SÓC TRĂNG TIẾP TỤC KHAI THÁC TIỀM NĂNG LỢI THẾ DU LỊCH CỦA TỈNH

03/04/2023 316 0

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã có những bước chuyển biến tích cực và phát triển rất đáng phấn khởi, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh thế mạnh về loại hình du lịch tâm linh tín ngưỡng với những ngôi chùa nổi tiếng mang kiến trúc độc đáo như: Chùa Mahatup (Chùa Dơi), Chùa Kh’leang, Bửu Sơn Tự (Chùa Đất Sét), chùa Srolôn (Chùa Chén Kiểu)…và sự phong phú đa dạng, nét độc đáo hấp dẫn về văn hóa lễ hội như: Lễ hội Ooc-Om-Boc, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Cúng Phước Biển, Lễ hội Thak-Côn…Sóc trăng còn có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn.

Được thiên nhiên ưu đãi, Sóc trăng có hơn 72km bờ biển với những bãi biển đẹp, có cảnh quang thiên nhiên thơ mộng như bãi biển Hồ Bể (Vĩnh Châu), bãi biển Mỏ Ó (Trần Đề) cùng các khu rừng bần ven biển ở Cù lao Dung, Trần Đề với hệ sinh thái ngập mặn đa dạng, phong phú, mang tính đặc trưng của vùng biển Nam bộ, sẽ là điểm đến lý tưởng cho những người thích gần gũi với thiên nhiên, thích khám phá, nghiên cứu, dã ngoại…rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

 

(1) Đạp mong tại huyện Trần Đề tỉnh Sóc Trăng

         

            Bên cạnh đó, với những dãy cù lao xanh trải dài hơn 60 km dọc theo sông Hậu, được bao bọc bởi những vườn cây ăn trái sum xuê, trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía xanh tươi mượt mà, hệ thống kinh rạch chằng chịt, không khí mát mẽ trong lành, cảnh quang sông nước hữu tình… tạo nên những nét mới lạ, hấp dẫn, độc đáo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình du lịch sông nước miệt vườn, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng.

           Tiềm năng về du lịch của Sóc Trăng là loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển. Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch đã được phê duyệt; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, nhất là lớp tập huấn về phát triển du lịch cộng đồng hỗ trợ về chuyên môn cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án phát triển du lịch, trong đó chú trọng đến việc phát triển các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế và mang tính đặc trưng của từng địa phương. Đồng bào Khmer Sóc Trăng nổi tiếng với nghệ thuật múa như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan, nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc với các loại hình sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê…

 

(2) Đua ghe Ngo tại khán đài A1trên sông Maspero phường 9 TPST

          Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo diễn ra vào thời gian cố định từ ngày 14-15 tháng 10 âm lịch hàng năm, nên các công ty du lịch rất thuận lợi trong việc chào bán tour và cho du khách đăng ký trước, đây cũng là điểm thuận lợi trong phát triển tour du lịch này, Ngoài ra, địa phương còn có 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh. Các di di tích này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Sóc Trăng.

           Điểm tham quan chùa Som Rong, nổi tiếng với công trình xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với kích thước dài 72m, cao 22,5m, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất. Điểm du lịch Tân Huê Viên đang được triển khai xây dựng dự án Tòa Liên Hoa Bảo tháp. Dự án khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên do Công ty Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh đầu tư đã và đang là sự thu hút khách du lịch. Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, địa phương cũng đang xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các cù lao trên sông Hậu; du lịch trải nghiệm tại các dự án lớn của địa phương như điện gió, điện mặt trời…Đồng thời, thành phố Sóc Trăng đang xây dựng phố đi bộ và tổ chức dịch vụ du lịch về đêm để lưu giữ chân du khách.

           Phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc trong từng sản phẩm, tỉnh Sóc Trăng đề ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác ở địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

          Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch, quảng bá, xúc tiến  về loại hình du lịch mang đậm bản chất văn hóa, dân tộc, lý tưởng, hấp dẫn; đồng thời có kế hoạch phát triển loại hình du lịch trong phạm vi toàn tỉnh, định hướng đến các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu; ưu tiên các loại hình du lịch văn hóa lễ hội gắn với loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, sông nước miệt vườn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

 

                                                                                                            Thanh Điền

Related Post

Sample Plan