NGHIÊN CỨU KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH NÔNG THÔN TỈNH SÓC TRĂNG

30/03/2023 120 0

Những năm gần đây, du lịch tỉnh Sóc Trăng phát triển tương đối khá so với các tỉnh bạn trong khu vực. Trước khi có dịch COVID -19 tác động nhiều từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021, số lượng du khách và  doanh thu từ du lịch của tỉnh từ năm 2015 – 2019, tăng dần hàng năm từ 8% đến hơn 10%. Các điẻm du lịch thu hút khách đông nhất là chùa Chén Kiểu, Chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Đất Sét, chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Som Rong, Thiền Viện Trúc Lâm; các điểm dừng chân cấp tỉnh, nhất là điểm du lịch cấp tỉnh Tân Huê Viên. Một số điểm du lịch sông nước cũng có khách tìm đến trải nghiệm như côn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), Xã An Thạnh 1, An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung), chợ nổi Ngã Năm, biển Vĩnh Châu.

    Tuy nhiên, một thế mạnh về sản phẩm du lịch đang được lãnh đạo Trung ương quan tâm và cũng là thế mạnh của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Đó là du lịch nông thôn là sản phẩm du lịch có thể khai thác khắp mọi miền đất nước, từ nông thôn vùng núi, Tây nguyên, Việt Bắc đến nông thôn đồng bằng, đồng thôn vùng biên giới và nông thôn vùng biển, nông thôn trên các cồn, cù lao, hải đảo, kể cả nông thôn ngoài phạm vị thành phô, thị xã, thị trấn. Các hội nghị Bộ, ngành Trung ương được tổ chức từ năm 2018 đến nay luôn quan tâm đến du lịch nông thôn, nông nghiệp và bàn giải pháp phục hồi hoạt động du lịch hậu COVID -19.

 

Đoàn Indonesia tham quan vườn rẫy trồng hành tím Vĩnh Châu

     Ngày 25-12, Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức quy tụ nhiều bộ ngành các chuyên gia, các nhà khoa học và lãnh đạo 19 tỉnh trọng điểm về du lịch,Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tới dự, chỉ đạo hội thảo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.Dự phiên chuyên đề buổi sáng có Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Nghệ An và một số tỉnh, thành phố.

     Tổng hợp báo cáo tại hội thảo cho biết, “năm 2021 là năm thứ hai du lịch Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong 10 tháng đầu năm 2021 tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020. Có từ 90% đến 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành dừng hoạt động.Công suất phòng lưu trú trung bình năm ước đạt 5%.Phần lớn nhân lực ngành Du lịch bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng”.

 

Vùng quê Mỹ Tú -  có homestay Chợ nổi Ngã Năm

     Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng hoạt động của du lịch Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19, đồng thời phân tích, nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch. Đặc biệt là kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

     Hơn 3 năm, trước thời gian tổ chức hội thảo quan trọng này, ngày 30/3/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch kết hợp với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”.Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện bên lề của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM 2018.Đặc biệt là ngày 17/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo về "Phục hồi và phát triển du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long". Trước đó, chỉ 2 ngày, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 8356/VPCP-KGVX ngày 15/11/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về kiến nghị xây dựng Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

     Với những nội dung hội thảo nêu trên cho thấy, nông thôn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong thời điểm hiện nay và sắp tới. Sóc Trăng là 1 trong 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có lợi thế để đầu tư quy hoạch cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển các đề án du lịch nông thôn trong tỉnh, với sự đa dạng về nông thôn điểm đến, về văn hóa đặc sắc và phong tục tập quán của đồng bào 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Có thể kể đến nông thôn vùng biển Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung; nông thôn của 3 vùng nước mặn, lợ và ngọt, nông thôn của vùng cù lao sông nước, nông thôn của vùng đồng bào dân tộc.

     Mỗi vùng nông thôn như vậy chứa đựng sự phong phú về sắc màu của văn hóa 3 dân tộc, về những sản phẩm và dịch vụ du lịch khác nhau. Thí dụ nông thôn vùng biển Vĩnh Châu có những cánh đồng muồi, vuông  nuôi artemia, vuông tôm, vùng đất trồng rẫy, vùng đất giồng trồng nhãn, kiến trúc các ngôi chùa và văn hóa lễ hội của dân tộc  Khmer, dân tộc Hoa. Nông thôn vùng cù lao là sự phong phú về cây ăn trái, về sản phẩm, ẩm thực độc đáo riêng của xứ cù lao, về không gian thoáng mát, môi trường xanh, trong lành, con người nhân hậu, mến khách. Nông thôn vùng đất liền đa dạng với nhiều cảnh sắc, cuộc sống muôn màu muôn vẽ của chợ nổi, của những cánh đồng vàng, những khu vườn cây trái ngọt, những khu rừng tràm, của vùng đất giồng với những cuộc sống của đồng bào 3 dân tộc và kiến trúc độc đáo của các ngôi đình, chùa có cách nay vài trăm năm...

Góc sân trước nhà dân ở Cù Lao Dung

      Những tiềm năng hay tài nguyên du lịch nông thôn của tỉnh cần được quy hoạch, đầu tư khai thác đúng với xu thế phát triển của du lịch cả nước và khu vực. Sẽ có nhiều thách thức khi đưa du lịch nông thôn vào quy hoạch và phát triển lâu dài. Đó là nhận thức của cả hệ thống chính trị, là quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, là công tác quy hoạch vùng du lịch nông thôn và kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là  tránh sự trùng lắp sản phẩm du lịch nông thôn với các tỉnh, tránh gây tác hại đến môi trường sống, tránh sự đầu tư và tuyển dụng lao động dịch vụ mà không có sự tham gia của người dân và cộng đồng nơi diễn ra hoạt động du lịch nông thôn. Quan trọng là kết nối được nhiều dự án vào phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn. Vấn đề kiến nghị xây dựng Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là một thí dụ. Hay hơn nữa là có sự kết nối giữa các dự án du lịch khác nhau trong tỉnh lại để cùng phát huy sức mạnh, đồng hiệp lực để phát triển.

     Văn hóa bản địa, không gian khoáng đảng, xanh, sạch, đẹp, sự an toàn của điểm đến, quan hệ giao tiếp, cơ sở vật chất đảm bảo, vệ sinh môi trường tốt, ẩm thực phong phú... là một số trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình du lịch nông thôn của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới./.

Trịnh Công Lý

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu