Đoàn khảo sát, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại điểm Cồn Chim
Trong 03 ngày từ 01/10 đến 03/10/2024, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Chim thuộc ấp cù lao Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh và ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM.
Đoàn do đồng chí Lý Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có Tiến sĩ Lê Cao Thanh – Viện trưởng, Viện nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công thương TP.HCM; Tiến sĩ Trịnh Công Lý – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh; Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cù Lao Dung, Kế Sách và Mỹ Tú; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các hộ dân có tiềm năng phát triển, đã và đang hoạt động, khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng tại các xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung; Cồn Phong Nẫm, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách; xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú.
Đoàn khảo sát, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Đảo Thiềng Liềng
Quang cảnh buổi họp trao đổi kinh nghiệm với các hộ dân và chính quyền
xã xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM
Trong chuyến khảo sát, học tập, đoàn công tác được nghe lãnh đạo Tổ, Nhóm, Hợp tác xã trao đổi, chia sẻ những kỹ năng trong tổ chức mô hình du lịch cộng đồng; đại diện các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng chia sẻ, giới thiệu về những thuận lợi, khó khăn và những kinh nghiệm trong quá trình triển khai hoạt động tiếp đón và tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Đồng thời trực tiếp tham quan các mô hình homestay, trải nghiệm nét văn hóa và một số điểm du lịch tiêu biểu của Cồn Chim và ấp Đảo Thiềng. Trong quá trình khảo sát đoàn được tìm hiểu công việc hằng ngày của các hộ dân trong làng làm nông nghiệp, trồng rau, hái lá sâm, nghề làm muối, cách chế biến các món ẩm thực và bán các sản đặc trưng ở các địa phương.
Đồng thời các Chuyên gia tư vấn đã dành thời gian trao đổi với các thành viên về những điểm mạnh, tích cực, một số hạn chế của 2 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Trà Vinh và TP.HCM, nhấn mạnh những kinh nghiệm những bài học trong xây dựng điểm đến, những dịch vụ cần phát huy, so sánh đối chiếu với tiềm năng du lịch của các huyện trong tỉnh Sóc Trăng, nhất là của các hộ dân đang kinh doanh du lịch và dịch vụ. Giúp cho các thành viên trong đoàn, nhất là đại diện các hộ dân nâng cao nhận thức, có cách nhìn mới về lợi ích của việc xây dựng, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay, học tập được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức, xây dựng điểm du lịch, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để phục vụ khách du lịch, góp phần giúp đoàn công tác có thêm kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng từ những mô hình đang hoạt động có hiệu quả của tỉnh bạn, từ đó áp dụng vào việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Thông qua chuyến khảo sát, học tập lần này, các thành viên trong đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm làm Du lịch cộng đồng, trong đó có việc lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc như: cách xây dựng nhà truyền thống; cách bố trí kiến trúc, thiết kế không gian cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại các điểm; phong cách phục vụ khách du lịch ăn uống… nhất là các kinh nghiệm khi triển khai du lịch cộng đồng, cũng như hiểu được cách thức quản lý, chia sẻ lợi ích của các hộ dân trong tổ, nhóm, hợp tác xã... Tại các điểm đến, Đoàn đã có nhiều câu hỏi tập trung vào một số nội dung: Mô hình tổ chức, quản lý, chia sẻ lợi ích đối với các thành viên trong cộng đồng; phương án xây dựng, cách thức kết nối và lan tỏa thông tin; phát huy giá trị văn hóa, phong cảnh tạo thành các điểm nhấn du lịch để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương; công tác khai thác, bảo tồn, phát triển du lịch không được phá hủy hoặc biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường, để lựa chọn cách làm du lịch hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương Sóc Trăng trong thời gian tới./.
Diệu Thúy