Đơn ca tài tử - Nam bộ ở Sóc Trăng với hoạt động sông nước miệt vườn

17/02/2023 236 0

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ và hình thành, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam ở vùng miệt vườn, sông nước với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và bình dị. Đờn ca tài tử có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía nam và năm 2014 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người miền Nam thường tổ chức Đờn ca tài tử vào các dịp lễ hội, tết, giỗ, lễ cưới, sinh nhật hoặc họp mặt,..là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Sau này có thêm đàn ghita phím lõm, violon, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm).

Đờn ca tài tử tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng)

          Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 04 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).

          Ngày nay, Đờn ca tài tử không ngường được cải tiến về chất lượng mà còn được quan tâm, khai thác phục vụ cho du lịch của các tỉnh ở miền Tây nói chung. Về tỉnh Sóc Trăng, có thể nói Đờn ca tài tử là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo được các công ty du lịch khai thác phục vụ. Du khách ưa chuộng, thích thú loại hình này, vì đa số được tổ chức biểu diễn dựa vào phong cảnh hữu tình, gần với thiên nhiên, như: tổ chức tại các sân vườn, ở trên những chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước. Sóc Trăng là tỉnh cũng có nhiều điểm tương đồng so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng.Tỉnh có các dãy cù lao xanh dài hàng chục km, thuộc các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú chạy dài ra tận cửa biển. Trên các cù lao có trồng nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như ở cù lao Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước, cồn Song Phụng,... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với đờn ca tài tử.  

          Riêng cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, người dân trên cồn đã phát triển mạnh nghề làm vườn. Hàng năm vào dịp tết Đoan Ngọ, Huyện có tổ chức lễ hội Sông nước Miệt vườn, được diễn ra trong 02 ngày (từ mùng 4 – 5 âm lịch). Đây là điểm nhấn thu hút du khách đến vui chơi, tham quan lễ hội, xem thi nấu ăn, thi đua thuyền rồng, đua võ lãi, thi trò chơi dân gian, đổ bánh xèo…

          Trong 02 ngày diễn ra lễ hội, liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tại đây thu hút hàng ngàn người đến xem. Vào những ngày bình thường, hay ngày nghỉ cuối tuần câu lạc bộ Đờn ca tài tử cồn Mỹ Phước sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách qua những điệu thức đậm chất tài tử Nam bộ mộc mạc, trữ tình làm say mê lòng người. Du khách có những phút giây thư giãn thả hồn mình trên sông nước miệt vườn và cùng hoà lời ca tiếng hát của mình, cùng trổ tài với các nghệ nhân đờn ca tài tử nơi đây.Tất cả những ca, nghệ sĩ nghiệp dư và người dân địa phương ở đây đều đồng thuận, tích cực tham gia sinh hoạt, bảo tồn, đều mong muốn phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử bền vững, rộng khắp. Nếu du khách nào chưa biết đờn ca, có thể được hướng dẫn học ca một vài điệu lý hay vài câu vọng cổ hoặc nếu quý khách có thời gian ở lại vài ngày có thể học đờn vọng cổ, rồi tự mình đờn ca như những người dân ở nơi này. 

          Hãy ghé Sóc Trăng, về thăm vùng đất cù lao hay vùng nông thôn đất liền của tỉnh Sóc Trăng, quý khách sẽ được trải nghiệm thú vị với loại hình du lịch này./.

Lý Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu