HỘI THẢO LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

15/03/2023 702 0

Hội thảo diễn ra tại TP. Cần Thơ vào ngày 26/3/2014 vừa qua, do Bộ VHTTDL chủ trì, với sự tham dự của 180 đại biểu đại diện cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tổng cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các cục, vụ thuộc Bộ VHTTDL; UBND, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các công ty du lịch và dịch vụ, công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành trong vùng Tây Nam Bộ, TP. HCM và các tỉnh lân cận cùng một số tỉnh phía Bắc, đông đảo phóng viên các báo, đài cùng đến dự và tin, hình ảnh của hội thảo.

          

         Hội thảo diễn ra trong một buổi với tinh thần làm việc tích cực, sôi nổi và trách nhiệm. Ngoài kỷ yếu tập hợp khá nhiều bài tham luận, đã có thêm nhiều ý kiến đóng góp phát biểu trực tiếp tại hội thảo với tâm huyết, trăn trở về sự phát trỉển du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long quá chậm so với tiềm năng và vị trí địa lý, với nhiều tài nguyên du lịch về cảnh quan thiên nhiên, đồng bằng, biển đảo, những nét văn hóa lễ hội độc đáo, với những đặc điểm về phong tục tập quán, kiến trúc đình, chùa của 4 dân tộc chính trong vùng là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Một số doanh nghiệp du lịch  đã phản ánh những khó khăn trở ngại trong quá trình hoạt động, đề xuất kiến nghị một số giải pháp để đưa du lịch lịch của vùng vươn lên kịp với các khu vực khác trong cả nước. Ông Lâm Vĩnh phương, Phó GĐ sở VHTTDL tỉnh cùng đại diện Trung tâm TTXTDL, phòng NVDL thuộc sở đã dự hội thảo và gởi bài tham luận cho 180 đại biểu nghiên cứu. Tham luận có nhan đề “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Sóc Trăng tiến tới hình thành hệ thống sản phẩm có thương hiệu của ĐBSCL”.

        Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Hồ Anh Tuấn, đã nêu rõ một số bất cập, nguyên nhân hạn chế của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long như chưa thấy rõ lợi ích của hoạt động du lịch đem lại nên chưa có sự tích cực tham gia của các tỉnh, thành; chưa có kế hoạch, lộ trình, chương trình hành động cụ thể; chưa có mô hình, cơ chế vùng phù hợp để phát triển du lịch; chưa có vai trò của cơ quan, tổ chức cụ thể nào để điều khiển chung hoạt động du lịch của vùng. Trước khi đưa ra các giải pháp khắc phục và đề xuất chỉ đạo tới, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã thay mặt lãnh đạo Bộ, thừa nhận thiếu sót của Bộ trong việc chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng để  phát triển, đưa du lịch ĐBSCL cất cánh cần có sự quan tâm đồng bộ rất lớn của các Bộ, lãnh đạo các địa phương trong vùng; phải có nhạc trường, tức ban điều phối hay là một tổ chức đủ mạnh để điều phối chung của đề án hay dự án phát triển du lịch của ĐBSCL. Có thể là Bộ VHTTDL hay Tổng cục Du lịch là chủ công cùng các tổ chức có vai trò quan trọng khác như Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành trong khu vực... nhất là vai trò xung kích hết sức quan trọng của các doanh nghiệp du lịch. Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Viên Nghiên cứu phát triển du lịch trực tiếp soạn thảo đề án phát triển du lịch ĐBSCL, trên cơ sở các văn bản pháp quy của Trung ương về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Thời gian hoàn thành và thông qua dự thảo là trước ngày 30/6 và sẽ tổ chức triển khai từ tháng 7 đến tháng 12/2014. Sang năm 2015, phải thật sự làm chuyển biến hoạt động du lịch của ĐBSCL, để du lịch vùng phải phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu và khám phá.  

                                                                                                                Trịnh Công Lý.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu