ĐỘC ĐÁO MÓN BÁNH GỪNG CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

30/03/2023 227 0

STO - Người Khmer Nam Bộ không chỉ có đời sống văn hóa tinh thần phong phú thể hiện qua các câu ca dao, tục ngữ, trò chơi dân gian, thơ ca, điệu múa… mà còn có truyền thống văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng. Có nhiều loại bánh dân gian luôn là món khoái khẩu của nhiều người như bánh ống, bánh dứa… Trong các loại bánh phổ biến của đồng bào Khmer hiện nay, còn có một loại bánh dân gian, hầu như không hề thiếu vắng trong một số dịp lễ truyền thống với hình hài và hàm chứa ý nghĩa hết sức độc đáo, thường được bài trí ở bàn thờ gia tiên trong các lễ cưới hỏi, Chôl Chnăm Thmây, Sene ĐôlTa… được người Khmer gọi là “Num-Khnhây” (người Việt gọi là bánh gừng).

Chiếc bánh gừng ngoài công dụng dùng để thưởng thức, đãi khách còn là một thứ trang trí góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, tôn lên sự long trọng cho các buổi lễ tục theo truyền thống. Nhất là trong dịp cưới hỏi của người Khmer, thường không thể thiếu vắng loại bánh này. Từ quan niệm, chiếc bánh có hình hài của củ gừng, mà củ gừng thì luôn có nhiều nhánh, đại diện cho sự gắn bó bền chặt và sinh sôi nảy nở; các nhánh ấy chính là nhánh con, nhánh cái, sau này vợ chồng sẽ sung túc, con cháu đầy đàn như các nhánh của chiếc bánh gừng vậy. Từ đó, mà chiếc bánh gừng luôn được sử dụng trong lễ cưới như là một lễ vật cúng không thể thiếu trong phong tục hôn nhân của người Khmer Nam Bộ.

Những chiếc bánh gừng được bà con người Khmer sắp xếp, bài trí độc đáo trên bàn lễ. Ảnh: NGỌC NHÂN

Để có được chiếc bánh thơm ngon, béo, giòn tan trong miệng, người làm bánh thường chọn loại nếp trắng đục, hạt to đều, đem vo thật sạch, để ráo nước cho vào cối xay thật nhuyễn rồi sấy khô. Sau đó, lấy lòng trắng trứng vịt đánh nổi (không dùng lòng đỏ vì sẽ làm sậm màu), rồi cho bột nang mực có pha chút chanh vào quậy đến sền sệt, sau đó nắn thành hình củ gừng. Chiên bánh gừng bằng mỡ. Sau đó ngào với nước đường thốt nốt đã được thắng sền sệt tạo thành một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng để bánh trơn, láng bóng không bị cong vênh. Bí quyết của cách làm bánh này là 1kg bột nếp, 25 quả trứng vịt, đúng liều lượng thì bánh mới nổi đều. Khi chiên phải lẹ tay lật bánh qua lại. Nếu bột nếp phơi không khô, giã không nhuyễn, bánh sẽ chai. Khi chiên lần đầu xong, mỡ dư muốn chiên nữa thì phải chờ mỡ nguội, nếu chiên lại khi mỡ còn nóng, bánh sẽ sượng, không nổi.

Bánh gừng mộc mạc thơm ngọt pha lẫn vị béo bùi. Có khi cũng hương vị đó nhưng bánh được bà con biến tấu nắn thành hình cá, hình chim, cua, tôm… Để tăng phần trang nghiêm long trọng cho bàn lễ vật cúng của gia đình, người Khmer trang trí bằng cách ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm quanh những trụ tròn bằng gỗ hay đất sét. Tuy là bánh dân dã nhưng có mặt trong ngày đặc biệt của gia đình đồng bào Khmer. Bánh được làm thủ công, nên không phải chỗ nào cũng có bán. Thỉnh thoảng tôi có bắt gặp các dì, các cô đội mâm ngồi bán bên lề đường thôn quê.

Cái hương vị độc đáo của miếng bánh dân gian bình dị truyền thống ấy đã thể hiện đậm đà nét văn hóa ẩm thực đầy thú vị của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

NGỌC NHÂN

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/doc-dao-mon-banh-gung-cua-nguoi-khmer-nam-bo-63932.html

Related Post

Sample Plan