SÓC TRĂNG TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH

04/03/2021 1908 0
Di tích lịch sử văn hóa là những trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo chung của cộng đồng dân cư, nơi tổ chức các lễ nghi tôn giáo, các lễ hội truyền thống góp phần gắn kết cộng đồng, thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh của người dân sau những ngày lao động vất vả. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống, kiến trúc độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn thờ những người có công với nước, với dân. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, tu bổ và phát huy các giá trị các di tích trên địa tỉnh luôn các địa phương thực hiện tốt góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thừa cho thế hệ sau.

Di tích lịch sử - văn hóa là các công trình xây dựng, các địa điểm, các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó và quan trọng nhất là phải có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó, di tích lịch sử-văn hóa được phân thành hai loại cơ bản: di tích lịch sử (di tích cách mạng lưu niệm các sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân) là công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dự nước và giữ nước nói chung hay cụ thể của địa phương hoặc công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước tại địa phương có quá trình gắn bó với địa phương và di tích kiến trúc nghệ thuật là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu cho một nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng.. của các dân tộc như chùa, miếu đình...

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 47 di tích được xếp hạng (trong đó có 08 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 39 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) gồm có: 36 di tích lịch sử (trong đó, 29 di tích lịch sử cách mạng; 03 di tích lưu niệm danh nhân; 03 di tích chứng tích chiến tranh; 01 di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ) và 11 (trong đó, 10 di tích kiến trúc nghệ thuật và 01 di tích danh lam thắng cảnh) các di tích phân bố đều khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, trong đó có 4 di tích chùa Hoa; 10 di tích chùa Khmer.

Chánh điện chùa Kh’leang – di tích lịch sử cấp quốc gia

Các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Sóc Trăng như: chùa Mahatup (chùa Dơi); Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét); Khu căn cứ tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước, chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu)… Ngoài di sản thuộc danh sách của UNESCO “Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Sóc Trăng” và 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng”; “Nghệ thuật Sân khấu Rô băm”; “Lễ hội Nghinh Ông”; Múa RomVong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng”; “Nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng” và “Nghề làm bánh Pía ở Sóc Trăng” và 04 điểm du lịch cấp tỉnh.

Đối với các di tích xếp hạng quốc gia trên địa bàn đều được quản lý theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010. Đồng thời, từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 10/02/2015 về việc ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, công tác quản lý và bảo tồn các di tích được thuận lợi và chặt chẽ hơn, khi phân cấp cho địa phương tự chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di tích. Riêng di tích cấp quốc gia Khu căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng giao của Bảo tàng tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quản lý toàn diện và chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn và nghiệp vụ về công tác trùng tu, tôn tạo và phát triển giá trị di tích.

Công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, các điểm đến du lịch đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương quan tâm thực hiện tốt, theo đúng quy định của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp 08 di tích xếp hạng cấp quốc gia với tổng số tiền 77,5 đồng, trong đó 100 triệu đồng cho di tích chùa Kh’leang; 900 triệu đồng di tích Đình Hòa Tú; 300 triệu đồng Trường Taberd; 25 tỷ đồng đối với Di tích cấp quốc gia Khu Căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng; 4,2 tỷ đồng đối với di tích cấp quốc gia Miếu Bà Mỹ Đông; 4 tỷ chùa Mahatup (chùa Dơi); 25 tỷ đồng Đền Thờ Bác Hồ;18 tỷ đồng Tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm. Còn lại hầu hết các di tích loại hình Đình, chùa đều do các Ban Quản trị và các Hội đoàn tự quản lý và tu bổ bằng nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp.

Bên cạnh đó, thực hiện trùng tu 07 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ nguồn ngân sách của tỉnh và đóng góp của địa phương đã đầu tư trên 13 tỷ đồng: Di tích chứng tích chiến tranh – Địa điểm Mỹ Ngụy thảm sát thường dân ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị 2 tỷ đồng; Di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân liệt sĩ Thiều Văn Chỗi, ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách 510 triệu đồng; di tích cấp tỉnh Thánh Thất Minh Tiên, ở Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm 300 triệu đồng; Di tích lưu niệm danh nhân Bác sĩ nông học Lương Định Của, huyện Long Phú 3,5 tỷ đồng; Di tích Bia chiến thắng Bố Thảo 4,7 tỷ đồng; Di tích chùa Ô Chum, thị xã Ngã Năm gần 1,2 tỷ đồng; Di tích chùa Pô Thi Phđôk, xã Kế Thành, huyện Kế Sách trên 800 triệu đồng.

Để góp phần phục vụ cho khách du lịch, các điểm di tích đều đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn như Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét); Tân Huê Viên; chùa Mahatup (chùa Dơi); chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu); Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt; chùa Quang Âm linh Ứng; Đền thờ Bác Hồ; chùa Som Rong. Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm xây dựng các bảng giới thiệu thông tin về các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, công tác vệ sinh trong khuôn viên các di tích luôn được quan tâm thực hiện; thông qua phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” định kỳ hàng quý, nhiều trường học trên địa bàn đã đăng ký đưa các em học sinh đến chăm sóc, làm vệ sinh và tìm hiểu giá trị của di tích. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại di tích, xâm phạm đất đai, phá hoại di tích, việc chăm sóc và phát triển cây xanh tạo cảnh quan, môi trường tại di tích luôn xanh, sạch, đẹp.

 

Chánh điện chùa Chén Kiểu – di tích lịch sử cấp tỉnh

Công tác giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm di tích luôn được đảm bảo nhất là vào dịp diễn ra lễ hội. Ban quản lý các điểm di tích thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương chấn chỉnh việc mua bán trong khuôn viên di tích, vận động người dân có ý thức tham gia bảo vệ, gìn giữ di tích, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, không để xảy ra tình trạng cháy nổ, nạn trộm cắp, chèo kéo, ăn xin… làm ảnh hưởng đến du khách đến tham quan.

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch kiểm tra di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh qua đó giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo vệ di tích trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng, làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong năm 2020, tại các di tích đã đón trên 1.039.151 lượt khách đến tham quan (trong đó, số lượng khách tham quan tại tại Bảo tàng tỉnh 7.419 lượt và Phòng trưng bày văn hóa Khmer 5.925 lượt và các di tích Khu căn cứ tỉnh ủy trên 8.506 lượt, di tích chùa Khleang 21.872 lượt; chùa Dơi 57.574 lượt; chùa Đất Sét 71.208 lượt, chùa Chén Kiểu 161.533 lượt, Đền thờ Bác Hồ 13.343 lượt còn lại là các di tích khác). 

Có thể nói, thời gian qua các di tích khi được xếp hạng đều được quản lý và phát huy tốt giá trị, công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp ở các di tích luôn được vận động từ nguồn xã hội hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo mỹ quang, không gian khang trang và đẹp mắt cho du khách đến tham quan.

Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu