Sóc Trăng vùng đất gắn bó lâu đời của 03 dân tộc chính: Kinh, Khmer và Hoa, chính điều đó đã tạo cho người dân Sóc Trăng có đời sống văn hóa, tinh thần rất phong phú, đa dạng, tiêu biểu là các lễ hội truyền thống của 03 dân tộc và nét nổi bật trong nghệ thuật sân khấu của đồng bào dân tộc Khmer.
Chằn và khỉ Hanuman là 02 nhân vật phổ biến trong nghệ thuật sân khấu Rô băm.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, đồng thời góp phần duy trì, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Sóc Trăng, sau thời gian nổ lực của các ban, ngành, đoàn thể, trong 6 tháng đầu năm Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 02 loại hình di sản gồm: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” của người Khmer và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Nghinh Ông” huyện Trần Đề.
Đồng chí Trần Minh Lý – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải;
Theo hồ sơ di tích, Nghệ thuật sân khấu Rô băm là loại hình nghệ thuật cổ điển của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần và gắn liền với nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ của bà con Khmer; là nơi truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng người Khmer, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những lễ, hội của người Khmer. Hiện nay, loại hình nghệ thuật sân khấu Rô băm chỉ còn tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó Sóc Trăng có một đoàn Rô băm tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Trần Đề) có tuổi đời trên 100 năm và năm 2007 đã được Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chọn mời tham gia trình diễn tại lễ hội đời sống dân gian tại Hoa Kỳ.
Phát biểu tại ngày lễ đón nhận di tích Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh đến ý nghĩa tầm quan trọng của di sản này và “sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tổ chức truyền dạy, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, cũng như giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến với du khách”.
Riêng về Lễ hội Nghinh Ông (Kinh Ba – Trần đề), được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23/3 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc; kế thừa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Kinh, đó là tục thờ cúng cá ông của ngư dân vùng biển, cầu mong trời yên biển lặng, ngư dân may mắn thu hoạch nhiều tôm, cá, đầy đủ sức khỏe và bình an trong lao động. Tương truyền, cá Ông là loài cá rất linh thiêng, thường che chở cho ngư dân khi gặp sống gió hay mưa bão. Người đi biển thường xuyên cầu nguyện được “Ông” che chở, đánh bắt thuận lợi. Khi có mưa giông hay bão lớn, Cá xuất hiện dùng thân to khỏe của mình để che chắn, be cho các tàu, ghe từ ngoài khơi vào vùng an toàn thì cá bơi đi. Theo tín ngưỡng của người Việt và người Hoa, cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển.
Lễ hội Nghinh Ông, không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương trong lao động đánh bắt hải sản, mà còn làm phong phú cuộc sống tinh thần, đem lại niềm vui cho nhân dân. Sau lễ hội này, ngư dân tiếp tục ra khơi bằng một niềm tin mới, ước nguyện mới, không chỉ mưu cầu cuộc sống cho bản thân, gia đình mình, mà còn cho xóm giềng và cho toàn xã hội qua những chuyến tàu ra khơi đầy ắp cá lúc trở về bờ.
Tin rằng với sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và địa phương, trong thời gian tới 02 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận sẽ được bảo tồn phát huy, khai thác tốt các giá trị cao quý, góp phần quảng bá, giới thiệu cho du khách được đến Sóc Trăng thưởng thức và trải nghiệm, làm phong phú thêm các loại hình du lịch của Sóc Trăng,./.
Lý Thị Phương