Thak-kôn - Lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer Sóc Trăng

04/05/2024 103 0

STO - Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng có rất nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến Lễ hội Thak-kôn (Lễ hội cúng dừa). Đây là lễ hội vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.

Đến hẹn lại lên

Lễ hội Thak-kôn được tổ chức định kỳ hằng năm, diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm, bắt đầu từ ngày pinh-bôr khe-cheth đến ngày 2 rốch khe-cheth (tính theo Phật lịch của người Khmer), nhằm ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch, tại Salatel Thak-kôn, thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia, cúng bái.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nếu ai đến vùng đất An Trạch (đoạn đường từ ngã tư An Trạch hướng về huyện Kế Sách) sẽ thấy hai bên đường có rất nhiều hộ dân bày bán những chiếc sla-thor-đône (làm bằng trái dừa tươi) được trang trí rất đẹp mắt, đủ kiểu, đủ cỡ.

Chị Thạch Thị Phương đứng bán những chiếc sla-thor-đône, nhang, đèn cầy, dây chỉ đỏ và bông sen cho khách chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, cứ gần tới Lễ hội Thak-kôn là gia đình tôi chuẩn bị một số vật phẩm (bông hoa, lá trầu và trái dừa tươi) để làm sla-thor-đône bán phục vụ nhu cầu người dân gần xa đến đây dâng cúng. Bình quân mỗi mùa lễ hội, gia đình tôi bán được khoảng 500 cặp sla-thor-đône, với giá 30.000 đồng/cặp. Khách đến đông nhất là vào ngày rằm. Bắt đầu từ khoảng 1 giờ sáng là chúng tôi phải thức dậy trưng các lễ vật để bán.

Đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đến dâng vật phẩm cúng tại miếu Thak-kôn. Ảnh: THẠCH PÍCH

Lễ hội Thak-kôn cũng là một hình thức cúng cầu an độc đáo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ với những lễ vật mang đậm màu sắc bản địa như trầu cau, hoa sen và trái dừa. Những trái dừa tươi được người dân vạt hai mặt, rồi cắm vào đó gọi là sla-thor-đône. Sau khi dâng cúng xong, chủ nhân xin lộc đem về nhà chưng trên bàn thờ Phật. Chị Danh Thị Chanh Thol, ngụ ở Phường 5, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng tranh thủ thời gian đến đây để dâng vật phẩm cúng, cầu mong cho gia đình bình an, hạnh phúc, cầu mong cho con cái nghe lời cha mẹ, học hành thật tốt, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo các cụ cao niên và các vị achar, lễ hội này gắn với truyền thuyết về chiếc Kôn-més (cồng vàng) nổi lên ở vùng đất An Trạch xưa kia. Theo truyền thuyết, ngày xưa ở vùng đất An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Dân làng cho là sự linh thiêng bèn lập miếu thờ và cứ đến ngày rằm khe-cheth hằng năm, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội cầu an. Cũng theo tương truyền, thuở xưa, vùng đất An Trạch là xứ đường trâu. Người dân ở đây thấy có một gò đất nổi lên, ban đầu những người đàn ông đi chăn trâu qua đường này lấy chân đạp thử thì nghe âm thanh phát ra thành tiếng “Kôn” nghĩa là cồng, “Kôn-més” nghĩa là cồng vàng. Một hôm, có người phụ nữ chăn trâu đang mang thai, lấy chân đạp lên gò đất thì âm thanh không còn phát ra nữa và gò đất lặng dần... Dân làng bèn lập nơi miếu thờ và cứ đến rằm khe-cheth hằng năm đều tổ chức lễ hội cầu an.

Đội Chhăy-dăm chùa Ta Kúch Chắs, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đến biểu diễn tại Lễ hội Thak-kôn. Ảnh: THẠCH PÍCH

Lễ hội Thak-kôn mang tính văn hóa nông nghiệp, những thứ hoa trái giàu sắc thái bản địa của cộng đồng các dân tộc ở địa phương như: trầu cau, hoa sen, trái dừa... Các thứ hoa trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng. Bên cạnh sla-thor-đône, một số phật tử còn đem theo những hạt giống như: lúa, bắp… rồi để lên bệ thờ trong miếu ông Kôn, hay Luk-kru Kôn để cầu mong các vị thần bảo hộ cho ruộng vườn được tươi tốt, mùa màng được bội thu. Đôi khi họ còn sắm cả chỉ đỏ để xin may mắn, phước lộc về nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Danh Bung - Trưởng Ban Quản trị Salatel Thak-kôn cho biết: “Trong những ngày diễn ra lễ hội, các nghi thức lễ truyền thống được tổ chức trang trọng, duy trì giống như lễ cầu an. Buổi sáng bà con phật tử dâng cơm đến các vị chư tăng; buổi tối, thỉnh các vị chư tăng tụng kinh, làm nghi thức lễ cầu siêu, cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa và sau đó thuyết pháp cho phật tử nghe về giáo lý nhà Phật. Ngoài phần lễ ra, thì phần hội, hằng đêm còn có Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đội Chhăy-dăm chùa Ta Kúch Chắs cũng đến biểu diễn phục vụ bà con, xen với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, góp phần tạo cho Lễ hội Thak-kôn vô cùng náo nhiệt. Đây cũng là dịp để 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng qua những điệu múa, lời ca trong các đêm lễ hội. Hiện nay, nhờ vùng quê đổi mới, đường sá đi lại dễ dàng hơn đã thu hút rất đông bà con đến đây cúng bái. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để Lễ hội Thak-kôn ngày càng quy mô”.

Đến với Lễ hội Thak-kôn, ngoài những yếu tố về tâm linh, mọi người còn có dịp tận hưởng không khí trong lành của vùng quê hữu tình. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được duy trì, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Qua đó là dịp tái hiện ý thức, tình cảm của con người hướng về cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, với ước vọng về sự an lành, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người có được cuộc sống ấm no, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

THẠCH PÍCH

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/thak-kon-le-hoi-truyen-thong-doc-dao-cua-dong-bao-khmer-soc-trang-72973.html

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu