Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

09/11/2023 254 0

STO - Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, khuyến khích cộng đồng dân cư làm du lịch, phát huy bản sắc văn hóa, hướng đến nông thôn hiện đại, văn minh… du lịch nông thôn được xem là động lực góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 14/12/2022 triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh đã xây dựng được cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đậm chất Tây Nam Bộ. Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử và cụm du lịch cộng đồng xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ.

Du khách trải nghiệm một điểm du lịch tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN THANH

Bên cạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xác định là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, gắn với XDNTM. Hiện chương trình đã phát triển được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công nhận 184 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Riêng đối với nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, tỉnh đã công nhận được 2 sản phẩm là “Dịch vụ du lịch nhà hàng chùa Dơi, khách sạn Satraco” và “Nghệ thuật múa rô-băm” đều đạt hạng 3 sao. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng OCOP như: Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên, huyện Cù Lao Dung; Dịch vụ du lịch trang trại nhà hàng Ngôi sao nhỏ - Beloved Farm.

Trên địa bàn xã Phú Tân, huyện Châu Thành cũng đang khai thác phát triển Dự án “Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên”, Dự án Du lịch “Văn hóa làng nghề dân tộc xã Phú Tân”, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch, đồ lưu niệm từ mây tre đan đát, vẽ tranh trên kiếng và sản phẩm cốm dẹp theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Có thể nói, các sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận, hỗ trợ đầu tư đã góp phần làm phong phú thêm danh sách quà tặng, phục vụ cho du khách, trở thành sản phẩm thương mại, du lịch của địa phương.

Theo đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM theo hướng bền vững cần có giải pháp cụ thể. Theo đó, cần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Các ngành liên quan và địa phương nên rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Việc xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch nông nghiệp phải trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường; sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với Chương trình OCOP, mang thương hiệu của địa phương. Cần tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh với thế mạnh nông nghiệp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành cùng địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, giới thiệu, quảng bá thu hút khách, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch…

“Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp, động lực thúc đẩy XDNTM bền vững và nông thôn mới sẽ là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về XDNTM. Vừa qua, tỉnh đã đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình thí điểm “Khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ”, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2024. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp các địa phương khảo sát thực tế 18 điểm du lịch để đề xuất chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025” - đồng chí Phạm Văn Đâu thông tin thêm.

XUÂN THANH

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/phat-trien-du-lich-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-68535.html

Related Post

Sample Plan