VỀ SÓC TRĂNG TRẨY HỘI THANH MINH

03/04/2023 1020 0

 Người Hoa ở Sóc Trăng chiếm 5,22% dân số của tỉnh, hằng năm có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, một trong những hoạt động quan trọng là Lễ (tết) Thanh minh. Lễ Thanh Minh diễn ra trong Tiết Thanh Minh, là một trong 24 Tiết khí trong Nông lịch của các nước nông nghiệp như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... Theo nghĩa đen, Thanh (清) là trong lành, còn Minh (明) là tươi sáng nên có thể hiểu Thanh Minh  thời điểm trong lành và tươi sáng. Tiết Thanh Minh kéo dài trong nhiều ngày, thường bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 Dương lịch đến ngày 20 - 21/4 Dương lịch, khi Tiết Cốc Vũ bắt đầu sang và cho dù Lễ Thanh Minh không có ngày cố định nhưng thường thì luôn nằm trong khoảng tháng 3 Âm lịch.

1.     Nguồn gốc Lễ Thanh Minh

 Lễ Thanh  Minh[1] của người Hoa bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại[2]. Lễ này bắt nguồn từ những nghi lễ phô trương tốn kém, xa hoa mà nhiều vua chúa và quan chức giàu có thời xưa tổ chức để tôn vinh tổ tiên của họ. Trong ngày lễ này, họ dâng lễ vật lên tổ tiên để cầu xin phù hộ cho gia đình an khang, mùa màng bội thu, đất nước hòa bình, thịnh vượng.

Đến năm 732, Hoàng đế Huyền Tông của nhà Đường cho rằng sự tôn trọng chỉ có thể được thể hiện một cách chính thức tại mộ tổ tiên vào ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh nên kể từ đó mỗi người mới chú ý chăm sóc phần mộ tổ tiên và việc quét dọn phần mộ vào ngày đầu tiên của Thanh Minh dần trở nên phổ biến từ trong hoàng tộc đến những gia đình thứ dân với những hoạt động phổ biến nhất như tu bổ và sửa chữa lăng- mộ, đi chơi xuân, thả diều, cắm cành dương liễu trên cổng… và tập tục quan trọng nhất là tảo mộ. Bằng cách quét dọn, nhổ cỏ, đắp đất tươi lên mộ phần, viếng mộ và cúng lễ vật, đốt vàng mã (tượng trưng cho tiền tài) và dán cành liễu, hoa hoặc cây nhựa lên lăng- mộ, con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên. Ngoài ra, trong Lễ hội Thanh Minh, một số người đeo cành liễu mềm, đặt cành trên cổng và cửa trước vì tin rằng việc làm này sẽ xua đuổi những linh hồn ma quỷ lang thang trong tiết Thanh Minh[3]. Theo nhà Nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì “lễ Thanh minh như một dịp vui chơi của người dân là bắt nguồn từ Trung Quốc, dấu tích còn ghi lại ở bức tranh nổi tiếng là Thanh minh thượng hà đồ của Trương Trạch Đoan đời Tống[4].

2. Lễ Thanh Minh của người Hoa ở Sóc Trăng

Khi những người Hoa xưa rời bổn xứ đến Sóc Trăng lập nghiệp, họ vẫn mang theo tập tục cúng Thanh Minh trong Tiết Tháng Ba. Ngày nay, mặc dù đời sống xã hội có thay đổi, hình thức lễ cúng dù có được đơn giản hóa ít nhiều nhưng ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên trong ngày lễ Thanh Minh của những người Hoa Sóc Trăng vẫn còn nguyên vẹn như xưa.

Người Hoa Sóc Trăng vốn coi trọng huyết thống gia đình, thân tộc nên họ luôn quan tâm chăm sóc phần mộ tổ tiên  hết sức chu đáo. Trước lễ Thanh Minh, con cháu trong gia đình tiến hành chăm sóc mộ phần tổ tiên như dọn dẹp cây cỏ, đắp đất tôn cao, sơn vẽ lại bia mộ… để đến ngày Thanh Minh thì đem lễ vật ra cúng viếng. Ngày nay, phần việc này chủ yếu đã có người làm thuê nhưng riêng việc sơn bia mộ thường  do con cháu tự làm.

Người Hoa vốn rất xem trọng “nơi an nghỉ nghìn thu” của mình nên hầu hết các phần mộ đều bố trí theo phong thủy. Do đó, việc chăm sóc mộ phần phải tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt. Phần sân nhỏ phía trước mộ gọi là Minh Đường phải được làm bằng phẳng và thấp hơn nấm mộ; phía sau nấm mộ gọi là Huyền Vũ, đó chính là chỗ dựa nên phải đắp cao hơn, rồi từ Huyền Vũ đắp thành vòng cung ra phía trước gọi là hoành pú (nìn pú); bên tả gọi là Thanh Long thuộc dương và bên hữu gọi  là Bạch Hổ thuộc âm (thường được gọi là tay Long, tay Hổ, tượng trưng cho con trai và con gái). Cho nên khi đắp hoành pú phải chú ý sao cho cân bằng vì nếu vô ý để bên cao bên thấp thì con-cháu trai và con-cháu gái của người quá cố e sẽ có chuyện xích mích với nhau.

Việc sơn bia mộ cũng được tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Thông thường trong hoành pú thường có hai huyệt mộ của ông- bà hoặc có khi ba huyệt mộ (mộ ông và hai bà) nên trên bia có những hàng chữ tương ứng để phân biệt: hàng chữ phía bên huyệt mộ nào đã chôn người mất thì tên và chữ lót (nếu có) sơn màu xanh, còn nếu chưa mất (chưa chôn) thì sơn màu đỏ; riêng Họ thì người Hoa xem là bất tử nên lúc nào cũng sơn màu đỏ. Ngoài ra, những người khá giả thường làm sẳn mồ mả cho mình lúc còn sống gọi là mộ trường thọ. Những ngôi mộ này  rất bề thế, chiếm một không gian khá rộng có khi đến hàng trăm mét vuông, bao gồm nền mộ, phần mộ đắp đất hình chóp cao hơn 1 m, phía trước có mặt bia khắc tên tuổi và hoành pú bao quanh; vì là người còn sống nên cả họ và tên trên bia đều được sơn màu đỏ.

Đến ngày Thanh Minh, con cháu trong dòng họ tổ chức viếng và cúng  mộ. Lễ Thanh Minh diễn ra trong nhiều ngày nên tùy điều kiện, mỗi dòng họ chọn một ngày, thường là ngày chính (năm nay lễ chính nhằm ngày 15/2 (nhuận) năm Quý Mão tức ngày 5/4/2023). Trong ngày chính của lễ Thanh Minh ở Sóc Trăng, người Hoa đi từng đoàn, từng nhóm như trẫy hội. Khoảng đường từ ngã ba Chùa Dơi đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nơi có nghĩa địa Quảng Đông và Phúc Kiến trở nên đông đúc và đoạn đường từ cầu C247 (cầu Quay) đến Chung Đôn trên đường Tôn Đức Thắng chen kín các loại xe từ ngoài lộ chính đến các con hẻm nhỏ dẫn đến nghĩa địa Triều Châu, còn tại các nghĩa trang của người Hoa, đông nghẹt những người cúng viếng, không khí vô cùng náo nhiệt.

Đến ngày cúng Thanh Minh, công việc làm ăn của con cháu tạm dừng, đa số các cửa hiệu của người Hoa đều đóng cửa. Ngay từ sáng sớm (hoặc buổi xế chiều) nhà nhà đã chuẩn bị mọi thứ. Tất cả đồ tế lễ được cho vào hui ná[5] Nhà nào dùng heo quay cúng thì để nằm trên một chiếc mâm chữ nhật bằng gỗ, phía trên có phủ vải điều rồi mọi người trong gia đình “tay xách, nách mang” hoặc dùng xe chở đồ đạc đến mộ, không thuê mướn người giúp để thể hiện lòng thành với tiên tổ.

Đến nơi, việc trước tiên là phải bày mâm tam sên[6] để cúng Thổ địa rồi mới bày biện lễ vật cúng tổ tiên. Người lớn lo bày lễ vật ra cúng, khấn vái, dâng hương. Lễ vật cúng Thanh Minh gồm nhang, đèn cầy, giấy tiền vàng bạc, giấy dán mã đủ 5 màu, gà vịt quay, bánh xôi vị, bánh bò, trái cây, rượu, trà,... và đặc biệt có một thức cúng không thể thiếu là món thịt heo quay. Riêng những ngôi mộ trường thọ thì không cúng lễ vật trước bia mộ (vì trong mộ không có người chết) mà chỉ có cúng thổ địa với trái cây, bộ tam sanh và giấy vàng mã.

 

                         

      Lễ cúng Thanh Minh ở các nghĩa trang người Hoa Sóc Trăng; Ảnh:V.Đức-C.Xuân.

Trẻ con ngoài việc đi theo, tảo mộ để biết về gia tiên, dòng tộc thì rất phấn khích khi được giao cho giấy ngũ sắc[7] để dán  lên các phần mộ với ngụ ý lợp mái nhà mới cho tổ tiên mình. Tuy nhiên, việc dán giấy lên các mộ phần cũng cần chú ý: những mộ đã mất lâu thì dán năm màu  trên phần mộ, còn những mộ mới (khoảng ba năm)  thì dán giấy màu trắng, riêng với những mộ trường thọ thì dán giấy màu đỏ.

Cúng xong, đồ ăn thức uống cúng tế tổ tiên được dọn ra, mọi người quay quần ăn uống ngay trước mộ. Việc ăn uống ngay trước mộ tổ tiên cũng mang ý nghĩa cùng ăn, cùng làm, để cùng nhau xây dựng sự nghiệp và thắt chặt mối thâm tình thêm gắn bó giữa những người trong gia tộc.

 

                                      

Con cháu chuẩn bị cúng Thanh minh và ăn uống tại nền mộ sau khi cúng xong. Ảnh: Tg

Mặc dù không lớn như Tết Nguyên Đán, nhưng con cháu người Hoa dù đi làm ăn xa xứ quanh năm cũng phải sắp xếp công việc về cúng Thanh Minh để tưởng nhớ tổ tiên và sum họp với gia đình. Vì thế, lễ Thanh Minh chẳng những là cầu nối tâm linh giữa người đã mất với người đang sống, là niềm tin ở sức mạnh tinh thần rằng họ sẽ được những người ở bên kia thế giới phù hộ cho họ có một cuộc sống bình an, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở mọi người luôn nhớ về nguồn cội, tổ tiên mình mà còn là sợi dây gắn kết tình thâm giữa những người trong gia đình, họ tộc. Ngoài việc cúng mộ phần người thân trong lễ Thanh Minh, cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng còn quan tâm đến những ngôi mộ không có họ hàng thân thích, hoặc vì người thân ở xa nên không thể đến cúng được. Họ sợ những ngôi mộ này sẽ trở nên lạnh lẽo, các linh hồn này sẽ vất vưởng, đói khát nên tổ chức mang thức ăn, đồ cúng đến các ngôi mộ này để cúng, gọi là cúng mả hội. Sau khi cúng xong, các thức cúng sẽ được phân phát cho những người nghèo hoặc tặng gạo, tiền cho những hộ dân khó khăn ở gần đấy thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Vì thế, lễ Thanh Minh của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng là một nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc, chẳng những thể hiện tình cảm, lòng hiếu đạo của con cháu đối với tổ tiên mà còn là mối dây thân tình kết nối dòng tộc, tộc người và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.

 

Lâm Thanh Sơn

Related Post

Sample Plan