DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG
DI TÍCH CHÙA KH'LEANG

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: 0

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: xtdulichsoctrang@gmail.com

Địa chỉ: Số 53 Tôn Đức Thắng, khóm 5 Phường 5, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng có số dân hơn 1 triệu 310 nghìn người,  gồm 3 dân tộc chính Kinh, Khmer, Hoa, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú cùng nhiều lễ hội độc đáo. Nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh tín ngưỡng được tổ chức hàng năm tại các đình, chùa, thánh thất mang đậm màu sắc Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Trong đó, nguồn gốc lịch sử, truyền thống của không ít đình, chùa, thánh thất mang tính huyền ảo, hấp dẫn gắn với quá trình khai phá vùng đất phương Nam. Một số đình, chùa, thánh thất đã đi vào lịch sử, được công nhận là di tích cấp quốc gia như đình Hòa Tú, chùa Kh’leang, chùa Mahatup hoặc di tích cấp tỉnh như Bửu Sơn Tự, chùa Srolôn, đình thần Chợ Cũ (huyện Mỹ Xuyên), chùa Quan Âm (huyện Long Phú), Hoà An Hội Quán (TP. Sóc Trăng), chùa Sêrây Crôsăng (thị xã Vĩnh Châu), chùa Chruitim Chas (chùa Trà Tim, TP. Sóc Trăng), Thánh Thất Minh Tiên (Cao đài Minh Chơn Đạo, thị xã Ngã Năm)...      Một trong những ngôi chùa xuất hiện khá lâu ở vùng đất ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

 

 

 

 

 

Tỉnh Sóc Trăng có số dân hơn 1 triệu 310 nghìn người,  gồm 3 dân tộc chính Kinh, Khmer, Hoa, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú cùng nhiều lễ hội độc đáo. Nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh tín ngưỡng được tổ chức hàng năm tại các đình, chùa, thánh thất mang đậm màu sắc Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Trong đó, nguồn gốc lịch sử, truyền thống của không ít đình, chùa, thánh thất mang tính huyền ảo, hấp dẫn gắn với quá trình khai phá vùng đất phương Nam. Một số đình, chùa, thánh thất đã đi vào lịch sử, được công nhận là di tích cấp quốc gia như đình Hòa Tú, chùa Kh’leang, chùa Mahatup hoặc di tích cấp tỉnh như Bửu Sơn Tự, chùa Srolôn, đình thần Chợ Cũ (huyện Mỹ Xuyên), chùa Quan Âm (huyện Long Phú), Hoà An Hội Quán (TP. Sóc Trăng), chùa Sêrây Crôsăng (thị xã Vĩnh Châu), chùa Chruitim Chas (chùa Trà Tim, TP. Sóc Trăng), Thánh Thất Minh Tiên (Cao đài Minh Chơn Đạo, thị xã Ngã Năm)...

     Một trong những ngôi chùa xuất hiện khá lâu ở vùng đất này chính là chùa Kh’leang. Theo danh sách các chùa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng được thống kê treo tại phòng Trưng bày của chùa Kh’leang, thì ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1532, với vật liệu đơn sơ tại địa phương như cây, tre, lá, cột kê. Theo tư liệu này, nếu so sánh với 91 ngôi chùa Khmer còn lại trong tỉnh, thì chùa Kh’leang xuất hiện chỉ sau 5 ngôi chùa Khmer khác là Prasathkông (Tắc Gồng, huyện Mỹ Xuyên), Trà Tim cũ (TP. Sóc Trăng), Pengsomrâth (huyện Châu Thành), Pôthiprưk (huyện Trần Đề) và Bãi Xàu (huyện Mỹ Xuyên).

      Hiện nay, trong dân gian có lưu truyền sự tích xây dựng và đặt tên ngôi chùa, được ghi chép, truyền miệng qua nhiều đời hàng trăm năm nay. Nội dung được kể lại rằng vào đầu thế kỷ XVI, có một viên quan tên là Tác cai quản vùng đất Sóc Trăng, lúc đó cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân quyên góp. Từ đó, Ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srok - Kh’leang (tiếng Khmer có nghĩa là xứ có kho chứa đồ vật, còn người Kinh thì gọi trại âm ra là Sóc Kha Lang rồi dần dần gọi thành tên Sóc Trăng) [0]. Sau đó, từ kinh đô Lô - véc [1], vua của nước Chân Lạp [2] là Ang Chăn đã tổ chức một chuyến đi kinh lý qua các lãnh địa xa xôi của mình ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Khi nhà vua đến thăm Srok - Kh’leang nhưng không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, nên ra lệnh cho viên quan cai quản phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân có nơi học đạo và lễ Phật. Ông Tác bèn triệu tập người dân trong vùng, kêu gọi mọi người góp công, góp sức xây dựng một ngôi chùa thờ Phật. Sau khi bàn bạc, chùa được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 12 năm 2076 Phật Lịch và tên vùng đất Kh’leang được đặt tên cho chùa. Sau khi công trình hoàn thành, ông Tác tổ chức hội nghị để chọn nhà sư trụ trì của chùa. Kết quả là nhà sư Thạch Sóc, 61 tuổi, thọ giới được 40 năm, đang tu tại chùa Luông Bassac [3], được chọn làm trụ trì đầu tiên của chùa Kh’leang, đồng thời còn kiêm luôn chức vụ Mê Kông (chức vụ đứng đầu hội sư sãi của một vùng).

     Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa đầu tiên đó không còn để lại dấu tích nào. Còn chánh điện được xây dựng mới từ năm 1918, dần dần được tu sửa, bảo dưỡng và giữ nguyên trạng đến hiện nay.

     Chùa có diện tích chung gần 4 ha, tọa lạc ngay trung tâm TP. Sóc Trăng, giáp 2 mặt tiền đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc địa bàn khóm 5, phường 6. Cổng chính của chùa hướng ra đường Tôn Đức Thắng, nhìn thẳng ra ngã ba đường về Đại Ngãi và Long Phú. Đây là vị trí đắc địa của ngôi chùa, thuận tiện cho việc đi lại của Phật tử và du khách khi đến chùa. Gần giống như quần thể kiến trúc trong khuôn viên của các ngôi chùa Khmer Nam bộ, chùa Kh’leang cũng được xây dựng khá hoành tráng và đậm nét cổ kính. Cổng vào chùa được xây dựng theo kiểu cổng tam quan gồm một cổng chính cao khoảng 4m, rộng khoảng 3m và hai cổng phụ mỗi cổng cao khoảng 2m, rộng khoảng 1m. Phía trên của cổng chính được xây dựng 3 ngôi tháp, mỗi tháp có 4 tầng, nhỏ dần lên trên và trên đỉnh là một bông sen cách điệu. Hai bên đường vào chánh điện là hàng cây thốt nốt, sao, dầu, rợp bóng mát, đem lại không khí trong lành, thanh tịnh của ngôi cổ tự. Đặc biệt là các bậc tam cấp đi vào chánh điện, còn lưu lại những viên gạch tiểu màu đỏ cỡ lớn, được sử dụng từ khá lâu, nhà chùa vẫn còn giữ lại, không thay thế bằng những viên gạch bông, gạch men hay đá granite.

     Chánh điện của chùa nằm ở vị trí gần như trung tâm của khuôn viên, có chiều dài 24m, chiều rộng 13m, dựng trên nền cao hơn mặt đất hơn 2m. Nền đất này được chia thành 3 bậc nền từ dưới lên tới chánh điện, mỗi bậc nền có một vòng thành bao quanh và có bậc tam cấp đi lên từng nền. Nền trên cùng là đi vào chánh điện.

     Bên trong chánh điện của chùa còn giữ lại kiểu kiến trúc xưa như: trần, các hình vẽ, họa tiết trên trần và chung quanh 4 bức tường. Bộ mái của chánh điện chùa Kh’leang cũng được xây dựng theo hình thức tam cấp và mỗi cấp lại có 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên. Chùa Kh’leang không có tháp nóc chùa như một số chùa Khmer khác trong vùng. Các góc mái được đắp hình đuôi rắn cong vút, tạo nét mềm mại nghệ thuật trên mái chùa. Kiểu kiến trúc và bố cục, bày trí chung của các chùa Khmer, đều có các hình tượng rắn thần Nagar, tiên nữ Keynor, Yeak (Chằn), Reahu (Hổ phù), chim thần Krud (Garuda)... được trang trí bên ngoài chánh điện từ trên mái chùa, theo các đường viền, dưới các mái chùa, giáp mối các cột và mái chùa, hai bên bậc tam cấp lên 3 vòng thành và 4 cửa đi vào chánh điện.

     Trong văn hóa Khmer, Yeak, Reahu, Nagar tượng trưng cho cái ác được Đức Phật cảm hóa, đặt đứng hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện để bảo vệ ngôi chùa. Tuy vậy, Yeak vẫn còn giữ lại dáng vẻ của một người mang bộ mặt dữ tợn, miệng to, răng nanh dài, mắt lồi, lông mày xếch, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ nhọn và tay cầm cái chày dài. Giống như Year, hình tượng Reahu được thể hiện là mặt của một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, đe dọa, vành miệng rộng, nhe hai hàm răng nhọn lởm chởm, đang nuốt mặt trăng. Còn Krud là hình tượng của một loại chim thần khác lạ, được hiện diện trong thần thoại của dân tộc Khmer. Krud có mình người nhưng đầu, chân và hai cánh của chim. Mỏ chim thần ngậm một viên hồng ngọc để có sức mạnh vượt thời gian, bay từ nơi này đến nơi khác mà không mệt mỏi. Hình tượng Krud được bố trí ở chỗ tiếp giáp đầu cột với đuôi mái chùa.

     Rắn thần Nagar [4] với hình tượng là 5 đầu, có nơi thì 7 hay 9 đầu được trang trí chung quanh cột cờ, cổng hoặc hàng rào, trên các lan can đường vào chùa hay 2 bên bậc tam cấp vào chính điện hoặc các công trình khác. Rắn thần Nagar trong ngôi chùa Kh’leang được bố trí ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc chung quanh cột cờ trước chánh điện, mỗi hướng là 1 rắn thần với 5 đầu, đầu chính giữa thì lớn hơn hai đầu hai bên.         

     Sẽ chưa đầy đủ, nếu không nhắc đến hình tượng Thần Bốn Mặt trong chùa Kh’leang. Thông thường, chùa Khmer nào cũng có sự hiện diện của Thần Bốn Mặt gọi là Maha Prum. Tượng đầu Thần Bốn Mặt (Maha Prum) được đặt trang trọng trên các ngọn tháp hay đỉnh nóc chánh điện. Đó là vị thần đại biểu cho sự thông minh, bốn mặt nhìn ra bốn phía để biết hết mọi việc trên đời [5]. Tuy nhiên, trong khuôn viên chùa Kh’leang, trong 4 ngôi tháp dựng bốn hướng xoay quanh ngôi chánh điện, chỉ có một ngôi tháp, trên nóc có hình tượng của vị Thần Maha Prum [6]. Các cửa ra vào chánh điện được làm bằng gỗ, những tấm ván cửa được xẻ từ nguyên thân gỗ lớn. Trên những cánh cửa này được khắc cảnh giao đấu giữa hai nhân vật thiện - ác trên nền khung hoa văn được chạm khắc hết sức tinh xảo đến từng chi tiết, đường nét uyển chuyển, uốn lượn, thể hiện trình độ tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân. Bên trong chánh điện, phía gian trước là nơi để tủ sách, trống, chuông đồng và dàn nhạc ngũ âm; các gian giữa để trống phục vụ cho nghi lễ chiêm bái; hai gian trong cùng là bệ thờ và nơi đặt các tượng Phật. Ngoài tượng Phật Thích Ca ngồi thiền định trên đài sen cao 6,8m [7] được đúc vào năm 1916, trong chánh điện còn khoảng 20 tượng Phật lớn, nhỏ khác được đúc hoặc chế tác từ nhiều chất liệu như gỗ, đất nung, đồng, đá trắng, xi măng, được chạm trổ, sơn son thếp vàng. Trên bệ tượng ngồi của Đức Phật, được trang trí nhiều tầng hoa văn theo dạng hình cánh sen và lửa cách điệu. Trần chánh điện còn giữ lại được những bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời xanh tạo cảm giác một không gian thoáng đãng, rộng mở trong chánh điện.

     So với nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Kh’leang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng.

     Điều lý thú là tủ sách trưng bày trong chánh điện nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy các lá buông có chữ Khmer cổ trên đó. Đây là những nội dung kinh Phật được viết trên lá buông, được nhà chùa cẩn thận gìn giữ. Một số chùa Khmer khác trong tỉnh cũng có lưu giữ loại kinh Phật này. Trong dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Bà Đặng Thị Bích Liên đã hỏi và đề nghị tỉnh cần có công trình nghiên cứu khoa học dịch lại những nội dung được viết trên lá buông. Tiếc rằng, đến nay vẫn chưa có công trình quy mô nào được triển khai. Có thể từ việc nghiên cứu dịch thuật này chúng ta lại phát hiện ra nhiều vấn đề hấp dẫn lý thú khác liên quan đến Phật giáo Nam tông và những lời dạy của Phật Thích Ca...      

     Ngoài ngôi chánh điện, cũng giống như nhiều ngôi chùa Khmer Nam bộ, chùa Kh’leang, còn có các công trình kiến trúc xây dựng khác như Sala (nơi các vị sư sãi và tín đồ gặp gỡ, nơi Phật tử dâng cơm cho các sư vào các dịp lễ), nhà ở của sư trụ trì (nhà khách là nơi lưu trữ kinh, sách, tài liệu của chùa), các tháp chứa cốt, v.v... Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Kh’leang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer.

     Điểm đặc biệt là trong khu vực chùa Kh’leang có Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, dạy văn hóa, giáo lý và chữ Khmer cho các vị sư trong và ngoài tỉnh. Trường được thành lập năm 1993, được xây dựng mới và khánh thành vào đầu năm 2009, gồm các hạng mục như các phòng học, phòng thí nghiệm, nhà hiệu bộ, ký túc xá 3 tầng, nhà ăn, đường nội bộ… với tổng kinh phí xây dựng là 28,4 tỷ đồng. Mỗi năm học, trường đào tạo khoảng 150 tăng sinh. Trường là nơi đầu tiên ở Nam bộ đào tạo các sư sãi, thanh niên người Khmer, góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cán bộ dân tộc, các vị sư cho các chùa Khmer dân tộc các tỉnh, thành khu vực Nam bộ.

     Ngoài ngôi Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, ở bên trái của khu vực chùa từ cổng chính đi vào là một công trình có nhiều ý nghĩa, là niềm tự hào của dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và của người dân Sóc Trăng nói riêng. Đó là Tháp thờ ông Huỳnh Cương, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội [8]. Ngôi tháp thờ nhà cách mạng Huỳnh Cương do ông Lý Lết, một nghệ nhân Khmer xây dựng, đã giữ được những kiến trúc truyền thống trong thời hiện đại. Ngôi tháp cao trên 12m, có 7 tầng, có hình tượng rắn thần Nagar ở mỗi tầng và hoa văn lá, ngọn lửa, các họa tiết khác theo kiểu kiến trúc nghệ thuật Khmer Nam bộ. Ở phía trước hai bên ngôi tháp là hình tượng rắn thần Nagar 5 đầu, bên dưới là bảng ghi tóm tắt tiểu sử, cuộc đời hoạt động và thành tích của Ông trong quá trình hoạt động cách mạng. Từ mặt đất đi lên 14 bậc thềm là đến cửa chính vào ngôi tháp. Hai bên hông và phía sau tháp cũng có những bậc thang đi lên tháp. Ông Huỳnh Cương đã có thời gian hoạt động cách mạng và ngôi chùa này cũng là nơi Ông đến xây dựng cơ sở, vận động quần chúng và sư sãi tham gia đấu tranh với địch.

     Chùa Kh’leang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích Kiến trúc Nghệ thuật theo quyết định số 84-QĐ, ngày 27/4/1990. Đây là một trong những điểm tham quan trong chương trình tour của du khách khi đến Sóc Trăng. Tuy nhiên, để tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo của ngôi chùa này cần có thời gian để chiêm ngưỡng, gặp được các vị sư, các thành viên trong Ban Quản trị chùa để nghe và tận mắt chứng kiến mới nhận rõ những nét đẹp cổ kính của ngôi chùa và những công trình được xây dựng trong khuôn viên chùa; đồng thời có thể tham quan trường Trung cấp Pali Nam bộ, viếng Tháp ông Huỳnh Cương, tìm hiểu thêm về kinh Phật viết trên lá buông. Có thời gian, các vị sư kể thêm về các truyền thuyết của các vị thần, linh vật trong chùa, về thành tích tham gia kháng chiến của các vị sư và đồng bào Phật tử nơi đây, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:

[0]. Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác nhau về nguồn gốc tên gọi Sóc Trăng.

[1]. Longvek hoặc Lovek (theo tiếng Khmer có nghĩa là “thị tứ” hay “ngã tư”). Đây là tên một thành phố cổ của Campuchia, thuộc huyện Kampong Tralach tỉnh Kampong Chnang ngày nay. Nơi đây từng là thủ đô của nước Chân Lạp. 

[2]. Chân Lạp là thuộc quốc của Vương quốc Phù Nam. Đầu thế kỷ thứ VII, Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã lớn mạnh và thôn tính Phù Nam, chia Chân Lạp thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp tương ứng với vùng đất Nam bộ ngày nay. Từ năm 767 đến 802, Thủy Chân Lạp bị quân đội Srivijaya chiếm đóng. Sau đó, là vùng đất gần như tự do, không có bộ máy cai trị trực tiếp, dân cư còn thưa thớt và phần nhiều đất đai chưa được khai phá, nhiều rừng rậm, thú dữ như cọp, trâu rừng, heo rừng, nai, cá sấu  v.v...

[3]. thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay.

[4]. Rắn thần Nagar gắn với truyền thuyết bảo vệ Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề và có nhiệm vụ xua đuổi tà ma, bảo vệ ngôi chùa và cuộc sống an lành của Phật tử. Nagar là một sinh vật có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo. Nagar trong tiếng Phạn có nghĩa rắn hổ mang, là chúa tể của loài rắn. Theo quan niệm của người Ấn Độ, Nagar là linh hồn thiên nhiên, có nhiệm vụ bảo vệ các nguồn nước như con suối, giếng nước và các con sông. 

[5]. Trong truyền thuyết Khmer còn nhắc đến chuyện kể về sự gặp gỡ giao kết, thách đố giữa vị thần Bốn Mặt với hoàng tử Thmabal. Cuối cùng, vị thần Bốn Mặt phải chịu thua và cắt đầu theo lời cam kết. Câu chuyện này cũng lý giải tại sao trong ngày Tết Chôl- Chnăm Thmây lại có tục đắp núi cát và đi vòng quanh chùa 3 vòng để rước quyển Đại lịch (Maha SangKran) mới.

[6]. Là vị thần tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới.

[7]. Riêng phần thân tượng cao 2,7m

[8]. Ông sinh ngày 05/5/1925 tại xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (nay là phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), dân tộc Khmer, theo đạo Phật, tham gia cách mạng từ năm 1953, lúc Ông đang đi tu trong chùa. Ông vào Đảng CSVN ngày 11/11/1967 tại chi bộ Khmer vẫn thuộc Khu Tây Nam bộ ông là Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ VII (1981-1987) và nhiệm kỳ VIII (1987-1992). Ông là người có công rất lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Nam bộ, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Độc lập hạng I và II; Huân chương Quyết thắng hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng I; Huân chương Giải phóng hạng II; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân v.v... Ông từ trần vào ngày 04/3/1997, thọ 73 tuổi.

TRỊNH CÔNG LÝ

Review and Evaluation


Alls
(From total review)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Giải trí