Du lịch ẩm thực ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuyến du lịch của du khách và đã trở thành một trong những lí do chính khi lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Xu hướng này mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị du lịch như nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, thúc đẩy quảng bá, giữ gìn di sản văn hóa và tăng cường giao lưu văn hóa.
Du khách Đức thưởng thức ẩm thực tại Liên hoan Ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ VI, năm 2024
Việt Nam có một nền ẩm thực hết sức phong phú và đa dạng, đây là tiềm năng to lớn để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch ẩm thực. Với số điểm trung bình 4,44/5 do các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp và khách quốc tế đánh giá, ẩm thực Việt Nam đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới năm 2023 của chuyên trang ẩm thực danh tiếng thế giới TasteAtlas. Kênh truyền hình của Mỹ CNN bình chọn ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới. Giải thưởng Ẩm thực thế giới (thuộc hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2022”. Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả. Năm 2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn Việt Nam làm điểm đến (2).
Sóc Trăng là một tỉnh nằm cuối nguồn Sông Hậu – một trong 2 con sông chính của dòng MeKong chảy qua Việt Nam. Sóc Trăng có nền văn hóa đa dạng và phong phú, là nơi giao thoa của nhiều dân tộc và văn hóa khác nhau. Đặc biệt, ẩm thực Sóc Trăng là sự kết hợp tinh túy của các nguyên liệu tự nhiên, hương vị đậm đà và phong cách chế biến món ăn độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Mỗi món ăn ở đây đều mang câu chuyện văn hóa, giàu truyền thống và tâm hồn của người dân miền sông nước.
Trong bức tranh tổng thể ẩm thực Việt Nam, ẩm thực Sóc Trăng mang một màu sắc hết sức đặc trưng với nhiều món ngon vô cùng hấp dẫn, có thể kể đến như bún nước lèo, bánh cống, bánh Pía, lạp xưởng, hủ tiếu Vĩnh Châu, khô trâu Thạnh Trị, bò nướng ngói Mỹ Xuyên, bánh ống, bánh gừng, canh sim-lo… Trong đó, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã công nhận món bún nước lèo và bánh cống Sóc Trăng vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; bánh Pía vào top 10 đặc sản quà bánh nổi tiếng Việt Nam. Ngoài ra, món bún nước lèo Sóc Trăng còn được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là món ăn đặc sản năm 2023. Không những thế, Sóc Trăng có đến 237 sản phẩm đạt sao OCOP (thống kê quý IV, năm 2024) trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao (gạo ST24), 1 sản phẩm được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao (gạo ST25) và 18 sản phẩm đạt 4 sao. Trong các sản phẩm OCOP của tỉnh có rất nhiều sản phẩm ẩm thực mang giá trị cao mà du khách mong muốn được thưởng thức và mua về làm quà tặng du lịch như gạo ST25, xá pấu, hành tím, trà mãng cầu, tôm một gió… trong đó, gạo ST25 là loại gạo được vinh danh ngon nhất thế giới năm 2019 và năm 2023 tại Philippines.
Một món ăn vang danh của Sóc Trăng từ xưa đến nay mà du khách mỗi dịp ghé ngang đều phải thử một lần, đó chính là bún nước lèo. Món ăn này chiếm trọn cảm tình của người thưởng thức bởi hương vị đặc trưng đầy cuốn hút. Đây là món ngon giao thoa tinh hoa ẩm thực đến từ 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer đã cùng sinh sống lâu đời tại vùng đất này. Hương vị của món bún nước lèo Sóc Trăng khác hẳn so với những nơi khác bởi đó là sự kết hợp đầy ấn tượng giữa nguồn nguyên liệu dân dã và cách chế biến mang đậm tính địa phương của người nấu. Một món ăn trứ danh khác tại vùng đất Sông Trăng này, đó là bánh cống. Đây là món ăn đã được xuất hiện từ lâu đời, chế biến bởi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Khmer.
Hiện nay, các cơ sở ẩm thực đã và đang được đầu tư tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống tại tỉnh Sóc Trăng không chỉ chú trọng vào chất lượng, sự đa dạng của món ăn mà còn đẩy mạnh đầu tư vào không gian, phong cách phục vụ cũng như chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, cơ sở ăn uống còn đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tiêu biểu là các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer như điệu múa Rom Vong (hay còn gọi là múa Lâm Thôn), Sarawan, múa Chằn, trình diễn nhạc ngũ âm, nhạc truyền thống dân tộc cho đến đờn ca tài tử của người Việt. Sự kết hợp này mang lại sự thích thú cho du khách gần xa khi vừa được thưởng thức ẩm thực vừa được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa địa phương mà không phải nơi nào cũng có được. Một số nhà hàng tiêu biểu đang khai thác loại hình này như nhà hàng Quê Tôi, nhà hàng Gạo Tẻ, Farmstay Sân Tiên, Cô Hai Garden Coffee, Ẩm thực Sông Quê… đều nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến tham quan Sóc Trăng.
Múa chằn phục vụ du khách tại Farmstay Sân Tiên, huyện Cù Lao Dung
Du lịch ẩm thực đang dần trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành du lịch Sóc Trăng. Mặc dù có nhiều tiềm năng, việc phát triển du lịch ẩm thực tại tỉnh vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức như chưa có chiến lược đầu tư và phát triển chính thức, thiếu cơ sở kinh doanh ẩm thực chuyên nghiệp, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dịch vụ, giá cả còn chưa thực hiện bài bản và đồng bộ, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, thiếu các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo, mang tính sáng tạo…
Ẩm thực Sóc Trăng được đánh giá rất cao bởi du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên để du lịch ẩm thực trở thành điểm nhấn cho du lịch Sóc Trăng, thì cần có các giải pháp đồng bộ như nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và cần có chiến lược phát triển được hoạch định tương xứng với tiềm năng và có lộ trình phù hợp để phát triển du lịch ẩm thực Sóc Trăng; phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa tạo ra các món ăn từ những nguyên liệu đặc sản phong phú, trong đó lấy các món ăn của người Khmer làm trọng tâm để tạo điểm nhất thu hút du khách, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo tính sáng tạo, thẩm mỹ cho món ăn; các nhà hàng, cơ sở ẩm thực cần đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các trang web, đầu tư những hình ảnh đẹp, các bài viết chi tiết, mời KOLs review không gian… sẽ tạo được tự tò mò, hứng thú trong lòng du khách; các nhà hàng cần đầu tư tạo nên không gian ẩm thực đặc sắc, riêng biệt, tạo được dấu ấn trong lòng du khách, cần có sự liên kết với nhau và liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng thương hiệu, tour ẩm thực địa phương và các tour ẩm thực chuyên đề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, tôn vinh các nghệ nhân ẩm thực, các chuyên gia; khuyến khích kêu gọi đầu tư cơ sở ăn uống đạt chuẩn; tổ chức một số sự kiện nhằm tạo nên không gian ẩm thực địa phương thu nhỏ, nơi du khách có thể thưởng thức hầu hết các đặc sản, ẩm thực của Sóc Trăng như phố ẩm thực, liên hoan ẩm thực.
Tin rằng, với việc triển khai những giải pháp nêu trên sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Nguyễn Lợi
* Tài liệu tham khảo:
(1) Theo https://vietnamtourism.gov.vn/post/40077
(2) Theo https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-du-lich-am-thuc-viet-nam-theo-huong-ben-vung-29913.html