Tại hội nghị, các đại biểu cùng chia sẻ nhiều giải pháp tổ chức hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu; thông tin về nhu cầu kết nối; hỗ trợ thúc đẩy đưa sản phẩm, hàng hóa của các địa phương vào hệ thống siêu thị, nhà phân phối; hiệu quả trong tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của doanh nghiệp…
Bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 242 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trong đó, có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 225 sản phẩm đạt 3 sao) của 140 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn. Các sản phẩm đều có xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng điều kiện sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại nhiều thị trường, kênh phân phối trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp nhấn mạnh “việc tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố năm 2024 là quan trọng và cần thiết vì đây chính là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được kết nối giao thương, mở rộng thị trường, kênh phân phối, đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh, thành nói chung vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối, chợ đầu mối, điểm bán sản phẩm của các tỉnh, thành phố trong cả nước”.
Dịp này, đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các siêu thị trong cả nước đã ký kết 20 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm./.
Lý Thị Phương