Từ lâu, Kế Sách – Sóc Trăng nổi tiếng là vùng được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có nhiều cù lao xanh, cồn bãi được phù sa sông Hậu bồi đắp nên có lợi thế để phát triển vườn cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt, trồng lúa, ….tạo nguồn thu nhập đáng kể, đáp ứng chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng. Ngoài ra, huyện còn có tiềm năng để phát triển du lịch như du lịch sinh thái miệt vườn tại các cồn, nhất là cồn Mỹ Phước, lễ hội sông nước miệt vườn, du lịch về với cội nguồn qua những di tích lịch sử cách mạng, ….
Đua thuyền rồng nhân Lễ hội Sông nước Miệt vườn tại Cồn Mỹ Phước
Dọc hai bên đường Nam Sông Hậu, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả, những quầy hàng được bày bán trên quốc lộ với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng là đặc sản của huyện Kế Sách như cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây, nhãn da đỏ,....
Nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30 km về hướng Đông - Bắc, thấp thoáng một dãy cù lao xanh thẳm nhô ra là cồn Mỹ Phước là tên gọi chung của 2 cồn: cồn Công Điền và cồn Bùn thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Khu vực cù lao xanh này, có diện tích khoảng 1.020 ha có chiều dài khoảng 3,5km, trong đó diện tích trồng cây ăn trái gần 300 ha. Để đến với cồn Mỹ Phước, du khách có thể lựa chọn một trong hai tuyến đường bộ sau: Tuyến Sóc Trăng - Kế Sách: từ Tp. Sóc Trăng đến ngã ba An Trạch rẽ phải theo Tỉnh lộ 1 về huyện Kế Sách đến phà Nhơn Mỹ qua sông là đến cồn và Tuyến Sóc Trăng - Đại Ngãi- Song Phụng: từ Tp. Sóc Trăng theo quốc lộ 60 đến xã Đại Ngãi quẹo qua quốc lộ Nam Sông Hậu đầu xã Song Phụng, khách qua sông tại bến đò xã Song Phụng.Ngoài ra, khách từ TP. Cần Thơ có thể đi theo quốc lộ Nam Sông Hậu đến xã Nhơn Mỹ với khoảng cách chỉ khoảng 40km. Cồn Mỹ Phước không chỉ là điểm du lịch sinh thái miệt vườn của huyện Kế Sách, mà còn là điểm tổ chức Lễ hội Sông nước Miệt vườn hàng năm, vào dịp vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 4, 5 tháng 5 âm lịch) thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và vui chơi.
Đặc sản bưởi 5 roi Kế Thành - Kế Sách
Trong thời gian diễn ra lễ hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi như Hội thi Ẩm thực Sông nước Miệt vườn, Hội thảo kỹ thuật về cây ăn trái, đua thuyền rồng, triển lãm và buôn bán trái cây đặc sản của huyện,… Ngoài ra, còn các trò chơi dân gian như: đập nồi, nhảy bao, bi sắt.... Nhằm tạo điều kiện tốt nhất phục vụ cho Lễ hội, từ tháng 10 năm 2010 huyện Kế Sách đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 8.671m2 gồm: khu nhà mát, nhà họp, nhà làm việc; cổng rào; sân đường, bồn hoa; quảng trường trung tâm; hệ thống chiếu sáng; cầu tàu du lịch từ lộ Nam Sông Hậu; mở rộng các đoạn đường đal chính, mặt lộ từ 2m lên 4m…Tổng kinh phí xây dựng 13 tỷ 800 triệu đồng từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ có mục tiêu. Hiện các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành và đã đưa vào phục vụ Lễ hội Sông nước Miệt vườn dịp Tết đoan Ngọ năm nay.
Đến cồn Mỹ Phước, du khách vừa thưởng thức trái cây, vừa có thể khám phá nhiều món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn như cá lóc luộc hèm, canh chua cá ngát nấu bần, ốc luộc nước dừa chấm cơm mẻ....,thưởng thức đờn ca tài tử dưới những vườn cây ăn trái rợp bóng mát. Với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch như thế, cồn Mỹ Phước đã được UBND tỉnh công nhận là di tích thắng cảnh cấp tỉnh vào ngày 01 tháng 02 năm 2008.
Bến phà Cồn Mỹ Phước
Về huyện Kế Sách, du khách còn có dịp đến tham quan vườn cò Hậu Bối, xã Đại Hải, do gia đình ông Trương Tấn Sinh làm chủ, bảo vệ và khai thác. Vườn cò này được hình thành tự nhiên vào năm 1960, với tổng diện tích khoảng 9.000 m2. Trong vườn có nhiều cây tạp lâu năm gồm: Còng, Tre, Dừa, Đủng đỉnh, Bình bát,…Vườn cò là nơi trú ngụ của nhiều loại chim, cò phổ biến của vùng đồng bằng Sông Cửu Long như Cò ngà nhỏ, Cò ruồi, Vạc, Cốc đen, Cò bợ,...
Cũng như những huyện khác trong tỉnh, Kế Sách cũng có những ngôi chùa nổi tiếng thể hiện sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc trên từng vùng miền của tỉnh như Chùa Thiên Thới toạ lạc tại xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách đã vinh dự được chọn là điểm tổ chức Pháp hội Vu lan Báo hiếu PL.2556 vào ngày 10/8/2012, Chùa Pô Thi Thlâng hay còn gọi là chùa Tập Rèn thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách nổi tiếng về loài cây lạ có nguồn gốc từ Campuchia. Đó là cây chanh so hay còn gọi là cây chanh trắng, có hoa màu hồng hồng phơn phớt, thân gỗ to lớn, có khoảng 20 gốc tạo bóng mát cho toàn khuôn viên chùa,....
Ngoài ra, Kế Sách còn là cái nôi của giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ thanh thiếu niên qua các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh như: di tích lưu niệm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, liệt sĩ Thiều Văn Chỏi (Ba Trinh) tại ấp 7, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm Tp. Sóc Trăng trên 40km. Khu di tích này có nhiều công trình như: nhà bia liệt sĩ có tấm bia cao 4,5m ghi danh họ tên địa chỉ của 573 anh hùng liệt sĩ của xã Ba Trinh, tượng đài tưởng niệm đồng chí Thiều Văn Chỏi, hàng rào,... Xã Ba Trinh là vùng căn cứ cách mạng thời kháng chiến, quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang “Thần Chỏi” - Liệt sĩ Thiều Văn Chỏi, là nơi về nguồn của các thế hệ, là niềm tự hào của quê hương Kế Sách anh hùng.
Đặc biệt, tại huyện còn có hợp tác xã bưởi năm roi nổi tiếng tại xã Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhằm phát triển thương hiệu bưởi năm roi Kế Thành vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí để xúc tiến thương mại và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho bưởi năm roi của xã Kế Thành - Kế Sách, cũng như cung cấp thông tin về sản phẩm bưởi của HTX lên Website chính thức của ngành nông nghiệp Sóc Trăng để tiếp tục quảng bá cho nhãn hiệu đặc trưng này.
Trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo điều kiện phát huy thế mạnh về du lịch, mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa bằng việc tổ chức tốt các lễ hội của huyện, nâng cao giá trị vốn có của các tài nguyên du lịch để tạo thành sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến thu hút du khách tham quan, tăng nguồn thu nhập cho huyện./.
Nguyệt Giang