VÀI NÉT VỀ TỤC VIẾNG CHÙA, HÁI LỘC ĐẦU NĂM

25/10/2021 913 0

       Tết là dịp để mọi người cùng nhau nghỉ ngơi, thư giản sau một năm làm việc, ngược xuôi làm ăn vất vả, cũng là dịp để cùng nhau đi lễ chùa (đi lễ đầu xuân) cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui, thái bình.

      Ngày nay, mọi người đi lễ chùa đầu Xuân không chỉ từ mùng một cho đến rằm tháng Giêng, mà rất nhiều gia đình còn đi lễ chùa vào những ngày cuối năm, đặc biệt là đêm giao thừa - thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

      Khác với ngày thường, các ngôi chùa tại Sóc Trăng vào dịp tết không còn mang dáng vẻ trầm lắng, tĩnh lặng nữa mà thay vào đó là không khí nhộn nhịp, nô nức. Không chỉ của những bậc cao niên mà cả giới trẻ ngày nay cũng có thói quen đi lễ chùa để thắp nén nhang, cầu mong cho tâm hồn được trong sáng, nhẹ nhàng, công việc làm ăn, học tập được thành đạt, trôi chảy. Đi chùa hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Ở Sóc Trăng cũng có tục lệ xông đất đầu năm nhưng không phổ biến lắm mà đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm trở thành thói quen của rất nhiều gia đình.

      Thường thì mỗi chùa đều chuẩn bị sẵn nhiều bó nhang nhỏ (tùy theo số lượng chỗ thắp nhang trong chùa) để khách thập phương thuận tiện thắp nhang và cầu nguyện. Trong trang phục chỉnh tề, người người đến lễ chùa, thành tâm thắp nén hương cúng bái, dâng hoa, dâng lễ vật và cầu nguyện phước lành trong năm mới. Ngày Tết, mỗi người đều có tâm niệm mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cửa Phật để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, gia đình sung túc.

      Đi lễ chùa đầu năm, ngoài việc lễ Phật và cầu nguyện, mọi người còn có thói quen hái lộc đầu xuân vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài. "Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc. Trong "hái lộc đầu xuân", lộc là 1 mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá. Theo tục người xưa, đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái một nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.

      Ngày nay, việc hái lộc này vẫn còn diễn ra tại hầu hết các ngôi chùa nhưng theo một hình thức khác. Trước Tết, nhà chùa sẽ chuẩn bị sẵn một số bao lì xì, trong đó có một tờ giấy nhỏ ghi một số câu thơ hoặc lời tiên đoán vận mệnh trong năm. Những bao lì xì này sẽ được treo trên gốc mai hay một cây kiểng trong chánh điện của ngôi chùa. Người đến viếng chùa, sau khi thắp nhang, cúng bái xong, có thể hái lộc bằng cách gỡ lấy một bao lì xì ngẫu nhiên và xem như đó là lộc của nhà chùa. Hình thức hái lộc này chủ yếu là để bảo vệ môi trường, giữ cho cây cối, hoa kiểng trong khuôn viên chùa luôn được xanh tươi.

      Bên cạnh đó, một số ngôi chùa còn chuẩn bị những bài kinh, những loại sách nói về Phật giáo, chuỗi phật, các loại quạt giấy có in hình các vị phật với nhiều lời dạy ý nghĩa, những tờ tử vi theo từng tuổi,... để gửi đến quý phật tử và khách viếng chùa, qua đó tạo nguồn quỹ để trùng tu, sửa chữa, bảo vệ chùa và tham gia quỹ từ thiện của địa phương, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam.

      Ở Sóc Trăng, có rất nhiều ngôi chùa của cả 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Mỗi ngôi chùa mang những nét kiến trúc đặc sắc khác nhau. Những ngôi chùa của người Kinh, người Hoa là sự giao thoa giữa kiến trúc cung đình với kiến trúc dân gian. Chùa của người Khmer mang đặc trưng kiến trúc của Phật giáo Nam tông. Những công trình kiến trúc này hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên nên lên chùa còn được vãn cảnh, tìm lại cảm giác yên bình, thanh tịnh. Chính vì vậy, có thể nói đi chùa lễ Phật đầu năm ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét văn hóa tươi đẹp của người Việt Nam./.

HX

Related Post

Sample Plan