NGƯỜI HOA Ở TỈNH SÓC TRĂNG TIN, THỜ AI?

30/03/2023 115 0

“Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người và của cộng đồng người ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một cái thiêng liêng, cái cao cả, cái đáng sùng kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó”.[1]Tín ngưỡng thờ cúng của người Hoa nói chung và người Hoa ở Sóc Trăng nói riêng thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người và có thể phân chia thành hai nhóm chính là tín ngưỡng trong cộng đồng và thờ cúng trong gia đình, dòng họ. Thông qua việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tại các cơ sở thờ tự như miếu, hội quán… và tại mỗi gia đình với các tục lệ, lễ thức đã hình thành lối sống tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần củng cố mối quan hệ gia đình để cùng hướng tới những ước vọng về cuộc sống an yên bền vững.

 


[1]Trần Hồng Liên,Thiết chế văn hóa tâm linh qua tục Thờ Thiên Hậu của người Hoa ở Tây Nam Bộ: truyền thống và biến đổi, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (số 2), tr.102-117.

 

Cũng như ở nhiều nơi khác, tín ngưỡng dân gian có vai trò khá quan trọng trong đời sống kinh tế của người Hoa ở Sóc Trăng, góp phần không nhỏ trong sự thành công trong công việc kinh doanh, sản xuất của họ khi niềm tin vào thần linh được hình thành và củng cố. Từ đó, họ đề cao chữ Tín vì trong chữ Tín có yếu tố của tín ngưỡng bởi nếu gian dối trong làm ăn là thất Tín là trái quan niệm đạo đức của thánh thầnnên chẳng  những họ lo mất bạn hàng mà còn sợ sự trừng phạt của thần thánh. Bên cạnh đó, tín ngưỡng cũng là chỗ dựa để họ lấy lại niềm tin, gầy dựng lại cơ nghiệp một khi gặp thất bại trong kinh doanh, sản xuất.Trong đời sống xã hội, tín ngữơng giống như chất keo kết dính những cá nhân trong cộng đồng gắn bó với nhau để tồn tại và phát triển.Hoạt động tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng cho thấy có sự kết hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng nhưng hoạt động tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng hơn tôn giáo, trong đó hoạt động tín ngưỡng chú trọng  thờ phụng thánh nhân hơn là thần linh.Chẳng hạn, người Hoa sùng bái Quan Công nhằm định hướng nhân cách cho cộng đồng, bản thân và theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”; còn  việc tôn thờ bà Thiên Hậu là họ mong muôn chăm bồi nhân cách cho cộng đồng nói chung, phụ nữ người Hoa có tình yêu thương rộng lớn, biết giúp đỡ những người hoạn nạn, có lòng hiểu thảo với cha mẹ và tình tương thân tương ái với anh em và đồng loại. Bên cạnh đó, ở hầu hết các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa, việc thờ Quan Âm Bồ Tát chẳng qua là họ chỉ tin ở  màu sự mầu nhiệm, linh ứng  của “Phật Bà” trong việc giúp đỡ con người trong khi hoạn nạn, lúc nguy khốn chứ không quan tâm đến giáo lý, kinh kệ củaPhật giáo.

Cũng như các tộc người trên thế giới, đối với cộng đồng người Hoaở Sóc Trăng, đa phần những hình tượng trong tín ngưỡng dân gian của họ là vô cùng đa dạng.Vì thế, hệ thống thần linh của họ rất phong phú. Họ sùng bái rất nhiều vị thần thuộchai hệ thống nhân thần và nhiên thần gồm ba cõi Thiên - Địa - Nhân. Họ thờ rất nhiều vị thần nhưng không quá chú trọng vào nội dung triết lý sâu xa  mà đơn giản chỉ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng.Tương ứng với hệ thống thần linh ấy là hệ thống cơ sở thờ tự cũng rất đa dạng để họ đến thành tâm cầu nguyện và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng với  hy vọng nhận được sự giúp đỡ, bảo hộ trong cuộc sống.Trong tín ngưỡng của người Hoa Sóc Trăng, tính dung hợp biểu hiện rất rõ sự hài hòa trongviệc  vừa duy trì những yếu tố vốn có của mình lại vừa phải thích ứng hòa nhập với những yếu tố tôn giáo  tín ngưỡng của cư dân người Kinh, Khmertrong quá trình cộng cư trên vùng đất mới, tạo nên sự giao thoa văn hóa. Điều này có thể thấy ở Võ Miếu ở Phường 8, TP. Sóc Trăng  với lối kiến trúc nửa

Đình Năm Ông (Võ Miếu) ở Phường 8 TP. Sóc Trăng

“Đình Nam Chánh” (Phước Đức Cổ  Miếu) ở TT. LHT huyện Trần Đề

Hoa nửa Kinh, còn có tên là Đình Năm Ông tuy thờ Quan Công (Ngũ Vị Phật) là chánh thần nhưng trong đó còn có thờ 2 vị võ quan triều Nguyễn; cònPhước Đức Cổ  Miếu ở ấp Nam Chánh, TT. Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề với lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa, thờ Phước Đức Chánh thần nhưng cũng có tên là Đình Nam Chánh nhằm tạo sự hòa đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng với người Kinh.

          

H. Miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu ởxã Phú Tâm

Tại Miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Ấp Phước Lợi, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành,trong gian thờ chính có Thiên Hậu Thánh mẫu, ở hai bên là Lục Đàm công (Neak Tà trong tín ngưỡng của người Khmer) và Hoa công - Thánh mẫu (ông bà mẹ sanh trong tín ngưỡng của người Hoa, người Việt), ngoài cùng là Quan công và ông bà Bổn. Bên cạnh đó,, tín  ngưỡngdân gian người Hoa Sóc Trăng cũng có tính hỗn dung thể hiện trong việc thờ đa thần và phiếm thần với số lượng thần thánh rất nhiều, nguồn gốc đa dạng. Hệ thống thần linh cũng không theo một quy định nào về chính thần hay thần tùng tự hoặc phân chia đẳng cấp rõ ràng bởi  một vị là chánh thần ở cơ sở tín ngưỡng này lại là thần tùng tự ở mộtcơ sở tín ngưỡng khác. Ví dụ như. Miếu Ông Bổn ở  TT. Kế Sách  thờ Phước Đức Chánh thần làm chánh thần còn Quan Công, Thiên Hậu Thánh Mẫu là thần tùng tự; trong khi đó, tạiThiên Hậu Cổ Miếu ở phường 1, TX. Vĩnh Châu thì Thiên Hậu Thánh Mẫulà chánh thần còn Quan Công, Phước Đức Chánh thầnlà thần tùng tự. Ngoài ra, trong tâm thức tín ngưỡng của người Hoa Sóc Trăng cũng có yếu tố thực dụng vì phần nhiều người đến với cơ sở thờ tự để dâng cúng lễ vật cho thần linh nhằm cầu mong sự giúp đỡ về một lĩnh vực nào đó trong  cuộc sống. Có lẽ cũng vì  có tính thực dụng nên họ thờ cúng nhiều vị thần khác nhau - kể cả thần linh của tộc người Kinh, Khmer bởi tin rằng càng có nhiều thần linh “phù hộ” thì công việc càng hiệu quả hơn.

Ở Sóc Trăng, những nhân thần đượcngười Hoa thờ cúng là thánh nhân được truyền tụng trong đời sống tâm linh của cộng đồng như: Quan Công, Bao Công, Bổn Đầu Công, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Âm Bồ Tát…Bên cạnh đó, còn  có hệ thống các nhiên thần được thờ như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thổ Công, Táo Quân, Thần Tài, Thiên Phụ Địa Mẫu, Tài Bạch Tinh Quân, Long Mẫu nương nương, Cửu Thiên Huyền Nữ…

Qua khảo sát, tại Sóc Trăng có66 cơ sở thờ tự  theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa[1], trong đó có 32 miếu thờ Ông Bổn, Phước Đức chánh thần; 14 miếu thờThiên Hậu Thánh Mẫu; 4 miếu thờ Quan Công; 5miếu thờ Huyền Thiên Thượng Đế; 2 miếu thờ Ngũ Vương Phật (Quan Công, Quang Bình, Châu Xương, Trương Tiên Đại Đế, Linh Quan Thiên Tôn);2  miếu thờTam Sơn Quốc Vương; 1 miếu thờKim Thượng Thánh Mẫu;1 miếu thờBà Chúa Xứ;1 miếu thờBà Mãn Châu;1 miếu thờNam Cực Tiên Ông;1 miếu thờ Ông Sén Cón;1 miếu thờNgọc Hoàng[2].

Miếu của người Hoa là cơ sở tín ngưỡng mang đậm dấu ấn dân gian, do đó thường thờ cúng rất đa dạng, có thể là một nhân thần hoặc kết hợp với nhân thần, nhiên thần khác nhưng cũng có thể là những người vô danh nhưng rất linh thiêng có tác động đến đời sống tâm linh của cộng đồng, nên được họ phụng thờ.Các miếu thờ còn là nơi sinh hoạt của các Hội quán, là chỗ người Hoa  lui tới để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ tâm tư, tình cảm… cho nên đã trở thành trung tâm để tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, tương trợ trong cộng đồng.

Tín ngưỡng dân gian là một nhu cầu không thể thiếutrong đời sống của tộc người Hoa ở Việt Nam nói chung và tại Sóc Trăng nói riêng. Đối với họ, tín ngưỡng là “sự trấn an cho cuộc sống vốn bất ổn của họ nơi đất khách quê người” đồng thời là điểm tựa tinh thần trong lao động, sản xuất, xây dựng và phát triển cộng đồng.bởi tín ngưỡng chẵng những là chất keo kết dính các cá nhân trong cộng đồng mà còn giữ vai tròquan trọng trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội giúp người Hoa tồn tại và phát triển.

Người Hoa ở Sóc Trăng có số lượng đông thứ ba ở Nam bộ, chỉ sau TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Hoathông qua các nghi lễ truyền thống và kiến trúc đình, miếu độc đáo. Thiết kế tour du lịch về Sóc Trăng tham quan những nội dung này sẽ là sự khám phá thú vị cho du khách./.

Lâm Thanh Sơn

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan An (2005), Người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hộ, Hà Nội.
  2. Võ Thanh Bằng (2005), Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
  3. Phạm Thanh Hằng (2017), Một số hình thức thờ cúng tiêu biểu của người Hoa ở Việt Nam hiện nay, Nghiên cứu Tôn giáo số 11
  4. Trần Hồng Liên,Thiết chế văn hóa tâm linh qua tục Thờ Thiên Hậu của người Hoa ở Tây Nam Bộ: truyền thống và biến đổi, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (số 2), tr.102-117.
  5. Lâm Thanh Sơn, Tư liệu điền dã về tín ngưỡng dân gian của tộc người Hoa ở Sóc Trăng.
  6. Ngô Hữu Thảo (2006),  Tín ngưỡng thánh nhân và tín ngưỡng thần linh trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam ( Qua nghiên cứu tại TP.HCM), Đề tài cấp Bộ, Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  7. Huỳnh Ngọc Trảng (Chủ biên, 2012),Đặc khảo văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

 


[1]Tư liệu điền dã của tác giả.

[2]Tên của vị chánh thần ở miếu; ngoài ra ở một số  miếu còn thờ thêm một hoặc nhiều vị thần tùng tự.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu