ĐẠO HIẾU VÀ TÍNH CỘNG ĐỒNG TRONG LỄ HỘI SENE ĐÔN TA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER SÓC TRĂNG

22/02/2023 335 0

Từ tháng tám âm lịch, khi lễ vu lan của người Kinh, Hoa vừa kết thúc, cũng là lúc cánh đồng lúa nở vàng, chín rộ. Trong vườn nhà cây trái sum xuê trĩu quả, chim kêu ríu rít xáo động khúc sông quê; cơn gió khẽ nhẹ lay, những vạt nắng mùa thu miên man trải ngập đường vào phum sóc, hòa nhập vào lòng người để rồi báo hiệu mùa Sene Đôn Ta của người dân Khmer sắp đến. Giống như người Kinh, Hoa, từ xa xưa đồng bào Khmer quan niệm con người sau khi chết chưa hẳn được siêu thoát lên cõi niết bàn, mà tùy theo nghiệp thiện ác của kiếp trước sẽ được tái sinh nơi cõi trời hay bị đày ở chốn địa ngục và biến thành những những loài ma quỷ dữ. Lễ Vu lan thể hiện được truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Theo quan niệm, vào ngày này phước, tội sẽ nhân gấp hằng hà sa số, con người phải nên làm việc thiện để tiêu trừ tội nghiệp, tích công đức. Xuất phát từ đó, theo phong tục của đồng bào mình, hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 (AL), người Khmer Sóc Trăng lại nô nức tổ chức lễ Sen Đôn ta hay gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Triết lý nhân sinh nổi bật nhất của Lễ hội Sene Đôn ta là tư tưởng hiếu đạo và tính cộng đồng.

 

Đồng bào Khmer mừng lễ Sene Dolta tại chùa Chrôi Tưm Chăs, phường 10, thành phố Sóc Trăng

     Tư tưởng hiếu đạo thứ nhất là phải luôn mang tinh thần phụng dưỡng cha mẹ từ tinh thần đến vật chất, tư tưởng ấy khi cha mẹ còn hiện tiền hay ngay cả khi cha mẹ đã mất. Thứ hai làm việc thay thế cho cha mẹ gánh vác việc nặng nhọc vất vả để cha mẹ mình có thời gian nghỉ ngơi, thụ hưởng những ngày tháng nhàn rỗi cuối đời.Thứ ba là phải biết gìn giữ gia phong đạo đức, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, gia tộc, không được vì bản thân mà có những hành vi xấu xa, vượt ra những chuẩn mực đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ. Khi đến tuổi trưởng thành thì người con phải lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái để giữ gìn và duy trì nòi giống của dòng tộc. Thứ tư là bảo quản tốt tài sản được thừa hưởng từ cha mẹ để làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Năm là, tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng để giúp họ mau thoát ra cõi khổ để tái sinh ở cõi lành.

     Người Khmer rất xem trọng việc báo hiếu. Chữ “hiếu” được truyền tải trong Lễ Sen Đôn ta là bài học hiếu đạo của mỗi người đối với cả người sống và người đã khuất, thậm chí người đã khuất là tổ tiên, ông bà từ bao nhiêu đời trước, rộng hơn nữa là những người đã chết, cô quả không người cúng tế.

      Lễ Sene Đôn Ta còn mang tính cộng đồng thông qua phong tục lễ hội đặt cơm vắt, thể hiện lòng từ bi bác ái, không chỉ sự báo hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ mà còn là ngày lễ của tình thân, tình người, không phân biệt huyết thống, thành phần giai cấp, giới tính, giàu nghèo. Chữ hiếu trong ngày Sen Đôn ta không dừng lại ở phạm vi cá nhân, gia đình mà lan tỏa ra tất cả cộng đồng, không dừng lại ở việc báo đáp cho ông bà, cha mẹ của chính mình mà lan rộng ra cả chúng sinh, từ vong linh của người có thân bằng quyến thuộc cho đến những ai không có người thân, con cháu cúng kiến. Điều này có ý nghĩa như tư tưởng “xá tội vong nhân” của người Việt.

     Không chỉ dừng lại ở tư tưởng hiếu đạo, triết lý nhân bản, Sene Đôn ta còn là dịp để bà con Khmer phát huy tính cộng đồng, đoàn kết, thân ái tình làng nghĩa xóm. Cứ mỗi dịp Sen Đôn ta về, bà con trong phum, sóc tổ chức phân công thay phiên nhau mang lễ vật, hoa quả, nhang đèn, cơm vắt vào chùa cúng, họ có thể phân công thành từng tổ hoặc từng cụm nhà theo xóm luân phiên nhau từng ngày để thực hiện nhiệm vụ dâng lễ vào chùa cho các vị sư A char tụng kinh, cúng kiến. Sự phân công ấy thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần đoàn kết sâu sắc của bà con Khmer, phát huy tính cộng đồng mạnh mẽ trong sinh hoạt tâm linh.

     Có thể nói, tính cộng đồng, sự gắn bó của người Khmer là tình cảm son sắt đã được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ, được thử thách qua những hoàn cảnh khó khăn để trở thành khối đại đoàn kết keo sơn bền chặt, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh đa dân tộc tuyệt đẹp ở Nam bộ. Có một điều thú vị là gần như bất kỳ người Khmer nào cũng mang trong mình một sự nhạy cảm với âm nhạc và yêu thích âm nhạc. Sau khi làm lễ cúng ông bà xong, họ quây quần bên nhau, tổ chức ăn uống, rồi cùng nhau hòa vào lời ca, tiếng hát, điệu múa. Thông qua đó, không chỉ giúp mọi người quên đi những vất vả trong cuộc sống mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

     Sau khi lễ Sene Đôn Ta kết thúc, người ta tin rằng lễ đã mang lại niềm vui hạnh phúc và sự an lạc trong cuộc sống của từng gia đình và cộng đồng. Không tưng bừng nhộn nhịp như tết Chôl Chnăm Thmây, hay lễ Oóc om bóc, lễ Sene Đôn Ta là một lễ hội truyền thống văn hóa tôn giáo  mang nhiều triết lý nhân sinh của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng; biểu thị tinh thần hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, ông bà; là dịp thể hiện tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa những người cùng sống trong phum sóc với nhau. Lễ Đôn Ta tuy kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đó. Nó mãi nhắc nhở mọi người sống phải luôn nhớ về nguồn cội, phải biết tri ân những người đã khuất và phải biết gắn bó với cộng đồng, với những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau./.

Anh Tú

Related Post

Sample Plan