Trong xu thế phát triển du lịch chung của thế giới và trong nước, dù bị ảnh hưởng không ít của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và dịch bệnh, những năm gần đây, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, không ít chuyên gia về du lịch cho rằng tiềm năng du lịch chưa được khơi dậy và phát huy đúng mức. Ngoài những thế mạnh về du lịch văn hóa lễ hội, sông nước miệt vườn, tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hóa của cộng đồng các dân tộc, thì ở ĐBSCL vẫn có thế mạnh riêng về du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, nhất là du lịch biển - đảo chưa được quan tâm khai thác, phát huy thế mạnh mạnh đặc thù của vùng này.
Để có thể phát huy tốt hơn loại hình du lịch biển - đảo của ĐBSCL, xin được đề xuất, trao đổi một số ý kiến sau đây.
Vấn đề trước tiên và cấp bách là cần điều tra, đánh giá đúng mức các loại hình tài nguyên du lịch biển - đảo của từng tỉnh trong khu vực, đã và đang phát triển và được đầu tư như thế nào; sẽ có những loại hình vui chơi giải trí nghỉ dưỡng nào phù hợp, hấp dẫn, mới lạ và có khả năng thu hút khách du lịch; số tỉnh nào chưa khai thác và sẽ khai thác theo định hướng nào . .. . Phải thừa nhận rằng biển ở các tỉnh ĐBSCL đa số là biển đục, chỉ riêng có tỉnh Kiên Giang khu vực Côn Đảo và một phần ở Hà Tiên có biển xanh. Nhưng ngoài khơi một số tỉnh, chúng ta vẫn có một số đảo có thể khai thác du lịch như ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, nhất là ở Kiên Giang. Chúng ta có thể nghiên cứu một số loại hình du lịch biển Vũng Tàu và một số vùng biển ở miền Trung hay miền Bắc để thiết kế tour du lịch biển - đảo kèm những dịch vụ mới lạ hấp dẫn, kể cả nối tour với nhũng loại hình du lịch khác trong và ngoài khu vực ĐBSCL.
Để đạt được yêu cầu này, vấn đề trọng yếu là cần thống nhất trong quy hoạch vùng và quy hoạch của từng tỉnh về du lịch biển - đảo, tránh sự chồng chéo, hoặc trùng lắp sản phẩm du lịch; gắn du lịch biển - đảo với các loại hình du lịch khác phù hợp với khách du lịch khi đến ĐBSCL. Thiết nghĩ, điều quan trọng là từng tỉnh cần có kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ vừa ban hành trong tháng 10/2009 về quy hoạch phát triển ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.Điều rất phấn khởi là vừa qua, Bộ VHTTDL đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và Đề án Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Đề án được duyệt sẽ là cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển du lịch ĐBSCL, trong đó có du lịch biển đảo của khu vực này.
Vấn đề thứ hai chính là cần thực hiện nhiệm vụ điều tra thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa quan tâm đến loại hình du lịch biển - đảo của ĐBSCL. Từ đó, có thể định hướng và xác định được thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, có nhu cầu đến ĐBSCL để tham gia loại hình du lịch biển đảo, kết hợp nhiều loại hình du lịch khác. Ngoài ra, cần phải tính đến thị trường khách du lịch trong khu vực. Chỉ tính con số gần 18 triệu dân vùng ĐBSCL, có khoảng 1/5 tham gia du lịch hàng năm là con số khá lý tưởng. Nhất là khi phát triển du lịch biển – đảo trong vùng sẽ rút ngắn khoảng cách so với đi du lịch vùng biển Vũng Tàu - Nha Trang (dĩ nhiên du khách ĐBSCL có thể kết hợp đi mua sắm, vui chơi giải trí ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Lạt, . . nhưng chi phí sẽ cao hơn rất nhiều). Đó là chưa tính đến số lượng du khách từ các tỉnh phía Bắc vào ĐBSCL ngày càng nhiều, thông qua cảng hàng không quốc tế Cần Thơ
Thứ ba, vấn đề không kém phần quan trọng đó là cần sự tính toán đến chi phí các dịch vụ du lịch phù hợp với thu nhập của các tầng lớp dân cư trong vùng cũng như khách du lịch quốc tế. Có thể giảm chi phí ăn, nghỉ, kể cả chi phí một số dịch vụ để người dân có thu nhập trung bình có điều kiện tham gia du lịch trong vùng. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo giá cả dịch vụ, mua sắm hàng lưu niệm . . . không lên xuống bất thường, ngay cả mùa cao điểm. Mặt khác, có thể phát huy loại hình du lịch trong dân (homestay) để có thể giảm chi phí nghỉ ở khách sạn hoặc có thể thực hiện kế hoạch phục vụ khách du lịch trong vùng vào những tháng thấp điểm v.v. . . Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần xây dựng những cơ sở lưu trú cao cấp hoặc những dịch vụ khác đạt chuẩn quốc tế để phục vụ khách du lịch nước ngoài. Điều quan tâm là đối với Phú Quốc và một số khu, điểm du lịch biển - đảo khác ở các tỉnh trong vùng nên có kế hoạch lâu dài, vừa có thể thu hút khách du lịch quốc tế, vừa có thể phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch nội địa, nhất là trong vùng ĐBSCL. Từ đó, mà các địa phương có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Cảnh đẹp ở Phú Quốc
Thứ tư là công tác xúc tiến quảng bá du lịch biển - đảo ĐBSCL. Có thể nói hiện nay, ĐBSCL ít được giới thiệu đến với các công ty lữ hành quốc tế và nội địa. Khách du lịch Âu Châu và cả châu Á cũng chưa hiểu nhiều lắm về các điểm đến du lịch của ĐBSCL. Cho nên cùng với việc nâng cao chất lượng những sản phẩm du lịch đã có và xây dựng sản phẩm du lịch mới, những năm qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tổ chức vài chuyến xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL ra Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, cùng các hội thảo trong và ngoài khu vực, các kỳ tham gia quảng bá nhân Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm v.v. . ..Từ đó, đã tạo được hiệu ứng rất tốt. Sắp tới, ngành du lịch của các tỉnh ĐBSCL, các HHDL từng tỉnh và ĐBSCL cần hợp tác chặt chẽ hơn, có sự trao đổi, thảo luận thống nhất kế hoạch xúc tiến quảng bá các điểm đến du lịch, trong đó có loại hình du lịch biển - đảo ĐBSCL, với thị trường khách du lịch thế giới và du khách, miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc. Các hình thức xúc tiến quảng bá cần đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nhất là cần tăng cường công tác này ra các nước trên thế giới, như tham gia hội chợ, hội thảo quốc tế và khu vực về du lịch và phát triển du lịch biển - đảo gắn với các loại hình du lịch khác ở ĐBSCL như tâm linh, tín ngưỡng; văn hóa - lễ hội, lịch sử truyền thống, sinh thái miệt vườn, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Thứ năm là nhân lực của ngành du lịch của ĐBSCL cần được quan tâm hơn nữa. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho các lĩnh vực hoạt động du lịch ở ĐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu; đặc biệt là đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Hiện nay, cả ĐBSCL chỉ có 1 Trường Cao đẳng nghề Du lịch Cần Thơ nên chưa đủ cán bộ giảng dạy và đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Các trường khác trong khu vực có một số lớp hay khoa du lịch nhưng cũng chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho ngành du lịch hiện nay cũng như trong thời gian tới. Cán bộ hoạt động trong ngành du lịch thuộc khu vực ĐBSCL lại ít có điều kiện tiếp xúc với những khu, điểm du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực, để có thể học tập, trao đổi rút kinh nghiệm tổ chức hoạt động du lịch và dịch vụ ở những nơi này.
Vấn đề cuối cùng, nhất thiết là phải có sự liên kết chặt chẽ, nhưng có sự phân định rõ trách nhiệm, trên cơ sở ưu thế vốn có của từng tỉnh trong khu vực trong tổ chức tuyến, tour, tổ chức các loại hình du lịch, các dịch vụ du lịch biển – đảo mới lạ, hấp dẫn. Cần tránh tình trạng tranh giành khách du lịch, giảm giá các dịch vụ không phù hợp. Mạnh dạn phát huy vai trò của hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch của từng tỉnh, thành phố trong vùng. Từ đó, có thể giới thiệu về vùng đất, con người và các sản phẩm du lịch của địa phương được rõ ràng, hấp dẫn, thu hút hơn. Mặt khác, cần đầu tư, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch của từng tỉnh mang đặc thù riêng trong cái chung của ĐBSCL để tạo sự hấp dẫn cho du khách và du khách phải cần đi từng tỉnh để tìm hiểu và khám phá những nét văn hoá độc đáo riêng có của từng địa phương, trong đó có biển - đảo.
Điều quan trọng là cần có sự đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch biển - đảo, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực,... Sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và sự quan tâm đầu tư của từng tỉnh cho các nội dung trên là điều hết sức quan trọng, có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động du lịch của từng địa phương. Ngoài ra, cần có những chủ trương chính sách thiết thực, phù hợp nhằm huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ. Thông qua Hiệp hội du lịch ĐBSCL và Hiệp hội Du lịch từng tỉnh trong khu vực, cần phát huy nhiệm vụ là trung tâm tập hợp sức mạnh chung của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến du lịch để đóng góp cho sự phát triển chung của du lịch biển -đảo ĐBSCL.
Sẽ còn một số vấn đề khác liên quan đến mở rộng hoạt động du lịch biển- đảo ở ĐBSCL như đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch, nhất là nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển - đảo, giữ gìn và đảm bảo cho mọi người có thể thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên v.v. . .cũng cần được các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ quan tâm chuẩn bị kế hoạch và triển khai thực hiện tốt. Đặc biệt là cần có một “nhạc trưởng” để điều phối nhịp nhàng hoạt động du lịch của ĐBSCL như nhiều hội nghị hội thảo du lịch trong nước và khu vực ĐBSCL đã đề cập.
Với những thực tiễn hoạt động trong thời gian, với định hướng và quyết tâm mới, hy vọng rằng, kế hoạch liên kết phát triển du lịch nói chung và du lịch biển - đảo giữa các tỉnh ĐBSCL nói riêng, sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất, với những nội dung thiết thực, mang tính đồng bộ và đem lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của du lịch ĐBSCL.
Trịnh Công Lý