LỄ CẮT HOA CAU TRONG LỄ CƯỚI CỦA NGƯỜI KHMER

15/02/2023 306 0

Từ ngàn xưa đến nay,hôn nhân luôn được xem là việc trọng đại nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tùy vào đặc điểm dân cư từng vùng và từng dân tộc mà có những chi tiết khác nhau trong một lễ cưới. Theo quan niệm xưa, người Khmer Nam bộ xem lễ cưới là nghi thức gắn liền với gia tộc, với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Trong tiếng Khmer, lễ cưới được gọi là “Pi pea” hay ngày gối đôi - ngày mà mọi thứ từ lễ vật đến người chúc phúc đều phải luôn là cặp đôi.

     Theo truyền thống, ngày vào lễ cưới gọi là “Thngay chôirông ka” gồm các nghi lễ: Lễ nhập gia, Nghi thức mở rào, Nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, Nghi thức dâng lễ vật, sau đó là lễ cắt hoa cau và lễ cột chỉ tay. Mỗi nghi thức có những yêu cầu và hình thức tiến hành khác nhau dưới sự dẫn dắt của hai vị Achar và Maha. Trong đó, lễ cắt hoa cau được xem là một lễ rất quan trọng, là nghi thức chính cho phép đôi trai gái thành vợ thành chồng.

     Lễ cắt hoa cau được người Khmer gọi là “Pithi kach khanh sla”, được tổ chức vào buổi sáng tại nhà của cô dâu. Ông Achar thắp nhang đèn đọc kinh cầu ơn trên ban phước lành cho đôi tân hôn. Trước khi cắt buồng cau, ông Maha múa điệu “Rom bơk bai sây” có nghĩa là họ hàng thân tộc hai bên đã chính thức cho phép hai người kết hôn. Ông Maha dùng cái dao nhỏ ở trên mâm, cắt lấy hoa cau trắng đặt trên ba đĩa gần các lễ vật. Sau khi chú rễ kính cẩn lạy mọi người, cúi đầu cho trán chạm gối trên chiếu bông, ông Achar đưa chùm hoa cau thứ nhất cho chú rễ tặng cô dâu, chùm thứ hai tặng mẹ vợ, chùm thứ ba cho em vợ, để tỏ lòng biết ơn đối với công nuôi dưỡng sinh thành của mẹ vợ và công khó của người em đã giúp đỡ vợ mình. Kế tiếp là nghi thức chuyển nến quanh đôi tân hôn; ông Achar chuyển cho người ngồi bên trái, người ngồi tiếp chuyền cho đủ 19 vòng thì tắt nến. Sau đó ông Achar lấy hoa cau rắc lên người tân lang và tân nương, từ chỗ cô dâu và chú rễ đang ngồi cho đến lối đi vào buồng tân hôn để chúc phúc cho đôi uyên ương, gọi là “ Pithi bak phka sla”.

     Cộng đồng người Khmer cư ngụ ở ĐBSCL có những nghi thức, tập tục riêng trong lễ thành hôn. Ngày nay, đời sống hiện đại cũng ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa xã hội địa phương, tuy nhiên ngày cưới của người Khmer Nam bộ vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của họ và nghi thức cắt hoa cau cũng là minh chứng cho tình yêu, sự thủy chung của đôi lứa cũng như câu:

Hoa cau đã gửi cho nàng,

Nguyện xin trọn kiếp đá vàng thủy chung.

Cẩm Tú

Related Post

Sample Plan