Price: Free
Phone: 0
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 7:00 AM - Close Time: 6:00 PM
Email: xtdulichsoctrang@gmail.com
Address: Thị trấn Long Phú, Huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăng
Ngoài 8 di tích cấp quốc gia, tỉnh Sóc Trăng còn có 32 di tích cấp tỉnh. Trong đó có di tích Lưu niệm danh nhân Lương Định Của, một trong những nhà khoa học nổi tiếng của đất nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Địa điểm Nhà lưu niệm được đặt tại ấp 3, gần vòng xuyến trung tâm của thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Chân dung BS Nông học Lương Định Của
Nhà Lưu niệm có diện tích sử dụng hơn 1.350m2, được xây dựng vào năm 2010 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Với kiểu kiến trúc của một ngôi đình Nam bộ, nhà lưu niệm được xem như rất thân quen, gần gũi với mọi người. Bên ngoài là hàng rào cùng khoảng sân rộng, trồng nhiều cây cối, hoa kiểng. Cổng chính được xây dựng khang trang, rộng thoáng cùng 2 cổng phụ. Đi qua cổng chính, bước lên bậc tam cấp là hàng ba của nhà lưu niệm với những hàng cột tròn được chạm trỗ hình tượng rồng quấn chung quanh thân cột. Đi qua hành lang bên ngoài, vào bên trong nhà tưởng niệm chúng ta sẽ thấy được chân dung của Ông được đúc bằng đồng, đặt trên tủ thờ ngay chính giữa gian chính của nhà lưu niệm, hai bên là các tủ trưng bày hiện vật các sách báo viết về Ông; trên tường còn treo các hình ảnh về cuộc đời hoạt dộng nghiên cứu khoa học của Ông. Đặc biệt là Huân chương lao động và danh hiệu Anh hung lao động được đặt trang trọng ở nơi đây.
Ngày 26/11/2015, tại Nhà lưu niệm danh nhân BS Nông học Lương Định Của, Huyện ủy, UBND huyện Long Phú đã long trọng làm lễ tiếp nhận mô hình bông lúa của BS Nông học Lương Định Của do Nhật Bản tặng.
Đại biểu lãnh đạo cấp tỉnh và huyện cùng TS Nobuyuki ISERI
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện, các Trung tâm thuộc các Sở có liên quan, đại diện các phòng, ban ngành cấp huyện, thị trấn Long Phú, thị trấn Đại Ngãi cùng đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên học sinh trường PTTH Lương Định Của đã về dự. Đặc biệt, là sự có mặt của Tiến sĩ người Nhật Bản, Ông Nobuyuki ISERI, Điều phối viên tổ chức hợp tác kinh tế Nhật Bản Việt Nam, đại diện gia đình Ông Lương Định Của.
Phát biểu tại Lễ tiếp nhận với sự chân thành, đầy cảm xúc, Tiến sĩ Nobuyuki ISERI đã kể lại quá trình sưu tầm, phát hiện mô hình bông lúa của BS Nông học Lương Định Của. Đây là mô hình do BS Nông học tự làm năm 1952 trong điều kiện không có các dụng cụ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài như hiện nay. Trước đó, năm 1951, Ông Lương Định Của đã bảo vệ xuất sắc Luận văn tốt nghiệp với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”, được Hội đồng Khoa học Trường Đại học tổng hợp Kyoto cấp học vị bác sĩ Nông học, học vị cao nhất của Nhật Bản lúc đó. Ông là người trẻ nhất là người nước ngoài đầu tiên nhận học vị này tại Nhật Bản. Sau đó Ông còn nhiều đề tài nghiên cứu khác và mô hình Bông lúa là một trong những nghiên cứu khoa học của Ông. Mô hình này được Viện Nghiên cứu sinh học Kyhara, Kyoto, Nhật Bản lưu giữ. Được sự đồng thuận giúp đỡ của Viện Nghiên cứu sinh học Kyhara và Học viện Nông nghiệp Hà Nội cùng sự hỗ trợ của TS.Trần Tấn Phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng và TS. Nobuyuki ISERI, mô hình Bông lúa của Bác sĩ Nông học, Anh hùng lao động Lương Định Của được chuyển về quê nhà Long Phú và trao cho Nhà Lưu niệm danh nhân Lương Định Của giữ gìn và giới thiệu với khách tham quan.
Tổng thể Nhà lưu niệm
Với việc tiếp nhận mô hình bông lúa này, Nhà Lưu niệm danh nhân Lương Định Của có thêm hiện vật quý báu, bổ sung cho các hiện vật, hình ảnh về cuộc đời hoạt động nghiên cứu khoa học của Bác sĩ Nông học, Anh hùng lao động Lương Định Của.
Nhà lưu niệm
Đến Nhà lưu niêm, du khách sẽ được nghe giới thiệu về quê hương và quá trình sinh sống, học tập trong nước và nước ngoài của Ông; khâm phục về nghị lực, tài ba và trí tuệ cùng nhân cách sống và làm việc hết mình của Ông cho quê hương đất nước, cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Được biết quê gốc của ông thuộc làng Đại Ngãi, tổng Định Tường, huyện Long Phú (nay là xã Đại Ngãi huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Cha của Ông là Lương Định Giáp, là một điền chủ có tiếng của tỉnh Sóc Trăng thời bấy giờ.
Ông sinh ngày 16/8/1920, là con trai trưởng của một gia đình giàu có ở làng Đại Ngãi. Từ nhỏ Ông được gia đình cho đi học ở Sóc Trăng. Sau đó, lên Sài Gòn học ở trường dòng Saint Tabert (đường Nguyễn Du). Đến năm 12,13 tuổi cha mẹ của Ông lần lượt qua đời. Được sự bảo trợ của người Bác trong họ tộc, Ông tiếp tục học ở Sài Gòn và lấy bằng tú tài (baccalaureat) lúc 17 tuổi. Sau đó, Ông tiếp tục sang học Đại học y khoa và tiếng Anh ở Hồng Kông. Học đến năm thứ 3 thì Lương Định Của sang Trung Quốc theo học Đại học Kinh tế ở Thượng Hải. Do chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhà trường đóng cửa, Lương Định Của sang Nhật Bản vừa tìm cách mưu sinh và xin học ở khoa Nông nghiệp, trường Đại học quốc lập Kyushu ( tỉnh Fukuoka, trên đảo Kyushu). Do tài năng học tập được đánh giá cao nên nhà trường đặc cách cho Lương Định Của vào học năm thứ 3 của khoa này.
Năm 1945 là năm Lương Định Của tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp và lập gia đình với Nakamura Nobuko, 23 tuổi, một nữ sinh viên quê ở Kyushu đã tốt nghiệp Đại học Nữ công.Tháng 9 năm 1945, hay tin nước nhà độc lập, hăm hở muốn tìm cách trốn về quê hương ngay, nhưng theo lời khuyên của anh em cần phải trau đồi thêm tri thức mới có thể trốn về giúp ích nước nhà, Lương Định Của nén lòng ở lại nước Nhật vào làm việc trong Viện thực nghiệm, Trường Đại học Quốc lập Kyushu. Một thời gian sau, Lương Định Của tiếp tục ghi tên học ngành Di truyền chọn giống ở Tây Kinh (Kyoto), chuyên sâu về tế bào học. Vốn rất thông minh, nghiêm túc và cần cù trong học tập, nghiên cứu, Lương Định Của đã tốt nghiệp, được nhận bằng Bác sĩ Nông học loại ưu. Đây là học vị cao nhất trong ngành Nông học Nhật Bản và Lương Định Của là người thứ 96 trên nước Nhật được nhận học vị này. Chính phủ Nhật Bản phong Lương Định Của là Giáo thụ trường Đại học Quốc lập Kyushu.
Lúc này, Lương Định Của càng nung nấu trong lòng ý định tìm đường về Tổ quốc. Năm 1952, được sự đồng tâm của người vợ Nhật, Lương Định Của và vợ cùng với 2 người con đã xuống tàu sang Hồng Ko6ng để tìm đường về nước. Đến Hồng Kông, toàn bộ hành lý bị thất lạc, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn học là anh Trương Văn Hi, Lương Định Của và gia đình nhỏ của mình về đến Sài Gòn an toàn với 1 chiếc va ly lúa giống mà Ông luôn cẩn thận mang theo người.
Được tin Lương Định Của về nước, Chính quyền thân Pháp ở Sài Gìn cử người đến tiếp xúc, hứa hẹn nhiều việc làm và chức vụ cho ông, kể cả giao cho Ông phụ trách một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở Mỹ Tho. Viện cớ mới về nước, không am hiểu được tình hình, nên Ông chỉ nhận một chân hợp đồng ở Bộ Canh Nông và ngấm ngầm tìm cách liên lạc với cơ sở kháng chiến phía Nam và thành phố Sài Gòn.
Sau gần 2 năm chờ đợi, việc móc nối mới kết thúc tốt đẹp. Thành ủy Sài Gòn bí mật cử giao liên đưa gia đình Ông xuống Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), rồi qua Chắc Bưng (Rạch Giá) để theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954.
Trong 2 năm đầu ở miền Bắc, Lương Định Của được phân công ở bộ phận Tổ Lúa, rồi làm nhiệm vụ phó phòng Khảo cứu thuộc Viên Nghiên cứu Nông Lâm, còn Bà Nakamura Nobuko được nhận vào công tác trong một phòng khác thuộc Viện. Sau đó, do con nhỏ lại đau yếu luôn nên Bà phải xin nghỉ việc để chăm sóc con cái. Đến năm 1962, Bà mới làm việc lại ở Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Năm 1956, Trường Đại học Nông Lâm được thành lập ở Văn Điển, Lương Định Của được phân công làm Phó Hiệu trưởng của Trường phụ trách khoa học kỹ thuật, rồi lần lượt giữ các chức vụ: phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện trưởng Viện cây lương thực và thực phẩm. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa V, đồng thời là ủy viên UBTW.MTTQVN, phó Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, người cán bộ đầu tàu của ngành Di truyền học vừa nghiên cứu, vừa tham gia giảng dạy. Nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu của Ông về nông nghiệp đã ra đời, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp của miền Bắc lúc bấy giờ. Ông là cha đẻ của các giống lúa Nông nghiệp 1- giống lúa lai đầu tiên của nước ta, được lai tạo giữa giống lúa Ba Thắc (nam bộ) với giống lúa Bun Ko (Nhật Bản); giống lúa mùa muộn, giống lúa chiêm 314, giống lúa 388 được phân lập từ dòng IR8 hay là Nông nghiệp 8; giống lúa xuân sớm (Nông nghiệp 75-1)… Ngoài nghiên cứu lai tạo các giống lúa, Ông còn nghiên cứu các loại rau củ khác như giống dưa hấu không hạt, rau muống, khoai lang, cà chua… đem lại năng suất cao, phù hợp với các loại đất trồng.Những nghiên cứu đã đem lại thành công về các giống cây trồng của nhà khoa học được những người nông dân, những xã viên hợp tác xã của các tỉnh miền Bắc tiếp nhận, thay đổi tập quán cũ, canh tác lúa, rau củ, giống mới có năng suất cao hơn. Vì vậy, các giống khoai, đậu của nhà khoa học còn được gọi một cách dân dã là “giống khoai lang ông Của”, “giống dưa leo ông Của” v.v…
Hiệu quả các công trình nghiên cứu của Ông được Chính phủ và nhiều Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao và tặng Bằng khen. Đặc biệt, Ông được tặng 2 Huận chương lao động hạng Nhì vào năm 1961 và 1962; vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Nhà nước ký quyết định phong tặng cho Ông danh hiệu Anh hùng lao động ngày 1/1/1967 cùng với 110 đồng chí khác.
Sau ngày mất 28/12/1975, nhà khoa học đầu đàn trên lĩnh vực nông nghiệp của nước ta được Chủ tịch nước ký quyết định ngày 29/12/1975 truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 5 người con ( 3 nam, 2 nữ) của nhà Bác sĩ Nông học Lương Định Của và Nakamura Nobuko đều nối gót theo chí hướng khoa hoc của người cha, đều học tốt nghiệp Đại học hoặc sau Đại học, trong này có 3 người là nhà khoa học về nông nghiệp, 1 là ngành y và 1 là nhà vật lý.
Trân trọng những đóng góp và ghi nhớ công lao của một trong những nhà trí thức khoa học tiêu biểu của đất nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký quyết định đổi tên trường cấp 2-3 thị trấn Long Phú thành trường cấp 2-3 Lương Định Của và đặt tên Ông cho một con đường của thị xã Sóc Trăng hướng về Đại Ngãi. Ngày 12/5/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định số 655/QĐ.HC.04 công nhận Di tích cấp tỉnh Nhà lưu niệm danh nhân Lương Định của ở ấp Ngãi Hội 1, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú. Sau này, địa điểm Di tích được dời về thị trấn Long Phú để được thuận tiện về mọi mặt. Tại thủ đô Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, tên Lương Định Của được đặt cho một số tuyến đường và là tên của một số trường học.
“Với ý chí và nghị lực không mệt mõi, với tâm niệm một lòng hướng về phục vụ Tổ quốc và nhân dân, Lương Định Của đã vượt qua mọi trở ngại để học hành thành đạt, rời bỏ cuộc sống đầy tiện nghi ở Nhật Bản, tìm mọi cách đưa gia đình về quê hương, đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp non trẻ của nước nhà và là tấm gương lao động nghiên cứu không mệt mõi. Với tác phong giản dị, hòa mình với tập thể, luôn lạc quan trong cuộc sống, Ông là một trong những nhà khoa học rất gần gũi với nông dân và mọi người chung quanh. Ra đi ở độ tuổi còn đang sung sức và còn nhiều hoài bảo, công trình đang nghiên cứu dở dang, nhà Bác sĩ nông học Lương Định Của để lại nhiều tình cảm thương tiếc của mọi người và là một tổn thất lớn cho Đảng và Nhà nước, cho ngành Nông nghiệp, cho tập thể những anh, chị, em khoa học kỹ thuật nông nghiệp và cho gia đình” (trích điếu văn trong tang lễ Bác sĩ Nông học Lương Định Của ngày 29/12/1975, do Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm đọc).
Với những công lao to lớn đối với ngành nông nghiệp nước nhà, nhiều hiện vật được trưng bày tại Nhà lưu niệm tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chưa thể tái hiện hết những hoạt động nghiên cứu khoa học của Bác sĩ Nông học Lương Định Của, cũng như về cuộc sống đời thường của một nhà khoa học; nhưng thông qua những bài báo, ấn phẩm, đặc biệt là cuốn sách do Bà Nakamura Nobuko viết về Ông… chúng ta sẽ từng bước hiểu thêm về con người hết sức bình thường nhưng vô cùng trong sáng và trí tuệ, là tấm gương cho những thế hệ thanh niên, những nhà nghiên cứu khoa học hôm nay và mai sau./.
* Tài liệu tham khảo:
- Tư liệu chính được tham khảo từ quyển “Anh hùng lao động Bác sĩ Nông học Lương Định Của” (Vũ Lân- Phương Hạnh biên soạn, Sở Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang xb năm 1991) và gặp gỡ gia đình Bà Nakamura Nobuko.
- Một số bài viết về Sóc Trăng và Côn Đảo – Lịch sử, nhân vật và truyền thuyết, Tác giả: Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Hội KHLS Sóc Trăng, xuất bản năm 2013.
- Ảnh chụp của tác giả và scan lại trên trang web các báo.
TS. Trịnh Công Lý
Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng
Distance: 760 m
Distance: 770 m
Distance: 14.97 km
Distance: 16.30 km
Distance: 16.70 km
Distance: 18.17 km
Distance: 18.34 km
Distance: 18.39 km
Distance: 18.44 km
Distance: 18.44 km
Distance: 18.48 km
Distance: 15.21 km
Distance: 16.33 km
Distance: 16.77 km
Distance: 17.34 km
Distance: 17.72 km
Distance: 17.94 km
Distance: 18.51 km
Distance: 18.52 km
Distance: 18.55 km
Distance: 18.61 km
Distance: 18.62 km
Distance: 1.92 km
Distance: 8.84 km
Distance: 11.76 km
Distance: 12.87 km
Distance: 13.18 km
Distance: 14.92 km
Distance: 16.52 km
Distance: 17.59 km
Distance: 17.68 km
Distance: 17.74 km
Distance: 18.02 km
Distance: 18.09 km
Distance: 18.18 km
Distance: 18.37 km
Distance: 18.39 km
Distance: 18.81 km
Distance: 19.08 km
Distance: 19.09 km