Thúc đẩy lao động chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch

14/03/2024 161 0

STO - Với quan điểm phát triển nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động này.

Đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng

Du lịch là một ngành kinh tế thu hút được nhiều lao động xã hội tham gia. Lao động du lịch có những nét đặc thù trong hoạt động kinh doanh các dịch vụ như: lữ hành, lưu trú, tham quan giải trí, vận chuyển, điểm bán hàng phục vụ khách du lịch… Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết, cũng như nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch của cả nước, nguồn lao động du lịch của Sóc Trăng đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ, từ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn đến nhân viên bếp các nhà hàng, tài xế taxi, tài xế xe gắn máy, nhân viên bán hàng tại các điểm du lịch… Nguồn lực lao động này cũng tăng qua từng năm, thích ứng với nhu cầu của sự phát triển kinh tế. Nếu như cuối năm 2018, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch là 1.100 người (khối quản lý nhà nước là 472 người, khối kinh doanh là 628 người); sau đại dịch, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch có bước phục hồi và phát triển, đến cuối năm 2023, nhân lực trong lĩnh vực du lịch là 1.400 người (khối quản lý nhà nước là 472 người, khối kinh doanh là 928 người), tăng 25%, đã phản ánh vai trò quan trọng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.

 Thuyết minh viên tại Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn năng động, nhiệt tình góp phần quảng bá truyền thống lịch sử hào hùng cũng như hình ảnh quê hương Sóc Trăng đến với du khách.

Thời gian qua, đội ngũ viên chức của Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn có sự nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhất là các thuyết minh viên rất năng động, nhiệt tình luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách tham quan. Theo ông Nguyễn Chiến Chinh - Trưởng Ban Quản lý Di tích khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, đơn vị hiện có 2 thuyết minh viên, với trình độ 1 là Đại học Bảo tồn - Bảo tàng và 1 Trung cấp Quản lý Văn hóa. Hằng năm, các thuyết minh viên còn được lãnh đạo ngành đưa đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức về hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng giao tiếp… Các thuyết minh viên được xem như là người thổi hồn vào lịch sử, văn hóa tại khu di tích, góp phần quảng bá truyền thống lịch sử hào hùng cũng như hình ảnh quê hương Sóc Trăng đến với du khách gần xa. Vì vậy, bình quân hằng năm khu di tích đón trên 13 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Có thể thấy, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh chủ yếu là lao động trẻ, nhiệt tình, năng động, từng bước được đào tạo và tự đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và kiến thức để phục vụ tốt hoạt động kinh doanh; thích ứng và hội nhập nhanh với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là xu thế phát triển của du lịch.

Từ năm 2020 đến năm 2023, lượng khách đến tỉnh Sóc Trăng đã tăng 2,92 lần, doanh thu du lịch tăng 3,66 lần.

Cùng với cơ chế chính sách, sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch… nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đã đóng góp tích cực trong việc tăng trưởng lượng khách và doanh thu du lịch. Trong vòng 4 năm (từ năm 2020 đến năm 2023), lượng khách đến tỉnh đã tăng 2,92 lần, doanh thu du lịch tăng 3,66 lần, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP khoảng 2,2%. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.900.000 lượt, đạt 127% kế hoạch năm, tăng 3,77% so với năm 2022, trong đó lượng khách du lịch quốc tế đạt 40.072 lượt; khách lưu trú đạt 600.000 lượt, đạt 150% kế hoạch năm, tăng 4,24% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.550 tỷ, đạt 154% kế hoạch năm, tăng 4,43% so với năm 2022.

Những giải pháp thúc đẩy nguồn lực

Để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn lao động du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, giỏi tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nghiệp vụ cho 400 lao động; giai đoạn 2025 - 2030, tổ chức 14 lớp, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nghiệp vụ cho 900 lao động; đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 80% lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có nội dung hỗ trợ cho nguồn nhân lực khi tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Hằng năm, phối hợp với các cơ sở đào tạo về nghiệp vụ du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, như: thuyết minh viên, lễ tân, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa... Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo là 950/1.400 người, đạt tỷ lệ 68%.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà đang thực hiện những giải pháp đồng bộ, để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: CHÍ BẢO

Theo đồng chí Trần Minh Lý, bên cạnh những ưu điểm, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt là trí thức trong lĩnh vực công nghệ số. Số lượng lao động du lịch còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ; kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành. Nguồn lao động thường xuyên biến động, còn mang tư duy “nhảy việc’’, một số lao động lại có ít kinh nghiệm, kinh doanh kém hiệu quả, đặc biệt là trình độ nghiệp vụ của nhân lực thuộc các doanh nghiệp tư nhân, có nơi đến 50% nhân lực chưa qua đào tạo chuyên sâu về du lịch. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch giảm do một số lao động chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Để khắc phục những hạn chế đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà đã có những giải pháp đồng bộ, để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn lực ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp về du lịch cũng như tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn lao động du lịch (về kiến thức hội nhập quốc tế, ngoại ngữ, tin học; năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin…) đảm bảo nguồn lao động vừa chắc chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về du lịch vừa chắc kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc. Song song đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn lao động du lịch, khuyến khích doanh nghiệp và lực lượng lao động tự chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về du lịch.

Với đội ngũ lao động năng động cùng những giải pháp thiết thực và đồng bộ, hy vọng rằng, tương lai ngành du lịch Sóc Trăng sẽ có những bước tiến xa hơn, góp phần đẩy mạnh mục tiêu quảng bá hình ảnh, con người ở địa phương cũng như đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. 

MAI KHÔI

Related Post

Sample Plan