe ngo của chùa đã tạm dừng cuộc chơi trên “đường đua xanh”.

 

Đại đức Đinh Hoàng Sự - Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây giới thiệu cho nhóm múa về sự hình thành chiếc ghe ngo của chùa. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đầu năm 2022, sau khi nghe thông tin tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL, sư Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây quyết định thuê thợ đến tu sửa lại chiếc ghe ngo cũ thành chiếc ghe ngo mới độc nhất vô nhị.

Đang chăm chú, say mê đục đẽo những họa tiết hoa văn con rồng, nghệ nhân Lâm Hòa Tha, quê ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bộc bạch: “Anh nhìn thấy đó, hình tượng con rồng được chạm trổ bằng gỗ cây sao nguyên khối uốn lượn quấn quanh từ đầu đến đuôi ghe ngo, đòi hỏi người thợ phải tính toán thật kỹ lưỡng, chăm chú, tỉ mỉ từ lúc phác họa đến lúc bắt tay đục đẽo. Nếu chỉ sai sót một chút, nó có thể làm hư gỗ và mất đi thẩm mỹ trên chiếc ghe ngo. Sau hơn 6 tháng miệt mài chạm khắc tạo dáng hình con rồng, đến nay chiếc ghe ngo của nhà chùa sắp hoàn thiện và chuẩn bị cho kịp thời gian tham gia lễ hội sắp tới”.

... đến việc “khoác áo mới” thành ghe ngo con rồng độc đáo

Dù chiếc ghe ngo hình tượng con rồng chưa hoàn thiện 100%, nhưng cựu vận động viên Thạch Te, quê ở Phường 4, TP. Sóc Trăng phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui mừng khi thấy nhà chùa có chiếc ghe ngo “độc lạ” như thế này. 20 năm trước, tôi cũng từng tham gia vị trí cầm lái cho đội ghe ngo của chùa. Năm nay, khi biết chùa chuẩn bị chọn lực lượng vận động viên, tôi sẵn sàng đăng ký tham gia vào đội”.

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Phật giáo Khmer. Hình tượng rồng rất gần gũi với sự tích của Đức Phật và cũng là biểu trưng của mưa thuận gió hòa. Trong các công trình kiến trúc chùa Nam tông Khmer nói riêng, nghệ thuật tạo hình nói chung đều xuất hiện hình tượng rồng. Phần lớn rồng thường xuất hiện trên các bờ nóc chánh điện, vách tường, cột và uốn lượn trên những chiếc ghe ngo…

Dẫn chúng tôi cùng với nhóm múa của chùa tham quan chiếc ghe ngo hình tượng con rồng, Đại đức Đinh Hoàng Sự - Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây cho biết: “Đến thời điểm này, những hoa văn, họa tiết trên chiếc ghe ngo dài gần 30m đã hoàn thiện được khoảng 90%. Mục đích của nhà chùa là muốn phục hồi chiếc ghe ngo cũ thành chiếc ghe ngo mới lạ, độc đáo để giới thiệu cho du khách gần xa khi đến tham quan chiêm ngưỡng, cúng bái chùa; đồng thời, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại lễ hội sắp tới, khi chiếc ghe ngo này hoàn thiện, nhà chùa mong muốn đội ghe ngo của chùa góp mặt trình diễn trên dòng sông Maspero, TP. Sóc Trăng để mọi người chiêm ngưỡng”.

Tỉnh Sóc Trăng đang hướng đến Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022. Việc xuất hiện thêm chiếc ghe ngo độc nhất vô nhị được khắc hình tượng con rồng bơi trên "đường đua xanh” sẽ góp phần cho hội đua thêm sống động và tạo ấn tượng đẹp đến du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến vùng đất Sóc Trăng.

THẠCH PÍCH

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/chiec-ghe-ngo-doc-nhat-vo-nhi-59187.html

Related Post

Sample Plan