Nhằm khai thác hiệu quả công suất hoạt động của Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ (HKQT), tăng cường kết nối dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa giữa vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với các địa phương và quốc tế; đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, kêu gọi thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến các địa phương trong vùng, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP Cần Thơ, vào ngày 17/3/2014, tại hội trường Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
(Từ trái sang) Ông Lê Hùng Dũng-CT UBND TP.CT, ông Nguyễn Phong Quang-Phó TBTT BCĐ TNB
và ông Phạm Quý Tiêu-Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì hội nghị
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; lãnh đạo Tổng cục Du lịch VN, Cục Hàng không VN, Tổng công ty Cảng Hàng không VN; đại diện các cơ quan ngoại giao, lảnh sự quán Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Singapore; lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL các tỉnh ĐBSCL và các thành phố lớn; đại diện các công ty du lịch, lữ hành, các Cảng hàng không, hãng hàng không, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Được biết, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ được xây dựng và đưa vào khai thác nhà ga mới vào cuối năm 2010. Hiện nay, Cảng đang phục vụ khai thác các đường bay nội địa và quốc tế như: Cần Thơ - Hà Nội (02 chuyến/ngày), Cần Thơ - Phú Quốc (01 chuyến/ngày), Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Đài Bắc (trong dịp Tết Nguyên đán). Với các tuyến bay hiện hữu quá ít, chưa đa dạng nên vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế và nhu cầu lưu thông của hành khách. Trong năm 2013, Cảng HKQT Cần Thơ chỉ tiếp nhận 238.000 lượt hành khách, quá ít so với công suất thiết kế 03 triệu lượt khách/năm, thấp hơn nhiều so với các hãng hàng không trong khu vực. Trong khi đó, tiềm năng khách du lịch trong và ngoài nước đến các tỉnh vùng ĐBSCL là rất lớn (trong năm, vùng ĐBSCL đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng).
Do đó, Hội nghị lần này được tổ chức với yêu cầu kết nối các hãng hàng không trong nước và quốc tế để mở các tuyến bay mới đến TP.Cần Thơ như: Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Thơ - Liên Khương (Lâm Đồng), Cần Thơ - Siêm Riệp, Cần Thơ - Phnompenh (Campuchia), Cần Thơ - Bangkok (Thái Lan), Cần Thơ - Hàn Quốc, Cần Thơ - Đài Loan. Việc mở các đường bay mới này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh, định vị hình ảnh du lịch, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch ĐBSCL, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.
Các đơn vị ký kết Biên bản ghi nhớ v/v tăng cường khai thác các tuyến bay mới đến Cần Thơ
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn việc mở các đường bay mới thực hiện càng sớm càng tốt và sẵn sàng hình thành các các gói sản phẩm du lịch mới với mức giá hấp dẫn cho du khách. Lãnh đạo Cục Hàng không VN và Tổng công ty Cảng Hàng không VN cho biết ngành Hàng không VN sẽ có những chính sách hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho các hãng hàng không mở đường bay đến Cần Thơ, cụ thể: giảm đến 50% giá điều hành bay đi/đến, các loại giá dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay do nhà nước định giá, trong thời gian 03 năm; miễn 100% giá dịch vụ mặt đất cơ bản cho các hãng hàng không mở đường bay quốc tế đi/đến Cần Thơ, thời gian 01 năm; giảm 50% giá dịch vụ mặt đất cơ bản cho các hãng hàng không mở đường bay quốc nội mới đi/đến Cần Thơ, thời gian 01 năm. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành cũng cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không mở các đường bay mới đến Cần Thơ như: TP.Đà Nẵng sẽ xây dựng gói sản phẩm du lịch ưu đãi, thích hợp cho du khách đến Cần Thơ bằng đường hàng không và cam kết đặt chổ khứ hồi cố định khoảng 20% đến 25%/chuyến bay; TP Cần Thơ có chính sách hỗ trợ giá cho du khách khi tham gia các tuyến hàng không này và sẽ vận động từ nguồn xã hội hóa để bù lỗ cho các hãng hàng không giai đoạn đầu; các tỉnh còn lại sẽ vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ủng hộ các tuyến hàng không tại Cảng Cần Thơ (thay vì đi/đến ở Cảng Tân Sơn Nhất, TP.HCM).
Kết thúc hội nghị, có 12 đơn vị ký Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường khai thác các đường bay mới đi/đến Cần Thơ. Hy vọng trong thời gian sắp tới, nhất là trong năm 2014, sẽ có nhiều đường bay mới đi/đến Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL nói chung./.
Quốc Quân