STO - Tôi nhớ hồi sống dưới quê, khi con gà trống cất tiếng gáy ò ó o thì cả xóm xôn xao tiếng người cười nói, tiếng chày giã bột nện thình thịch vang vọng trong sương mai. Trên bộ vạt tre, những người phụ nữ xóm tôi đang ngồi cặm cụi quết bánh phồng. Còn trên nền đất ngoài sân, nam giới được phân công người giã bột, người đi ra cuối xóm chặt những tàu lá dừa, chẻ ra làm hai, dọc theo sóng lá rồi đan chúng thành những tấm liếp, bề ngang chừng năm, sáu tấc, cẩn thận lau chùi sạch sẽ rồi dựng liếp nơi bóng mát bên hông nhà, chờ đến công đoạn phơi bánh phồng.
Những tưởng ký ức xưa đã đi vào quá khứ, không ngờ vào một ngày tháng tư đầy nắng, trong chuyến trải nghiệm du lịch cộng đồng, tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), tôi thấy được những hình ảnh mọi người quây quần bên nhau làm bánh khoai mì, món ăn đậm đà mùi vị quê hương.
Đoàn du khách tham quan, trải nghiệm thực tế làm bánh phồng mì tại ấp Phương An 3 , xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).
Người đầu tiên tôi gặp là bà Lê Thị Thấy, 60 tuổi, xã Hưng Phú. Bà Thấy cho biết, gia đình bà gắn bó với nghề làm bánh phồng gần 100 năm. Khác với quê tôi, ở đây mọi người làm bánh phồng bằng khoai mì thay vì nếp.
"Khoai mì chọn củ to, nhiều bột, được ngâm rửa sạch qua đêm, cắt khúc để vào nồi hấp, không luộc để tránh khoai bị nhão khó quết. Xong, loại phần lõi có tim mì hay phần xơ ra. Khi khoai vẫn còn nóng, để vào lưng chừng miệng cối, giã chày, vừa quết vừa pha nước cốt dừa có trộn đường mía, mè trắng vào. Nêm bột kiểu này, bánh sẽ thấm đều hơn" - vừa giã bột, bà Thấy vừa huyên thuyên kể cho chúng tôi nghe về những công đoạn làm bánh.
Không khí nơi làng quê lúc 5 giờ sáng khẩn trương, náo nhiệt, vui vẻ và đầm ấm. Hai người phụ nữ nhịp nhàng thay nhau, người vung chày giã bột, chốc chốc dừng lại để người kia thọc tay vào cối gom những khúc mì vào giữa, nhồi đảo đến khi mì quyện vào nhau thành một khối bột nhuyễn mịn.
Ai cũng biết bánh phồng mì là món ăn khá phổ biến, hoàn toàn làm thủ công, đơn giản và có thời hạn sử dụng ngắn, nhưng đòi hỏi người thợ phải bỏ nhiều công sức. Để có những chiếc bánh đều, tròn vành vạnh và độ dày như nhau mà không cần dùng đến bất cứ dụng cụ đo lường nào, là cả quá trình tập luyện, chỉ những người khéo tay và giàu kinh nghiệm như chị em bà Mai (Lê Thị Tuyết Mai), bà Thấy mới có thể làm được.
Bột sau khi được bà Mai ngắt, nặn tạo hình giống nhưn viên chè trôi nước tròn đều tăm tắp, sẽ được bà Thấy đặt ngay giữa miếng nilon vuông khoảng 4 tấc, đã được thoa nhẹ một lớp nước cốt dừa cho khỏi dính, rồi bà Thấy dùng ống cán tròn, một tay cán đẩy viên bột, tay còn lại thoăn thoắt xoay vòng tấm nilon đầy điệu nghệ, cán đến khi viên bột mỏng ra thành miếng bánh. Cán xong, bà tiếp tục nhấc nguyên tấm nilon có miếng bột vừa cán đem úp tách lên mặt tấm chiếu bên cạnh, mang đi phơi khoảng 3 giờ đồng hồ, bánh khô lại nhưng không giòn mà mềm mại, trên miếng bánh ẩn hiện những nét hoa văn ngộ nghĩnh, được in từ những đường gân đan chéo của tấm chiếu. Bánh được xếp thành từng chục cho vào bịch. Khi nướng trên than hồng, bánh nổi phồng lên giòn rụm, ăn vừa béo lại vừa ngọt.
"Tuy số lượng đầu ra không nhiều như trước kia, do bây giờ có nhiều loại bánh ăn chơi thay thế nhưng gia đình luôn giữ chất lượng bánh thơm ngon như ngày nào, thậm chí béo hơn. Bánh phồng mì theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước, ra đến tận nước ngoài bằng con đường xách tay. Trước kia gia đình tôi có chục thành viên làm bánh, giờ bám trụ chỉ còn lại tôi với người chị dâu, mới đây người cháu của tôi cũng bắt đầu theo cô, theo mẹ học hỏi cách làm bánh, quyết không để cái nghề truyền thống của gia đình trải qua 4 thế hệ bị mai một" - bà Thấy cho biết. Được biết, giờ cả ấp, chỉ còn có mỗi gia đình bà Thấy, bà Mai là vẫn chung thủy với nghề làm bánh phồng mì.
Xuôi về các tỉnh miền Tây, ghé các trạm dừng chân, tại các quầy bán hàng đặc sản các vùng miền, chúng ta đều thấy người ta trưng bày và bán bánh phồng mì Hưng Phú. Để có thể thưởng thức đúng điệu hương vị bánh quê thơm ngon mà lại rẻ này, khách hàng chỉ có thể trải nghiệm tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, nơi gắn liền không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ. Tại đây, mọi người sẽ được tham quan quy trình làm bánh và thưởng thức trực tiếp bánh sau khi phơi xong, người dân còn hướng dẫn du khách cách ăn bánh phồng mì thật chuyên biệt, đó là cuốn tròn miếng bánh lại như cái bánh kẹp chấm với cà phê sữa đá, trà đá đường… trong vòng 3 giây, rồi đưa lên miệng cắn rứt ra từng miếng, nhai thật lâu để tận hưởng cái thơm béo của nước cốt dừa, mè, cùng vị ngọt bùi của khoai mì giòn tan tứa ra đầu lưỡi. Ôi cái hương vị bánh phồng mì Sóc Trăng quê tôi sao mà đậm đà, đặc biệt thú vị khó tả.
NGỌC NHÂN
Nguồn: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/dam-da-huong-vi-banh-phong-mi-64321.html