CHÙA PHẬT QUANG
CHÙA PHẬT QUANG
CHÙA PHẬT QUANG
CHÙA PHẬT QUANG

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: 0

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: xtdulichsoctrang@gmail.com

Địa chỉ: Số 83, ấp Phú Thành B, Xã Phú Tâm, Huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng

Chùa Phật Quang tọa lạc tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Chùa cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 11km theo hướng Tây Bắc. Từ Sóc Trăng, theo quốc lộ 1A hướng về Cần Thơ, đi khoảng 5km đến ngã tư An Hiệp (trước đây người ta gọi là ngã ba An Trạch), rẽ phải theo tỉnh lộ 932 hướng về Kế Sách, đi khoảng 6km thì đến chợ Phú Tâm (xưa gọi là chợ Vũng Thơm), qua chợ khoảng 200m, rẽ phải theo con lộ nhựa nhỏ khoảng 100m, rẽ trái khoảng 50m là đến chùa. Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A hướng về Sóc Trăng khoảng 55km là đến ngã tư An Hiệp, rẽ trái theo tỉnh lộ 932, đi theo cách ở trên là đến chùa.      Phía Đông chùa (mặt trước chùa) tiếp giáp với con đường nông thôn trãi nhựa, phía Tây giáp nhà dân, hướng về tỉnh lộ 932, phía Nam và Bắc (hai bên chùa) giáp nhà dân. Nhìn từ xa, khó ai có thể đoán biết đó là một ngôi chùa, bởi nét mộc mạc, đơn sơ cùng với vị trí bình ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Chùa Phật Quang tọa lạc tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Chùa cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 11km theo hướng Tây Bắc. Từ Sóc Trăng, theo quốc lộ 1A hướng về Cần Thơ, đi khoảng 5km đến ngã tư An Hiệp (trước đây người ta gọi là ngã ba An Trạch), rẽ phải theo tỉnh lộ 932 hướng về Kế Sách, đi khoảng 6km thì đến chợ Phú Tâm (xưa gọi là chợ Vũng Thơm), qua chợ khoảng 200m, rẽ phải theo con lộ nhựa nhỏ khoảng 100m, rẽ trái khoảng 50m là đến chùa. Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A hướng về Sóc Trăng khoảng 55km là đến ngã tư An Hiệp, rẽ trái theo tỉnh lộ 932, đi theo cách ở trên là đến chùa.

     Phía Đông chùa (mặt trước chùa) tiếp giáp với con đường nông thôn trãi nhựa, phía Tây giáp nhà dân, hướng về tỉnh lộ 932, phía Nam và Bắc (hai bên chùa) giáp nhà dân. Nhìn từ xa, khó ai có thể đoán biết đó là một ngôi chùa, bởi nét mộc mạc, đơn sơ cùng với vị trí bình thường như những ngôi nhà xung quanh, cùng với tường vôi và mái lợp tôn đã cũ kỹ. Vẻ ngoài của chùa trông giống như một ngôi nhà, nửa giống như một ngôi đình, nhưng không có cổng, không có hàng rào, không có sân và cũng chẳng có cổng chính mà chỉ có hai cửa ở hai bên.

     Chùa Phật Quang là cơ sở thờ tự thuộc phái Bắc Tông, được chính thức thành lập vào năm 1956, trên diện tích 388,3m2, do bà Lê Thị Sửu, một người dân trong vùng hiến đất cúng dường. Lúc này chùa chỉ có vách tường hai bên giáp với nhà dân, nền đất, ẩm thấp với hai tầng mái lá. Chùa đã trãi qua 03 đời trụ trì như sau:

  1. Hòa thượng Thích Huệ Chơn (tên thật Nguyễn Văn Sâm): từ 1961 đến 1983
  2. Hòa thượng Thích Pháp Hải (tên thật Trương Sén): từ 1984 đến 2004
  3. Đại đức Thích Thiện Sáng (tên thật Trương Thanh Quang): từ 2005 đến nay.

     Theo lời kể của Đại đức Thích Thiện Sáng, lúc đầu, chùa Phật Quang chỉ là một cái am nhỏ, được cất bằng tre lá, nền đất, thấp và ẩm ướt, do sư ông Trương Sén cùng bà Lê Thị Sửu dựng lên để thờ Phật, tụng niệm kinh kệ, để rèn tâm, luyện đức. Đồng thời, đây cũng là nơi chữa bệnh phát thuốc từ thiện cho bà con quanh vùng. Đến năm 1950, sư ông Trương Sén xuất gia ở chùa Long Hưng, cùng tu hành với Hòa thượng Thiện Hạ Sanh (lúc này là trụ trì chùa Long Hưng) được 06 năm. Sau đó ông quay trở về chùa Phật Quang tiếp tục tu hành với pháp danh Thích Pháp Hải.

Các tương Phật trong ngôi chùa; ảnh LP

     Cũng trong khoảng thời gian này, sư ông Nguyễn Văn Sâm đang xuất gia, tu tại chùa Phnôrôka. Nhà chùa đã cử sư ông Nguyễn Văn Sâm đi học Phật giáo tại Thái Lan và Campuchia khoảng từ 1955 đến 1960 thì về nước. Lúc này, ông có pháp danh là Thích Huệ Chơn. Tuy nhiên, ông không trở về chùa Phnôrôka mà qua chùa Phật Quang để tu hành. Vì chùa Phnôrôka là hệ phái Nam tông, còn chùa Phật Quan theo hệ phái Bắc tông, nên trụ trì chùa Phnôrôka đã không đồng ý cho ông tu tại chùa Phật Quang. Vì thế, sư ông Thích Pháp Hải đã đưa sư ông Thích Huệ Chơn sang chùa Long Hưng cùng tu hành với Hòa thượng Thiện Hạ Sanh (trụ trì chùa). Tu hành tại đây được khoảng 06 tháng, sư ông Thích Huệ Chơn lại quay về chùa Phật Quang tiếp tục tu hành. Do kính trọng phẩm hạnh và tấm lòng thành của sư ông Thích Huệ Chơn, nên sư ông Thích Pháp Hải đã mời sư ông Thích Huệ Chơn làm trụ trì chùa Phật Quang kể từ năm 1961.

Các tương thần trong ngôi chùa; ảnh LP

     Nhìn từ bên ngoài, cửa phía bên phải chùa là Tam Thiên Đài Phật Quang, cửa bên trái là Thông Thiên Đài Phật Quang, khoảng giữa hai cửa là tường có ghi hàng chữ “Chùa Phật Quang”, phía trên mỗi cửa được đặt 2 tượng Phật Thích Ca, ngồi tựa lưng vào nhau, hai mặt quay về hai hướng Đông và Tây. Thoạt nhìn, chùa không có vẻ gì là đặc biệt và thu hút cả!

     Nhưng khi bước vào bên trong, người ta mới thật sự ngạc nhiên và choáng ngợp bởi nét trang trọng, uy nghiêm và hoành tráng của hàng hàng, lớp lớp những pho tượng thờ lớn, nhỏ, tạo cho ta có cảm giác như ngôi chùa sắp “vỡ ra” vì “không đủ sức” để chứa các pho tượng!. Nơi đây có thể được xem như là một “bảo tàng nhỏ”, một “bộ sưu tập” về các pho tượng thờ. Từ các tượng Phật của phái Bắc tông, Nam tông, có cả các pho tượng Phật nằm của phái Nam tông ở Thái Lan và Campuchia, đến các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, chư Thiên, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần… Tất cả tạo nên sự đa dạng, phong phú, mới lạ, độc đáo, hấp dẫn và luôn cuốn người xem. Có trên 500 tượng Phật lớn, nhỏ khác nhau, cùng với các bệ thờ được bố trí khắp mọi nơi. Tất cả các pho tượng được tạc bằng xi măng cốt thép, được sơn son thếp vàng, trong đó có rất nhiều pho tượng có chiều cao từ 1,5m đến 3,1m.

     Có thể tạm tính là bên trong chùa có 03 gian; gian giữa là chánh điện. Từ cửa đi vào gian bên phải chánh điện là tượng Bát Du Chơn Võ ngồi cao 2,3m tay cầm thanh gươm. Kế đến là bộ tượng Quang Đế Thánh Quân, gồm 05 tượng: Quan Đế Thánh Quân cao 2,3m, tư thế ngồi, tay cầm quyển sổ sinh tử; Trương Tiên Đại Đế cao 2,8m, tay cầm thanh cung, trái đạn; Quan Bình đứng cao 2,8m, tay phải cầm ấn soái, tay trái cầm cờ; Vương Thiên Quân đứng cao 2,8m, tay cầm cây giãn; Châu Xương đứng cao 2,8m, tay cầm siêu đao.

     Kế tiếp là bộ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế (Tam Hoàng) gồm: Địa Hoàng ngồi cao 2,9m; Nhơn Hoàng ngồi xếp bằng cao 2,4m và Phật Dược Sư ngồi cao 1,5m. Phía trên tượng Địa Hoàng là tượng Phục Hy Thần Nông cao 1,6m; ở phía dưới đứng giữa tượng Địa Hoàng và Ngọc Hoàng Thượng Đế là tượng đức Khổng Tử cao 3,1m. Phía trên có bệ thờ tượng Cửu Vị Tinh Quân (9 vì sao), mỗi vị mặc sắc phục khác nhau nhằm thể hiện sự may mắn và tốt đẹp đến với nhân gian…

     Gian chánh điện, phía trước có tượng Quan Âm Bồ tát cao 2,5m, đứng trên tòa sen, một tay cầm nhành liễu, tay kìa cầm bình nước cam lồ; kế bên là tượng Phật Khổ Hạnh cao 1,3m, tượng Vua Tịnh Phạn (cha của Thái Tử Tất Đạt Đa) cao 1m, kế bên là tượng Hoàng Hậu Ma Gia cao 1,5m, tượng Ba Xà Ba Đề cao 1,5m, ở giữa 2 tượng này là tượng Phật Đản Sinh cao 1,2m; cạnh tượng Phật Quan Âm là tượng Phật Trung Tôn cao 2,7m ngồi trên bệ thờ, hai bên là trống và đại hồng chung. Đối diện bộ tượng trên là 05 tượng Phật Thích Ca với 01 tượng A Di Đà, tất cả đều cao 2,5m.

          Ở trung tâm gian chánh điện, bên phải là bệ thờ tượng Phật Thích Ca theo kiến trúc Campuchia, trong tư thế nằm nhập Niết bàn dài 12,7m, bên trái là bệ thờ tượng Phật Thích Ca theo kiến trúc Thái Lan nằm đối xứng với tượng bên phải và cùng có chiều dài 12,7m. Xung quanh bệ thờ có 50 tượng Phật lớn, nhỏ khác nhau theo kinh A Di Đà. Ở giữa là tượng Phật Di Lặc ngồi cao 1,3m, phía sau lưng là tượng Nhiên Đăng Đại Cổ Phật cao 1,2m. Kế tiếp là Đại Hùng Bửu Điện với trên 100 tượng Phật lớn, nhỏ trong tư thế ngồi theo thứ bậc trong Kinh Hồng Danh, phía trên là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 12,7m. Phía bên phải Đại Hùng Bửu Điện, ở giữa, bên trên là bệ thờ tượng Phật Tam Thanh Giáo Chủ cao 1,4m, ở hai bên và thấp hơn là bệ thờ tượng Văn Thù Bồ Tác và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát cao 1,25m. Phía bên trái là bộ tượng Di Đà Tam Tôn gồm: A Di Đà Phật cao 1,4m, Quan Thế Âm Bồ Tác cao 1,25m và Đại Thế chí Bồ Tát cao 1,3m…

     Bên trái chánh điện, từ ngoài nhìn vào là bệ thờ bộ tượng: Phật Mẫu Chuẩn Đề 18 tay, cao 2,3m; Diệu Trì Tây Vương Mẫu cao 2,4m; Quan Thế Âm Bồ Tác, Bà Chúa Xứ cao 2,4m; Bạch Y Quan Thế Âm Bồ Tát…. Điều đặc biệt là phía dưới bệ thờ này là một lăn hầm bí mật, có chiều dài khoảng 10m, sâu khoảng 2m. Theo lời Đại Đức Thích Thiện Sáng, trụ trì chùa hiện nay, thì nơi đây, chính là hầm bí mật dùng để cho thanh niên trong vùng trốn quân dịch, bắt lính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

     Điều đặc biệt và đáng khâm phục ở đây là hơn 500 pho tượng lớn, nhỏ trong chùa đều do chính tay các sư trụ trì chùa khổ công đêm ngày tạc nên trong khoảng thời gian gần 30 năm (từ 1956 đến 1985). Theo lời Đại đức Thích Thiện Sáng, dụng cụ để các Hòa thượng trụ trì chùa dùng để tạc tất cả các pho tượng trên là những cái gáo dừa và những chiếc “dao con chó” (loại dao mà những phụ nữ ngày xưa dùng để bổ cau ăn trần). Ngày ngày, các Hòa thượng kiên trì, cặm cụi đắp xi măng, tạc tượng Phật, khi quá mệt mỏi thì nằm trên nền chùa, ngay dưới chân các pho tượng để nghỉ, khi bớt mệt, các vị lại ngồi dậy tiếp tục công việc…. Và cứ thế…., hơn 500 pho tượng Phật lớn, nhỏ được hình thành và lưu giữ đến ngày nay. Có đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng các pho tượng, chúng ta mới phần nào cảm nhận được công lao và tâm huyết của các bậc chân tu.

     Từ khi thành lập đến nay, chùa Phật Quang đã qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu. Nhưng hiện nay, ngôi chùa đã xuống cấp và quá chật chội vì không đủ diện tích để bố trí các pho tượng Phật. Đại đức Thích Thiện Sáng, trụ trì chùa hiện nay, tâm sự: “Tâm nguyện duy nhất của tôi là làm sao có kinh phí để xây dựng lại ngôi chùa, có đủ chổ để thờ cúng các chư Phật, Thiên, Tiên, Thần, Thánh được trang trọng hơn. Đồng thời, có chỗ thuận tiện phục vụ nhu cầu cúng viếng của phật tử gần xa và phục vụ cho du khách khi đến viếng chùa”.

     Hãy một lần đến với chùa Phật Quang để chiêm ngưỡng và cảm nhận! Đây sẽ là một điểm đến cần thiết, thú vị, hấp dẫn cho loại hình du lịch tâm linh, văn hóa tín ngưỡng./.

*Tài liệu kham khảo:

  • Qua lời kể của Đại đức Thích Thiện Sáng.
  •  Lời kể của một số bà con phật tử sinh sống quanh khu vực chùa.
  •  Qua khảo sát thực tế tại chùa.

Nguyễn Quốc Quân

Review and Evaluation


Alls
(From total review)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Điểm đến

Giải trí