Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại tỉnh Sóc Trăng

30/12/2023 289 0

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long nằm ở cửa Nam sông Hậu, với diện tích tự nhiên hơn 3.000 km2, gồm 1.197.653 người sinh sống (theo số liệu kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Sóc Trăng), trong đó dân tộc Kinh có 774.807 người, chiếm tỷ lệ 64,58%; dân tộc Khmer có 362.029 người, chiếm tỷ lệ 31,17%; dân tộc Hoa có 62.398 người, chiếm tỷ lệ 5,20%; các dân tộc khác có 419 người, chiếm tỷ lệ 0,03%. Sự cộng cư sinh sống và giao lưu văn hóa lâu đời của cộng đồng 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa đã hình thành nên những nét văn hóa độc đáo và đặc trưng riêng của tỉnh Sóc Trăng đã tạo nên một vùng đất mang đậm nét di sản văn hóa dân tộc, có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế trong đó có ngành du lịch. 

Khách du lịch trải nghiệm đan mây tre tại Cơ sở Thủy Tuyết huyện Châu Thành


Trong những năm gần đây công tác xây dựng thương hiệu và những sản phẩm du lịch hấp dẫn đã được quan tâm khôi phục và phát triển như: Khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống như Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo, Lễ dâng bông, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Tết Nguyên Tiêu,... Sóc Trăng đang hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù có khả năng tạo nên thương hiệu, hình ảnh du lịch có sự khác biệt giữa các điểm du lịch khác, tạo sức cạnh tranh cao và là điểm nhấn của hệ thống sản phẩm du lịch, tạo động lực cho các sản phẩm du lịch khác cùng phát triển. Sản phẩm du lịch đặc thù được xây dựng dựa trên các giá trị đặc sắc, độc đáo của mỗi điểm đến. Những sản phẩm du lịch đặc thù của Sóc Trăng không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch mà còn tạo được những ấn tượng bởi tính độc đáo, sáng tạo… sẽ để lại trong lòng du khách. Ngoài nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, du khách đến Sóc Trăng còn có thể hòa mình vào điệu múa Rom Vong, một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khmer tỉnh Sóc Trăng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, món ăn tinh thần độc đáo không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, sinh hoạt văn hóa..., đơn cử nhân dịp Liên hoan Búp sen hồng khu vực phía Nam lần thứ XXVI năm 2023 diễn ra tại Sóc Trăng, điệu múa Rom Vong đã thực hiện bởi hơn 2.000 cháu thiếu nhi đến từ 27 tỉnh, thành khu vực phía Nam tham dự liên hoan cùng hòa vui điệu múa.

Đoàn khách tham quan tại Thanh Minh Cổ Miếu hay còn gọi là Chùa Ông Bổn, TX. Vĩnh Châu

(Ảnh: Nguyễn Dũng)

Những định hướng về quy hoạch, đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch nhằm đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Sóc Trăng đang mở rộng vòng tay đón khách du lịch, các nhà đầu tư đến hợp tác, cùng phát triển, đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực ĐBSCL có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và nhiều loại hình, sản phẩm du lịch da đạng, trong đó, xác định lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác.
Cách mạng khoa học 4.0 đã có tác động lớn đến tất cả các ngành nghề và đã được ứng dụng với các mức độ khác nhau. Tỉnh Sóc Trăng đã và đang phát triển hệ thống du lịch thông minh vào quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch. Tính đến cuối tháng 12/2023, Hệ thống đã thu hút trên 3,2 triệu lượt truy cập. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2.900.000 lượt đạt 127% kế hoạch năm, tăng 3,77% so năm 2022 (2.794.740 lượt), trong đó lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 37.000 lượt; khách lưu trú ước đạt 600.000 lượt đạt 150% kế hoạch năm, tăng 4,24% năm 2022 (575.614 lượt); tổng thu từ du lịch ước đạt 1.550 tỷ đồng đạt 154% kế hoạch năm, tăng 4,43% so năm 2022 (1.484 tỷ đồng).
Với mục tiêu xây dựng du lịch Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực ĐBSCL, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác. Sóc Trăng phấn đấu phát triển du lịch gắn kết tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người với chuỗi giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như: Tạo sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại) để tạo ra được sản phẩm du lịch du lịch có chất lượng. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch. Chú trọng phát triển chuỗi giá trị trong khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp. Triển khai chương trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm (OCOP) vào hoạt động tiêu dùng du lịch. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kết nối đội ngũ các chuyên gia về du lịch để hỗ trợ phát triển mô hình du lịch tại các địa phương. 
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch; xây dựng các tour du lịch nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của du khách rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, sự liên kết, hợp tác để cùng phát triển của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng./.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu