NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP

30/03/2023 126 0

 Theo cách tính âm lịch của Trung Quốc, người Việt Nam tính mỗi năm quay vòng theo thứ tự, bắt đầu là Tý ở năm thứ nhất và Hợi ở năm cuối cùng, tức năm thứ 12 . Sang năm 13 sẽ là năm Tý. Tuy nhiên cách tính năm này theo từng con vật bị chi phối ở Thập Canh. Như năm 2022 là năm Nhâm Dần thì 12 năm sau cũng là năm Dần nhưng sẽ là Giáp Dần.

 

     Trong 12 con giáp, Cọp là con vật đứng thứ 3, sau Tý và Sửu, nhưng là con thú nguy hiểm nhất, từng được mệnh danh là chúa tể Sơn Lâm. Cọp là loài thú lớn nhất trong họ Mèo và là động vật lớn thứ ba trong các loài thú ăn thịt, chỉ đúng sau gấu Bắc Cực và gấu nâu. Cọp còn được gọi là Hổ, Ông Ba Mươi, Kểnh, Khái.

     Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, Hổ có cách nay khoảng 2,8 triệu năm và tổ tiên của nó ở vùng Châu Phi.  Sư tử,  báo hoa mai và báo đốm của chi Panthera được xem là họ hàng gần nhất của loài hổ. Cách nay 2 triệu năm trước, một nhánh của chi Panthera đã di cư về phía đông (tức châu Á) và phát triển cơ thể với những lông có sọc màu đen, cam, trắng như chúng ta thấy hiện nay.

Thiệp chúc mừng Xuân Nhâm Dần; ảnh chiasetainguyen.com

     Hổ có 9 phân loài khác nhau như hổ Siberi, hổ Hoa Nam, hổ Đông Dương, hổ Sumatra, hổ Bengal, hổ Mã Lai. Có 3 phân loài đã tuyệt chủnglà hổ Java, hổ Caspi, hổ Bali. Do sự khai thác rừng quá mức, khu vực sinh sống của loại hổ ngày càng  bị thu hẹp dần. Chủ yếu chúng sinh sống ở các khu rừng của nước Nga, vùng SiberiaIranAfghanistanẤn ĐộTrung Quốc và khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả quần đảo Indonesia. Vì vậy, số lượng hổ ngày càng ít dần. Nếu năm 1900, người ta thống kê được khoảng 100.000 con hổ sống ở môi trường tự nhiên, thì đến năm 2005, chỉ còn có 6.000 con hổ được thống kê, một số phân loài có nguy cơ sẽ bị tuyệt chủng tiếp theo nếu con người không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, vì vẫn còn một số nước thiếu sự ngăn chặn triệt để nạn săn bắt hổ để lấy da và nấu cao hổ cốt.Một nghịch lý là những con hổ sống tại các sở thú, thảo cầm viên, được bảo vệ tốt hơn so với khi chúng ở môi trường tự nhiên. Tuổi thọ  của chúng trong thiên nhiên trung bình chỉ có 15 năm, nhưng trong môi trường được con người chăm sóc, bảo vệ thì tuổi thọ của hổ có thể tăng từ 20 năm đến 25 năm.

 

Cọp trong sở thú phục vụ du lịch (Hổ Đông Dương tại Thảo Cầm Viên – Sài Gòn)

     Ở Việt Nam, Hổ từng có mặt ở khắp các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và cả vùng đồng bằng Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay, do tỉnh trạng phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, nên Hổ chỉ còn ở các tỉnh có rừng núi hẻo lánh thuộc biên giới Việt–Lào, Lâm ĐồngNghệ AnQuảng Trị.  Hổ được pháp luật Việt Nam bảo vệ, được xem là động vật quý hiếm, nằm trong danh mục sách đỏ. Nhưng hiện nay, việc nuôi hổ trái phép vẫn xảy ra một số nơi. 

     Hổ là một trong những loài động vật có biểu tượng lôi cuốn nhất. Hổ hiện diện trong thần thoại và văn hóa dân gian cổ đại, trong truyển cổ tích, trong văn học, trong các bộ phim và văn học hiện đại. Hổ còn là biểu tượng, xuất hiện trên nhiều lá cờphù hiệu áo giáp, tên của các đơn vị binh lính một số nước và còn được xem là  linh vật cho các đội tuyển thể thao. Đặc biệt, trong văn hóa phương Đông, hổ được mệnh danh là "chúa sơn lâm", nên chúng được xem là biểu tượng quốc gia của các nước như Ấn ĐộBangladeshMalaysia và Hàn Quốc.

          Đối với Việt Nam, trong các kiến trúc đình, miếu, của dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, thường có sự hiện diện của các tranh, tượng hổ được thể hiện ở trước sân hay bên trong đình, miếu, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm Đối với triều đình phong kiến, hình ảnh Hổ được biểu tượng cho sức mạnh quân sự, cho nên các vị võ tướng thường được thêu hình tượng hổ trên áo các võ quan từ hàng tứ phẩm trở lên, gọi là hổ phù. Trong dàn trậnchiến đấu với địch, hổ còn là biểu tượng của lửa, trong Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ có trích lời của Kiêm Trai: "Vì lửa dữ đội như hổ, nên gọi là hỏa hổ"

     Ngày nay, ngoài hình tượng con Rồng, Hổ còn được sử dụng dùng để chỉ về tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế ở các quốc gia đặc biệt là ở châu Á như Bốn con hổ châu Á,  (Tiger Cub Economies), Những con Hổ kinh tế (Tiger economies). Đây chính là cách nói hình tượng dành cho một số nước có tốc độ phát triển nền kinh tế rất nhanh và mạnh, thường gắn liền với sự cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân nước đó.

Cọp trong môi trường thiên nhiên hoang dã

     Ở Sóc Trăng, còn tường truyền những câu chuyện về loài hổ cách nay khoảng 150 năm. Huyện Cù Lao Dung hiện nay khoảng cuối thế kỷ XIX còn gọi là cù lao Hổ Châu vì nơi đây có nhiều hổ sinh sống. Chúng ta nên biết rằng, Hổ rất giỏi bơi dưới nước, có thễ bơi 4 km hay 5 km là chuyện thường nên vùng đất cù lao còn nhiều cây cối lau sậy, chưa có người đến sinh sống là nơi trú ngụ lý tưởng của chúng. Khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, vùng An Thạnh 3 còn lan truyền một thầy võ đánh chết con cọp to lớn đi vào xóm kiếm mồi. Hay tại xã Lịch Hội Thượng còn có câu chuyên kể về Bà Mụ được hổ đực rình trước nhà, rồi vồ nhẹ Bà Mụ, thẩy lên lưng chạy đi vào rừng sâu để đỡ cho hổ mẹ gặp khó sinh con không được. Bà Mụ đã thực hiện tốt chức năng của Bà nên ca đỡ đẻ thành công. Hôm sau, hổ cha mang đến 1 con lợn rừng trả ơn trước nhà Bà Mụ. Câu chuyện Bà Mụ đỡ đẻ cho cọp cái mang tính hơi hoang đường, nhưng là chuyện kể do một người cháu đời thứ tư, mất cách nay 3 năm, nếu còn sống năm nay đã 90 tuổi, gọi Bà Mụ bằng Bà Cốc, kể lại.

     Thực tế,Cọp ở vùng Sóc Trăng là có thật, vì vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng hơn ba trăm năm trước đa số là rừng rậm, người ở thưa thớt, thú hoang dã còn nhiều. Nên nhớ rằng, Phủ Ba Xuyên mới được vua Minh Mạng lập ra năm 1835. Đến đầu năm 1904, trong quyển Chuyên khảo về tỉnh Sóc Trăng, chữ Pháp, của Hội Nghiên cứu Đông Dương, bản dịch chữ Việt của Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long, ở trang 76-77 cho biết: “ Trong tỉnh, người ta thấy có sự hiện diện của vài loại khỉ, những loãi thú ăn thịt (vài con cọp trong vùng đầm lầy ở Hội Bình, Cổ Cò, Mỹ Tú, Mỹ Phước và Hòa Tú), trâu rừng và những động vật họ hươu (nai). Về loài động vật da dầy, có voi rừng còn đi lang thang theo đàn trong nữhng vùng rộng lớn phía Tây của tỉnh ( . . .)”.

     Như vậy, cùng với sự gia tăng dân số, con người ngày càng xâm lấn, tàn phá rừng rậm, đẩy nhiều loài thú hoang dã đi dần tới chỗ bị hủy diệt.Cọp là 1 trong những loài thú đang bị báo động đỏ. Ông Ba Mươi dần dần chỉ còn là huyền thoại nếu phân loài hổ bị tuyệt chủng, như 3 phân loài hổ không còn như phần đầu bài viết đã nhắc. Hổ sẽ không còn nơi tung hoành ngang dọc, sẽ không còn là chúa Sơn Lâm trong khu rừng rậm nhiệt đới hoang dã nữa. Vì vậy, những sở thú, thảo cầm viên, khu bảo tồn ở các nước đang ra sức gìn giữ bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

                                                                                  Trịnh Công Lý

Related Post

Sample Plan