Hài hoà văn hoá dân tộc – nền tảng cho phát triển bền vững

31/12/2023 170 0

Xuyên suốt các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng có thể thấy được rằng giữa văn hóa và sự phát triển kinh tế luôn có mối quan hệ mật thiết và luôn được quan tâm hàng đầu. Quán triệt nội dung từ các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chăm lo cho người dân để phát triển toàn diện, trọng tâm là giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng tri thức, hiểu biết về lịch sử, văn hóa trong các tầng lớp nhân dân địa phương được coi trọng. Một trong những kết quả đáng kể là xây dựng nguồn lực con người, nòng cốt là đội ngũ trí thức không ngừng tăng lên, tỉnh hiện có 25 tiến sĩ, 739 thạc sĩ; 39 công chức, viên chức đang học tiến sĩ và 132 đang học thạc sĩ. Đây là lực lượng nòng cốt, có trình độ chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, là những người quyết tâm trong đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiết mục biễu diễn của Đoàn Nghệ thuật Campuchia trong Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2023


Ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 08 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Trong những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm. Từ năm 2006 đến năm 2023, tổng nguồn kinh phí đầu tư, bảo quản và phục hồi di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh gần 150 tỷ đồng. Sau khi được tu bổ cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giáo dục truyền thống, phục vụ và thu hút trên 3,6 triệu lượt khách tham quan du lịch đến với các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Song song đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị 08 di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, đáng trân quý nhất là tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022, Tổ chức Guinness Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, đồng thời cũng là cú hích lớn để thu hút ngày càng đông khách du lịch đến trải nghiệm các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội, cũng như tham quan, tìm hiểu các di tích, điểm du lịch tại tỉnh Sóc Trăng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng trao bằng khen cho nhà tài trợ tại Lễ khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023


Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo các di tích và bảo tồn giá trị di sản văn hoá phi vật thể thì việc khai thác các Lễ hội để phục vụ khách du dịch đang được quan tâm. Toàn tỉnh có 10 lễ hội truyền thống, trong đó có 06 lễ hội tổ chức cấp xã, 03 lễ hội tổ chức cấp huyện, thị xã và 01 lễ hội tổ chức cấp tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 12 đề tài về bảo tồn văn hóa phi vật thể, hoàn thành 35 dự án do Quỹ Đan Mạch tài trợ cho văn hóa vùng đồng bào dân tộc ít người. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì tham mưu triển khai Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm 16 tiểu nội dung với tổng kinh phí thực hiện trên 87 tỷ đồng. Sự hài hòa của văn hóa không chỉ tác động đến đời sống tinh thần mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Giai đoạn 2021 - 2023, lượng khách đến tỉnh tăng trên 3,8 lần, doanh thu tăng 4,6 lần.
Để tiếp tục xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng cần tăng cường nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là địa bàn vùng dân tộc thiểu số; coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống; tăng cường tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ, các cuộc thi sáng tác, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc; quan tâm công tác quản lý nhà nước tại các khu, điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các đoàn nghệ thuật, các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở;… Ngày nay, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi". Để làm được điều đó cần có sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam nói chung, của tỉnh Sóc Trăng nói riêng.


Nguyễn Dũng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu