TÍN NGƯỠNG THỜ TỔ NGHỀ CỦA NGƯỜI HOA Ở SÓC TRĂNG

22/02/2023 271 0

 Hội Kim hoàn Sóc Trăng tổng cộng có khoảng 30 thành viên nồng cốt, những năm gần đây Hội đã tập hợp vận động được các chủ tiệm vàng trong tỉnh ủng hộ tinh, vật lực cho ngày giỗ tổ, song song với việc đẩy mạnh công tác xã hội từ thiện, mỗi năm đóng góp cho địa phương hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó vào ngày giỗ tổ hàng năm tại đây được tổ chức long trọng hơn, khách đến tham dự ngày một đông có cả chính quyền địa phương.

Từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, có đông đảo nghệ nhân, thợ kim hoàn, chủ tiệm vàng khắp nơi trong tỉnh sẽ tề tựu về Tinh Bảo Miếu tọa lạc số 61 đường Lê Lợi, phường 8, thành phố Sóc Trăng để tiến hành tổ chức “Ngày giỗ tổ kim hoàn”.

Cổng tam quan nhìn từ bên ngoài đường Lê Lợi

Nếu như tổ nghề kim hoàn người Việt ở miền Bắc, Trung và một số tỉnh miền Nam thờ ông tổ họ Cao, Trần, Huỳnh… thì Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng lại thờ tổ người Việt lẫn Hoa. Điều này cho thấy sự tín ngưỡng thờ tổ nghề của người Hoa ở Sóc Trăng chịu ảnh hưởng nhiều bởi tính chất đa thần, sự kín đáo, dung nạp mọi tôn giáo, luôn tin tưởng vào sự gia ân, oai lực của tất cả thánh thần tiên phật. Vì vậy họ không hề phân biệt ông tổ nghề kim hoàn của mình là người Việt hay Hoa.

Cổng tam quan phía bên trong nhìn ra đường Lê Lợi

Dựa vào nội dung các câu chữ khắc trong miếu cùng lời kể của các vị cao niên địa phương, khẳng định Miếu được xây dựng năm Canh Dần 1890 do một số người thợ gia công kim hoàn người Hoa đóng góp, mục đích đoàn kết những người cùng nghề. Ngôi Miếu này được hình thành sớm nhất Nam kỳ Lục tỉnh thời bấy giờ, trước cả Hội Quán Lệ Châu. Kiến trúc miếu, hình thức, nội dung tinh thần trong nghi thức cúng, đặc biệt đối tượng chính được thờ trong miếu cũng hoàn toàn khác với Miếu Kim Hoàn ở những nơi khác.

Khu tiền sảnh của Miếu Kim Hoàn

 Kiến trúc Miếu ngày nay không khác mấy so với kiến trúc đình, chùa khác của người Hoa ở Sóc Trăng, nhưng nó đơn giản hơn, dù vậy vẫn không kém phần tôn nghiêm. Khánh thờ, bức hoành phi, trụ cột đề câu đối, toàn bộ đều khắc bằng Hán tự, cột kèo sử dụng danh mộc, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch thẻ, tường quét vôi. Cổng Tam quan trang trí các biểu tượng Lưỡng long tranh châu, Bát Tiên thí võ, Mai khai ngũ phước, Phú quý hoa khai. Hai bên bức tường của tiền sảnh tạc hình tượng Ngư hóa long... Ngoài ra trên những cánh cửa chính của Miếu đều họa hình các ông quan, tướng xưa của Trung Hoa, hiển thần, hiển thánh hộ môn oai vệ. Khu Chánh điện gồm 5 khánh thờ, trung tâm là 3 khánh thờ bài vị “Tổ Sư lịch đại” ở giữa, “Tả ban Chi vị” bên trái  và “Hữu ban Chi vị” bên phải; 2 khánh thờ còn lại bên trái là Tiên hiền, bên phải là Hậu Hiền; phía sau ngăn vách khánh thờ là bài vị của 150 vị hậu hiền là những nghệ nhân kim hoàn có công đóng góp cho nghề cho miếu.

Lễ giỗ tổ tại Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng diễn ra bắt đầu từ 14 giờ -15 giờ ngày 11/2 âm lịch, vật phẩm cúng tế thường là một con heo toàn sinh đặt trang trọng trước sân lễ, được gọi là lễ Chấp minh hay Tiên thường để ra mắt Ban tế lễ và thỉnh Tổ về dự lễ. Đến trưa ngày hôm sau tức ngày 12/2 là ngày giỗ chính (Chánh tế), lễ tế Tiên hiền, Hậu hiền cũng tiến hành trong cùng ngày.

Tuy không có sắc phong, không có lễ rước nhưng Miếu Kim Hoàn ở Sóc Trăng vẫn mang tính chất một Tổ miếu, Tổ Sư nghề kim hoàn được thờ cúng tại đây trở thành một vị Thành Hoàng của cả “làng” nghề kim hoàn Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Thợ kim hoàn ngày nay họ không còn giấu nghề, họ thờ tổ nghề với tinh thần tưởng nhớ công ơn của Tổ, những thế hệ nghệ nhân đi trước, qua đó đoàn kết cùng nhau phấn đấu củng cố, giữ gìn truyền thống nghề. Mặt khác họ khẳng định cho người dân trong và ngoài tỉnh biết, xã Khánh Hưng xưa kia đã từng là cái nôi sinh ra, bảo bọc và nuôi dưỡng nghề vàng qua mấy trăm năm. 

 Ngược dòng thời gian trở về khoảng cuối thế kỷ 19, Sóc Trăng xuất hiện rất nhiều thợ gia công kim hoàn người Hoa, họ đến lập nghiệp và sống rãi rác tại Vĩnh Châu, Phú Lộc, Mỹ Xuyên… nhưng tập trung đông đúc tại thành phố Sóc Trăng - một thị tứ hạng nhất tỉnh thời bấy giờ. Phạm vi sinh hoạt, quan hệ đối tác làm ăn, truyền thụ nghề của họ chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa. Đặc biệt tổ nghề kim hoàn của họ cũng là người Hoa. Nghề kim hoàn khi đó là một nghề truyền thống danh giá mang tính gia đình, cha truyền con nối. Họ luôn xem nghề do tổ nghiệp để lại là rất thiêng liêng cao quý, giữ bí quyết nghề chính là giữ đạo nhà, ngoài những người trong thân tộc ra họ chỉ truyền nghề cho những người họ thật sự tin tưởng, yêu thương, quý mến. Người truyền thụ nghề hiển nhiên là người thầy, người trò phải tôn kính suốt đời và người thầy phải có nhiệm vụ giúp học trò của mình sống được với nghề, khi thầy chết, học trò phải để tang và lập bàn thờ phụng. Theo ngày tháng dần trôi, những người thợ kim hoàn đã kết thành một tổ chức hội, họ cùng nhau lập bàn thờ Tổ Sư chung và làm giỗ Tổ ngay trên khu đất gia đình của một người trong bang hội.

 Năm Canh Dần 1890 Miếu Kim Hoàn Sóc Trăng được xây dựng, diện tích lớn hơn gấp nhiều lần so với ngày nay, giáp tận chùa Khánh Sơn. Miếu trở thành nơi ăn chốn ở của những người thợ kim hoàn tứ xứ. Một trong số những người thợ kim hoàn khi đó có đồng chí Phan Văn Hoành và đồng sự của mình vừa hành nghề thợ bạc kiếm sống vừa bí mật tham gia cách mạng. Vì thế ngày nay địa điểm này được chính quyền địa phương công nhận là địa chỉ đỏ của tỉnh.

Cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn, do nhu cầu tích trữ bán ra kiếm lợi nhờ chênh lệch giá. Thế là ngoài thu nhập từ gia công vốn có, các tiệm vàng bắt đầu phát triển thêm một “nghề” mới: đó là nghề mua bán hay kinh doanh vàng bạc. Nhiều tiệm vàng lớn nổi tiếng bấy giờ  như Thái Hòa, Phước Hòa, Nam Mỹ, Kim  Huê, Thái Hưng, Vĩnh Hưng…).

 Mùa đông năm Kỷ Hợi 1959, Miếu Kim Hoàn được trùng tu lần đầu tiên, với sự đóng góp của gia đình ông Thái Khắc Bảo, Long Tuyền…

Khi hòa bình lập lại vào năm 1975, các tiệm vàng bị đóng cửa. Một số chủ tiệm vàng người Hoa ra nước ngoài theo diện đăng ký tị nan kinh tế.
Trong thời gian này, ngày giỗ tổ tại Miếu Kim Hoàn không được tổ chức công khai, sự tín ngưỡng chỉ mang tính cá nhân của một số thành viên trong hội, thường là các thợ bạc gia công. Khu đất Miếu Kim Hoàn cũng bị trưng dụng làm Hợp tác xã cơ khí.

 Dù đang ở nước ngoài, những người thợ bạc người Hoa vẫn luôn nhớ về cái nôi của nghề tổ truyền tại Sóc Trăng, nên năm 1986, khi Nhà nước có chính sách mở cửa cho các thành phần kinh tế, nghề kinh doanh vàng bạc mở cửa trở lại. Năm 1989, một kiều bào tên Dùi Mừng đã gửi tiền cho ông Nguyễn Ngọc Minh đại diện đứng ra sửa chữa miếu, từ đây những người theo nghề kim hoàn bắt đầu bước sang một trang sử mới, nhiều thợ gia công lần lượt mở tiệm vàng mới. Các gia đình tiểu thương người Hoa lúc bấy giờ cho con em của họ theo học nghề thợ bạc, chỉ riêng những người thợ gia công, thành phố Sóc Trăng có khoảng 50 người.

Năm 1992, Miếu được giao về cho Hội Kim Hoàn quản lý sử dụng, với đất diện tích 1000 m2. Năm 1996, Hội trùng tu toàn bộ miếu dựa trên hiện trạng ban đầu. Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 2006.

 Trong suốt thời gian dài 128 năm, trải qua các chế độ chính trị và kinh tế đổi thay, nghề vàng của người Hoa Sóc Trăng không sao tránh khỏi những bước thăng trầm. Tín ngưỡng thờ tổ nghề của họ cũng dựa theo nó mà phát triển theo đà thịnh suy. Mặc dù mạng lưới tiệm vàng ngày nay lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng 3 dân tộc, len lỏi đến tận xã, ấp (toàn tỉnh có tổng cộng 206 tiệm vàng) do người Kinh, Khmer, Hoa làm chủ, nhưng nghề kim hoàn truyền thống của người Hoa có nguy cơ bị mai một. Dù vậy trong tâm niệm của họ lúc nào cũng tôn kính và nhớ ơn những vị Khai nguyên mô phạm của nghề. Điển hình nhất trong mỗi nhà của người chủ tiệm vàng người Hoa Sóc Trăng luôn hiện hữu một bàn thờ tổ./.

Thanh Tú

Related Post

Sample Plan